Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 7/9/2011 21:27'(GMT+7)

Hưng Yên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại

Công ty CP Inox Hòa Bình (Hưng Yên) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và Ðông - Nam Á đầu tư nhà máy cán thép không gỉ tấm lớn, thay thế hàng nhập khẩu, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 134 nghìn tấn thép, giảm nhập siêu, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 90 triệu USD/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 người lao động.   ( Ảnh: PHẠM VĂN HÀ )

Công ty CP Inox Hòa Bình (Hưng Yên) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và Ðông - Nam Á đầu tư nhà máy cán thép không gỉ tấm lớn, thay thế hàng nhập khẩu, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 134 nghìn tấn thép, giảm nhập siêu, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 90 triệu USD/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 người lao động. ( Ảnh: PHẠM VĂN HÀ )

Trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp ở mức cao; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp quy hoạch chung của cả vùng và địa phương; tạo việc làm và thu hút nhiều lao động từ khu vực nông nghiệp; ưu tiên tiếp nhận các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu ngân sách lớn.

Tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hơn 19%/năm; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm hơn 50% GDP toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp đạt hơn hai tỷ USD; phấn đấu đến năm 2020, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Theo đó, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp: Tập trung xây dựng hạ tầng, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp đã quy hoạch; khuyến khích phát triển nghề truyền thống và hình thành nghề mới; đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động có hiệu quả; phấn đấu đến năm 2015 hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 23 cụm công nghiệp... Tỉnh cũng ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho các khu công nghiệp.

* Tỉnh Ðiện Biên đang tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 làm cơ sở cho việc định hướng phát triển sản xuất; phát triển hạ tầng, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp; tập trung khai thác đất chưa sử dụng để phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng kiên cố hóa công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương bảo đảm nước tưới cho 8.540 ha lúa chiêm và 18.320 ha lúa mùa vào năm 2015.

Cùng với việc phát triển cây lương thực, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn với mức bình quân đầu người đạt hơn 420 kg/người/năm, tỉnh Ðiện Biên chú trọng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp dài ngày như: nâng diện tích chè lên 1.000 ha vào năm 2015 (trong đó có 700-750 ha chè kinh doanh), bình quân mỗi năm trồng mới 110 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 240 tấn. Mở rộng diện tích cà-phê theo quy hoạch, tập trung ở các huyện: Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo. Tăng cường liên doanh, liên kết các thành phần kinh tế để phát triển trồng cà-phê. Dự kiến, đến năm 2015, toàn tỉnh có 4.000 ha cà-phê (trong đó có 3.000-3.500 ha cà-phê kinh doanh), bình quân mỗi năm trồng mới 400 ha; sản lượng cà-phê nhân đạt 5.400 tấn. Tập trung mở rộng diện tích cây cao-su theo quy hoạch; phấn đấu mỗi năm trồng mới 1.300 ha, đến năm 2015, diện tích cao-su toàn tỉnh đạt 10 nghìn ha.

Triển khai xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su phù hợp chu kỳ khai thác và diện tích cao-su đã trồng. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn (chăn nuôi lợn, gia cầm); chăn nuôi trâu, bò thịt tạo nguồn sản phẩm hàng hóa ổn định xuất bán ra thị trường. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, trên cơ sở quy hoạch phát triển ba loại rừng. Chú trọng bảo vệ phát triển diện tích rừng đặc dụng; khoanh nuôi, bảo vệ kết hợp với trồng mới để phát triển diện tích rừng phòng hộ; tăng tỷ lệ che phủ rừng; thực hiện các chính sách hỗ trợ để trồng mới rừng sản xuất, chú trọng cây bản địa có giá trị kinh tế cao, từng bước đưa lâm nghiệp trở thành ngành có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất