(TG) - Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày tại Việt Nam
sẽ có hơn 100 người chết vì các bệnh do hút thuốc lá gây ra. Và trung
bình mỗi năm ước tính có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên
quan đến thuốc lá…Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp ba lần số
người chết vì tai nạn giao thông và HIV/AIDS.
Đây là một gánh nặng cho ngành y tế của Việt Nam bởi những hệ lụy do
bệnh tật gây ra như quá tải cho hệ thống y tế, tăng cao sự lây nhiễm
chéo các loại bệnh…
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho
thấy, thuốc lá gây ra bệnh tật và tử vong sớm hơn 1,5 triệu năm sống
khỏe mạnh của người Việt, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong
tại Việt Nam.
Hiện nay, thực trạng về số người hút thuốc lá tại Việt Nam đang ở
mức cao, đáng báo động. Theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), mỗi năm
trong cả nước có thêm khoảng 150.000 người mắc mới bệnh ung thư và hơn
7.500 người tử vong, trong đó 30% số ca mắc mới bệnh này là do thuốc lá
gây ra.
Theo tiến sỹ Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, những người
hút thuốc lá nhiều có nguy cơ bị ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung
thư bàng quang, ung thư khoang miệng, thậm chí ung thư vú ở nữ giới cũng
là do bị ảnh hưởng bởi thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá còn là nguyên nhân
gây các bệnh khác như tim mạch và tăng nguy cơ vô sinh…
Theo ước tính của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam
giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với hơn 47% nam giới trưởng thành
hút thuốc.
Việt Nam hiện có 15 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá,
trong số đó có đến 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc
tại nhà và trên 8 triệu người Việt Nam hít phải khói thuốc tại nơi làm
việc, 47 triệu người tiếp xúc thụ động với khói thuốc…
Ảnh minh họa.
Những độc tố trong thuốc lá
Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200
loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc.
Người ta chia ra 4 nhóm chính:
Nicotine: Nicôtine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi
cháy và có mùi thuốc khi tiếp xúc với không khí. nicôtine được hấp thụ
qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung
bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg nicôtin mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá
đưa nicôtin một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít
vào. Cơ quan Kiểm soát Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicôtin vào
nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như các
chất ma tuý Heroin và Cocain.
Monoxit carbon (khí CO): Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá
và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20
lần oxy. Với người hút trung bình 1 bao thuốc mỗi ngày thì hàm lượng
hemoglobine khử có thể tới 7-8%. Sự tăng hemoglobine khử làm chuyển dịch
đường cong phân tách oxy-hemoglobin dẫn đến giảm lượng oxy chuyển đến
tổ chức gây thiếu máu tổ chức và có lẽ góp phần hình thành các mảng xơ
vữa động mạch.
Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất
kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên
các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến
phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các
thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm
nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi
ngừng hút thuốc.
Các chất gây ung thư: Trong khói thuốc lá có trên 40 chất trong số
đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene có tính chất
gây ung thư. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô
hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào
dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.
Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên
cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 01 điếu thuốc tức là đã tự
mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút
thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc
làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư
(ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch…. Mức độ
tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì
nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình với đơn vị là bao/năm
tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm
hút (số lượng thuốc hút bao/năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời
gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn./.
Huy Cường