Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 28/9/2012 12:56'(GMT+7)

Tết Trung Thu ở nông thôn - đôi điều cần suy ngẫm

Mâm cỗ trông trăng của HS trường THCS Minh Khai-Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội

Mâm cỗ trông trăng của HS trường THCS Minh Khai-Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến thế hệ thiếu nhi. Những dịp Tết Trung thu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn gửi thư chúc mừng các em thiếu niên nhi đồng trong cả nước. Các bác lãnh đạo các cấp các ngành dù bận nhiều công việc vẫn dành thời gian đến vui hội trăng rằm và phá cỗ trông trăng với các em. Mỗi tỉnh thành phố cũng tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho thiếu nhi. Đối tượng trẻ em bất hạnh mồ côi, khuyết tật ... lại càng được quan tâm trong ngày Trung thu đầy ý nghĩa ấy.

Không chỉ ở các thành phố lớn hay các khu đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn, các em vẫn được vui Tết Trung thu với đầy đủ đèn ông sao, bánh nướng bánh dẻo, quả bưởi vàng ... và phá cỗ trông trăng, tham gia những hoạt động múa lân, sư tử, liên hoan văn nghệ thật ý nghĩa.

Sẽ là trọn vẹn nếu như Tết Trung thu của các em được người lớn quan tâm và ý thức đầy đủ hơn để tránh một số điều sai sót dưới đây:

Giành” Tết Trung thu của trẻ em:

Ở nông thôn: trước kia, các em thiếu nhi được các anh chị phụ trách dạy cho những bài hát múa về chú Cuội, chị Hằng... trước đó hàng chục ngày, rồi chuẩn bị trang phục tự tạo cho đêm diễn rất kỳ công. Tôi còn nhớ: để có được một chiếc “váy”, các chị phụ trách đã phải mượn 2 chiếc khăn vuông cùng màu, sau đó bằng bàn tay khéo léo của mình đã khâu lại thành bộ cánh biểu diễn rất đặc sắc. Những chiếc nơ cài đầu cũng được tết bằng khăn “bông bay” (bằng voan). Ngoài ra, chi đoàn còn tổ chức phá cỗ, rước đèn cho tất cả 100% trẻ em trong thôn. Đến bây giờ đã là một cô giáo, tôi vẫn rất ấn tượng về những Tết Trung thu, chi đoàn thanh niên đi từng nhà, người góp mấy trái bưởi, người góp ít hoa quả vườn nhà, người lại góp công làm đèn ông sao, đầu sư tử ... Tất cả đều tập trung chuẩn bị cho một đêm Trung thu thật sự ý nghĩa cho trẻ em. Tối đến, chúng tôi ngồi thành hàng theo đơn vị xóm, các anh chị Đoàn viên đi từng hàng phát những phần quà đã được chia đều sẵn (mấy múi bưởi, chiếc bánh dẻo bánh nướng, một thứ đồ chơi nho nhỏ...), mỗi đứa 1 phần. Sau đó là liên hoan văn nghệ và múa sư tử rất vui.

Ngày nay, chi đoàn Thanh niên vẫn tổ chức những “Đêm hội trăng rằm” để các em thiếu nhi múa hát. Tiếng là vậy nhưng thực tế đêm liên hoan ấy cũng chỉ còn 1/3 thời lượng dành cho thiếu nhi, số còn lại là của các anh chị Đoàn viên, thậm chí cả các ban ngành đoàn thể khác (từ hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Hội người cao tuổi...) cũng lên “lấn sân” của trẻ em. Có lần, tôi được mời dự một đêm liên hoan văn nghệ mừng Trung thu của thiếu nhi xã Đức Thượng (Hoài Đức - Hà Nội). Đêm Trung thu mà thấy cả Chèo Quan âm thị Kính của các cụ phụ lão, Hội phụ nữ lên hát liền 5 tiết mục kèm theo một vở kịch dài đến 30 phút về Kế hoạch hóa gia đình. Chi đoàn Thanh niên thì có cả một “sô” diễn dài dằng dặc đủ các giọng ca vườn lên thi thố. Có cả nhảy “híp hốp”, “disco”... Vậy còn gì là Đêm Trung thu dành (dành: theo nghĩa để phần) cho trẻ em nữa, mà phải nói là giành (giành: theo nghĩa giành lấy, tranh giành) của trẻ em?

Những hoạt động Trung thu “tự phát”: Một đặc trưng của Tết Trung thu là múa sư tử và rước đèn. Tết Trung thu thường diễn ra rước đèn và phá cỗ tại sân đình. Trước đây, các sân kho Hợp tác xã rộng rãi, là địa điểm lý tưởng để các em vui chơi dưới trăng. Nhưng ngày nay các sân chơi ít dần, trẻ em không có điều kiện tập trung tại sân đình làng như trước nữa. Vì thèm không khí đó mà rất nhiều nhóm trẻ em “tự phát’ đã làm đầu sư tử và tự đi múa trong làng trong xóm. Người lớn vẫn ủng hộ các em bằng năm, mười nghìn đồng lẻ để tạo niềm vui cho con trẻ. Một số nhóm lại tự tổ chức buổi văn nghệ mà “sân khấu” là mảnh sân gia đình và bố mẹ các em vừa là những “Mạnh Thường Quân”, vừa là khán giả. Cả tháng 8 âm lịch là các em tập hát, làm đầu sư tử rất vui và khí thế. Nhưng giá như Đoàn Thanh niên tập hợp được để tổ chức đến 100% trẻ em trong thôn thì vui biết mấy.

Người lớn lợi dụng Tết Trung thu để “ngoại giao”:Bánh Trung thu vốn là của trẻ em. Nhưng bây giờ nó không hoàn toàn là của trẻ em nữa mà nhiều khi được người lớn sử dụng trong các mối quan hệ “mua bán” trục lợi. Thay vào những hộp bánh Trung thu giá cả phải chăng là những hộp bánh giá cả “từ trên trời rơi xuống”. Nguyên liệu truyền thống trước kia chỉ có đậu xanh, mứt bí, hạt sen... nay đã được “cải tiến” bằng các chất nha đam, tinh chất collagen, đường ăn kiêng... để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp da hoặc ăn kiêng của người lớn.

Thiếu vắng những trò chơi dân gian: Ở một số nơi, ngay tại các tụ điểm vui chơi của trẻ em cũng không thấy trò gì dành riêng cho Tết Trung thu. Những trò múa lân, sư tử, trò chơi rồng rắn lên mây kèm theo các câu đồng dao, những câu hát về chị Hằng chú Cuội, trò chơi dân gian được thay vào đó là các pha cảm giác mạnh như tàu lượn, súng ống, thậm chí các trò chơi điện tử. Đồ chơi truyền thống như đèn kéo quân, đèn ông sao, đầu sư tử... lại càng vắng bóng. Đó là chưa kể đến đồ chơi bạo lực như súng ống dao kiếm vẫn còn.

Cần phát huy vai trò của Đoàn thanh niên: Vai trò của Đoàn Thanh niên khu vực dân cư nông thôn dần mờ nhạt trong việc tổ chức đêm Trung thu. Ở một số nơi vùng sâu vùng xa, các Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện cũng đã đến tận nơi tổ chức Trung thu cho các em rất vui và ý nghĩa. (Tiếc rằng những địa chỉ như thế chưa nhiều). Bên cạnh đó, một số trường phổ thông cũng đã tổ chức Trung thu để đem lại niềm vui cho học sinh. Theo đơn vị lớp, mỗi lớp chuẩn bị 1 mâm cỗ trông trăng có cả kiệu khiêng trong lễ rước đèn và đèn ông sao, sư tử đi đầu rất nhộn nhịp. Bánh nướng bánh dẻo, ông Tiến sĩ, thị vàng, bưởi ngọt… trên mâm cỗ thật hấp dẫn. Trường cũng mời một ban giám khảo chấm điểm rồi tổ chức cho các em phá cỗ trông trăng và liên hoan văn nghệ. Nhưng tiếc rằng những trường làm được như vậy rất ít, phần lớn giao về địa bàn dân cư và số thiếu nhi không được tham gia đêm Trung thu vẫn còn khá đông.

Vẫn biết rằng để tổ chức được đêm Trung thu cho các em, cần một địa điểm rộng rãi lý tưởng như sân kho, bãi bóng - mà điều đó bây giờ là rất khó... Nên chăng, Đoàn thanh niên ở những nơi này nếu biết kết hợp chặt chẽ với các nhà trường để tổ chức Tết Trung thu cho các em ngay tại sân trường, vừa vẫn “tranh thủ” sự ủng hộ của các cấp các ngành về tinh thần và vật chất, vừa phát huy “sở trường” của các thầy cô giáo, thì Tết Trung thu của trẻ em nông thôn sẽ thật sự có ý nghĩa hơn.

“Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có”- đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động thiết thực của người lớn đối với các em. Tết Trung thu đang đến gần, mỗi chúng ta cần có những việc làm ý nghĩa nhất để các em thơ được vui một Tết Trung thu trọn vẹn, đầm ấm.
 
Nguyễn Thị Diệp

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất