Đây chính là trường hợp “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012, H.R. 1410 do ông Crít Xmít (Chris Smith), nghị sĩ cộng hòa tiểu bang Niu Giơ-xi (New Jersey) bảo trợ mà Hạ viện Hoa kỳ thông qua ngày 11/9 vừa qua.
Dự luật này không cho phép Chính phủ Mỹ được viện trợ trên các lĩnh vực khác “không có mục đích nhân đạo” cho Việt Nam, “nếu Tổng thống Mỹ không xác nhận được với Quốc hội Mỹ rằng, Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền…”. Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về “tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam” v.v. và v.v..
Đáng tiếc, Hạ viện Hoa Kỳ và ông Crít Xmít đã “quên” rằng, Chính phủ Việt Nam không có trách nhiệm pháp lý đối với Nghị viện Hoa Kỳ cũng như chính phủ Ô-ba-ma, thế nhưng Dự luật này lại đòi hỏi “Việt Nam phải đưa ra được những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ” như đòi hỏi của người bảo trợ Dự luật! Không hiểu ông Crít Xmít có nhầm lẫn hay không, hay vì một thói quen như của một số chính khách Hoa Kỳ vẫn luôn xem quốc gia này có quyền ra lệnh cho mọi chính phủ?
Có thể nói cho đến nay, quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang trên đà phát triển tốt đẹp.
Trên lĩnh vực kinh tế, trong 10 năm qua, kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực vào ngày 10-12-2001, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng hơn 1.200%, từ 1,5 tỷ USD lên hơn 20 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất của hải quan Mỹ công bố ngày 4/11/2011, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2011 tiếp tục tăng mạnh so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 11,3 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2010 và xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 2 ,7 tỷ USD, tăng 21,5%. Như vậy là việc phát triển quan hệ giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ.
Trên lĩnh vực chính trị, như các phương tiện thông tin đã đưa, tháng 11 năm 2011 tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19, tổ chức tại thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn. Ngoại trưởng Clin-tơn khẳng định “Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược”.
Gần đây, Oa-sinh-tơn đang triển khai mạnh mẽ chuyển hướng Chiến lược quân sự hướng tới châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa, việc Hoa Kỳ phát triển các quan hệ thân thiện với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam là lợi ích của các bên và của chính Hoa Kỳ.
Thiết nghĩ, những ai ủng hộ Dự luật này cần hiểu rằng, Việt Nam đã tồn tại và phát triển ngay khi còn bị Hoa Kỳ cấm vận. Tình hình hiện nay đã khác hẳn. Việt Nam đã có cả trăm quốc gia bạn bè trên thế giới sẵn lòng chia sẻ với Việt Nam trước những khó khăn.
Trong những năm gần đây, nguồn vốn ODA giúp đỡ Việt Nam luôn trong xu hướng tăng. Nếu như năm 2005, các nhà tài trợ cam kết 3,7 tỷ USD thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỷ USD; năm 2007 lên 5,426 tỷ USD. Gần đây nhất, tại Hội nghị các nhà tư vấn cho Việt Nam 2011 (CG 2011), các nhà tài trợ đã cam kết ủng hộ cho Việt Nam 7,386 tỷ USD vốn ODA cho năm tài khóa 2012.
Là một nước nghèo lại trải qua chiến tranh, Việt Nam luôn luôn trân trọng mọi sự giúp đỡ, cho dù nhỏ bé của các quốc gia. Nhưng những ai nghĩ rằng, Việt Nam phải từ bỏ quyền dân tộc tự quyết, thay đổi pháp luật, trả tự do cho những người phạm tội để nhận viện trợ của Hoa Kỳ hoặc của bất cứ một nước nào thì đó là một ảo tưởng.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học - văn hóa cho rằng, một trong những đặc điểm và cũng là nét đẹp về văn hóa của người Mỹ đó là sự hối hận. Người Mỹ thường suy nghĩ lại những điều sai trái mà mình đã gây ra cho người khác. Đây chính là nguyên nhân xã hội-văn hóa của “Hội chứng Việt Nam”. Nhiều cựu chiến binh Mỹ khi trở lại Việt Nam sau chiến tranh mong được xóa bỏ sự giày vò và nỗi mặc cảm về những tội lỗi đã gây ra cho những người dân trên miền đất này. William Calley là một trường hợp. Sau gần 42 năm, Trung úy William Calley, người chỉ huy vụ thảm sát Mỹ Lai, đã đưa ra lời xin lỗi người dân Mỹ Lai. Phát biểu trước thành viên câu lạc bộ Kiwanis Club, ở bang Georgia, ngày 19/8/2009, ông này nghẹn ngào thừa nhận: "Chẳng có ngày nào mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì xảy ra ở Mỹ Lai hôm đó; tôi thấy thương xót những người Việt Nam bị giết hại và gia đình họ, thương xót những lính Mỹ liên quan và cả gia đình. Tôi rất hối tiếc".
Thiết nghĩ, những người Mỹ chân chính không thể không hối hận về những gì mà người Mỹ đã có lỗi với nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Lẽ ra, thay vì thông qua Dự luật này, người ta nên có hành động thiết thực góp phần hàn gắn chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng, những người bảo trợ cho Dự luật này đã dựng lên rào cản cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, gây khó khăn cho công cuộc tái thiết Việt Nam. Trên một phương diện khác người ta thấy họ hoàn toàn không có được những nét văn hóa nhân văn “hối hận” của người Mỹ. Họ đang làm mất đi tình cảm, sự tôn trọng của nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Không phủ nhận rằng, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang tồn tại một khoảng cách nào đó về nhân quyền. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do, như sự khác biệt về văn hóa, về truyền thống lịch sử, trình độ phát triển... Nếu như niềm tự hào của Hoa Kỳ là đã tạo ra "không gian" rộng rãi cho tự do cá nhân thì với Việt Nam đó lại là ý thức về trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Nếu như Hoa Kỳ đặt quyền của cá nhân cao hơn những quyền khác trong đó có quyền của một số nhóm, chẳng hạn như quyền bình đẳng giữa các tôn giáo thì ở Việt Nam, Nhà nước bảo vệ quyền bình đẳng của mọi tôn giáo. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bất cứ cá nhân, tổ chức nào xúc phạm tôn giáo. Thực tế cho thấy ở Hoa Kỳ sự xúc phạm tôn giáo, như đối với Hồi giáo chẳng hạn lại được hiểu là “quyền tự do của công dân”. Sự kiện bạo động gần đây ở các quốc gia Hồi giáo chống Mỹ do bộ phim "Phiên tòa xét xử Mohammad"- bộ phim báng bổ đạo Hồi và nhà tiên tri Mô-ha-mét được sản xuất và lưu hành ở Mỹ là một ví dụ.
Nhân quyền là giá trị cao quý, là tài sản chung của nhân loại mà mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền chia sẻ. Ngày nay, mức độ bảo đảm quyền con người được xem là thước đo của một chế độ xã hội. Những nỗ lực của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền là không thể phủ nhận được. Như mọi người đều biết, hệ thống pháp luật Việt Nam đang được hoàn thiện cũng nhằm mục đích bảo đảm tốt hơn các quyền con người. Nhiều Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia đã và đang được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Những Chương trình phát triển kinh tế-xã hội với nhiều nghìn tỷ đồng đã đem lại những điều kiện sống ngày càng tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa là những ví dụ cụ thể.
Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang tồn tại không ít vấn đề nhân quyền, như sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền tham gia, giám sát của người dân… Nhưng giải quyết những vấn đề đó thuộc quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia.
Sự khác biệt nào đó về quyền con người giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, con đường khắc phục những khác biệt đó phải dựa trên sự tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc của nhau, đối thoại chân thành, cởi mở. Mỗi quốc gia, tùy theo những điều kiện của mình, cần có những đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề nhân quyền cụ thể ở mỗi quốc gia.
Áp đặt, ra lệnh, can thiệp vào công việc của Việt Nam như Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012 không chỉ vi phạm các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế ngày nay mà còn đi ngược, làm tổn thương đến lợi ích của hai dân tộc Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ngọc Vân/QĐND