Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 6/10/2012 22:0'(GMT+7)

Trị 'bệnh" lạm thu

Phụ huynh xem thông báo các khoản thu của nhà trường. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh xem thông báo các khoản thu của nhà trường. (Ảnh minh họa)

Anh bạn tôi có con học lớp 2 cho biết, họp phụ huynh đầu năm học, trường lại thông báo nhiều khoản phí mới. Cô giáo chủ nhiệm đưa tờ đăng ký đóng phí tin nhắn với mức 30.000 đồng/tháng để cô giáo nhắn tin báo về tình hình học tập của con mỗi ngày. Tiếng là phụ huynh “tự nguyện” nhưng con mình còn học cô giáo, chẳng lẽ lại đi thắc mắc, từ chối. Tuy nhiên, suốt cả tháng nay, tôi chưa hề nhận được một tin nhắn nào.

Những khoản phí “cỏn con” được cộng lại làm khoản thu đầu năm lên đến hàng triệu đồng. Trường Mẫu giáo Điện Ngọc ở xã nghèo Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có đến 17 khoản thu ngoài học phí với mức hơn 800 nghìn đồng. Ở TP Hà Nội, qua khảo sát, giám sát của cơ quan chức năng tại hơn 30 trường học, tình trạng thu không đúng quy định vẫn diễn ra. Nhiều trường tự thu các khoản tiền như: Ghế ngồi cho học sinh, bảo trì máy tính, quỹ khuyến học, khen thưởng, phô-tô đề thi, mua sắm trang thiết bị học tập, trang trí lớp học, phí nhắn tin cho phụ huynh, xây dựng sửa chữa nhà vệ sinh… Phần lớn phụ huynh phải đóng đầy đủ cho "êm chuyện".

Lạm thu đầu năm học dưới nhiều hình thức, phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy có nhiều kẽ hở về quản lý, giám sát. Mặc dù trước năm học mới, ngành giáo dục nhiều địa phương có văn bản chỉ đạo không được thu các khoản ngoài quy định, nhưng không ít trường giải thích các khoản thu thêm đã được thỏa thuận hoặc do phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp. Sự mập mờ, không rõ ràng trong việc dự trù mức thu, nội dung chi từng khoản và cách thỏa thuận, tự nguyện chỉ được thực hiện qua loa, cho có lệ dẫn đến tình trạng lạm thu trở thành căn bệnh nan y khó chữa.

Có ý kiến cho rằng, để tránh lạm thu tiền trường, ngành chức năng cần ban hành danh sách các khoản thu cụ thể của từng cấp học, tránh tình trạng các trường tự đặt ra các khoản thu vượt, thu sai quy định. Việc quy định cũng cần được áp dụng sát thực tế. Trước năm học mới, danh sách các khoản thu của từng trường sẽ do hội đồng giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện xem xét và phải được cấp Sở phê duyệt để làm căn cứ.

Thêm vào đó, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm người đứng đầu có thể coi là giải pháp hiệu quả trị “bệnh” lạm thu tiền trường. Nếu trường nào thu sai, thu vượt thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính; đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định trên.

Ở một khía cạnh khác, để ngăn chặn tình trạng lạm thu đòi hỏi sự góp sức của phụ huynh học sinh. Phụ huynh cần xóa đi tâm lý “lo sợ” khi không đóng những khoản thu tùy tiện, trái quy định. Các khoản phí đóng góp với danh nghĩa gây Quỹ hội phụ huynh học sinh thì cần phải được thống nhất giữa các phụ huynh để tránh sử dụng vào những mục đích trái quy định.

Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, việc khuyến khích đóng góp tự nguyện của tổ chức và cá nhân là điều có thể làm, nhưng quan trọng hơn chính là việc quản lý, sử dụng nguồn tiền này cần phải gắn với mục tiêu sử dụng, công khai dự toán, quyết toán thể hiện sự minh bạch trong sử dụng các khoản thu./.

(Đặng Trung Kiên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất