Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 9/5/2010 22:5'(GMT+7)

Hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương về tự học

GS Hoàng Chí Bảo tại một buổi tọa đàm tuổi trẻ làm theo lời Bác.

GS Hoàng Chí Bảo tại một buổi tọa đàm tuổi trẻ làm theo lời Bác.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, khẳng định, năm tháng qua đi, thời gian càng lùi xa, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh càng tỏa sáng và chúng ta càng thấu hiểu hơn  phẩm chất cao quí và nhân cách sáng ngời của Người. 

Ở góc độ một người nghiên cứu về Bác Hồ, ông thấy điều vô cùng sâu sắc là Bác đã tự học để rồi thành một danh nhân văn hóa. Bác nói "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng".

Thưa Giáo sư, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự thanh cao, giản dị và trong sáng. Suốt đời người luôn luôn suy nghĩ và hành động vì hạnh phúc của nhân dân, độc lập tự do của dân tộc và hòa bình của nhân loại. Xin Giáo sư phân tích về điều này?

Thế giới đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mức hoàn thiện và toàn mỹ. Khi Bác mất, trong hàng vạn bức điện chia buồn với Đảng và nhân dân ta, đồng chí Fidel Castro lúc đó tròn 40 tuổi viết: "Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt".  Năm tháng qua đi nhận định đó ngày càng sáng tỏ.

Các học giả ở châu Âu cũng từng nói: "Hồ Chí Minh  là hình ảnh tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Trong Hồ Chí Minh có đức bao dung, độ lượng, vĩ đại của Chúa, có cái tâm của nhà Phật, từ bi hỉ xả vô ngã vị tha, lại có trí tuệ của Các Mác và Lê-nin, có tâm hồn của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du". Ngoài ra, theo các học giả này, "Hồ Chí Minh có đầu óc thiết thực của Tôn Trung Sơn".

Người ta hỏi Bác: "Thưa Chủ tịch, trong cuộc đời của Chủ tịch đâu là giá trị quan trọng nhất, điều chủ yếu nhất ?", Bác Hồ trả lời: "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi là tất cả những gì tôi hiểu về CNXH". Cho nên ngày nay, Đảng ta vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, coi  đó là điểm đặc sắc nhất của CNXH mà chúng ta kế thừa và phát triển.

Một nhà báo Cuba có phỏng vấn Bác: "Thưa Chủ tịch, trong cuộc đời của Người đâu là điều chủ yếu nhất ?". Bác nói một câu cảm động là "Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi, nhân dân tôi và cho cả nhân loại nữa". Cả cuộc đời của mình, Bác Hồ đều suy nghĩ và hành động để hiến dâng cho tất cả nhân dân, dân tộc và nhân loại, hóa thân cho sự nghiệp chung.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng sóng gió và gian truân, nhưng không có khó khăn nào mà Người không vượt qua và không một trở lực nào có thể làm suy giảm động cơ, lý tưởng sống, ý chí mãnh liệt của Người.

Gắn với toàn bộ sự nghiệp của Bác Hồ có những mốc lịch sử quan trọng chỉ xoay quanh mục tiêu độc lập, tự do. Bác kêu gọi "Thà hy sinh tất cả chứ không  chịu làm nô lệ" trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Những năm tháng ở rừng Việt Bắc, trong một trận ốm tưởng chừng không qua khỏi, Người nói: "Bây giờ thời cơ cần kíp lắm rồi, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn thì cũng phải dành cho được độc lập dân tộc".

Trong Tuyên ngôn độc lập, Người nêu rõ "Một dân tộc đã gan góc chống ách thực dân 80 năm thì dân tộc đó có quyền hưởng tự do, độc lập".  Và những năm vào tuổi 70, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn vô cùng gian nan ác liệt, Bác nói một câu trở thành bất hủ: "Không có gì quí hơn độc lập tự do".

Thưa Giáo sư, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thanh niên tình cảm đặc biệt đằm thắm, niềm tin yêu và kỳ vọng nhất ở tuổi trẻ?

Đúng thế, Bác nói: Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Bác căn dặn: “Thanh niên không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc dành cho mình những gì mà luôn luôn phải tự hỏi là mình đã làm gì cho Tổ quốc”.

Ở góc độ cá nhân, nghiên cứu về Bác Hồ, tôi thấy điều vô cùng sâu sắc là Bác đã tự học để rồi thành một danh nhân văn hóa. Bác nói "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng".

Nhờ tự học mà Bác có một vốn học vấn vô cùng uyên bác, am hiểu 29 ngoại ngữ, trong đó có những thứ tiếng Bác sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Giáo sư Quách Mạt Nhược của Trung Quốc nhận xét về Nhật ký trong tù: "Nếu không có chú thích thì lẫn với thơ Đường, thơ Tống".

Cho đến khi Bác mất, còn tìm thấy cuốn Từ điển Việt Nam- Tây Ban Nha mà Bác học vào những năm tháng cuối đời, cuốn sổ ghi từ mới, mẩu bút chì đánh dấu từng trang sách đọc... Đời Bác là một tấm gương sinh động, mẫu mực cho chúng ta noi theo về học tập, chí lớn và hoài bão. 

Trong Di chúc, đoạn nói về  thế hệ trẻ là vô cùng sâu sắc. Người nhấn mạnh: "Đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết". Bác trù tính sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng toàn thắng thì phải bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên, để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, để xây dựng đất nước giàu mạnh và hiện đại. Ngày nay cơ hội đó đã đến, chúng ta làm hết sức để xứng đáng với tâm nguyện của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ngày 15/10/1956.

Thưa Giáo sư, thanh niên hiện nay đang có nhiều cơ hội thuận lợi để cống hiến sức trẻ xây dựng Tổ quốc, vậy điều mà đoàn viên, thanh niên cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác là gì?

Theo tôi, từng người, từng tổ chức đoàn thanh niên cần tập trung thực hiện cho được cho tốt cuộc vận động học tập và làm theo "Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Không học tập thì không có tri thức, không tiến kịp với xã hội và trào lưu của thế giới hiện đại.

Nhưng theo Bác, phải học sáng tạo, không học vẹt, nắm lấy tinh thần và phương pháp của Chủ nghĩa Mác để ứng xử với con người và công việc, nắm lấy phương pháp tự chủ và sáng tạo, gắn liền lý luận với thực tiễn, để thực hiện thành công công cuộc Đổi mới đất nước mà Đảng đang kỳ vọng ở thanh niên.

Cuộc đời của Bác có 5 cuộc thực hành lớn mà chúng ta cần học theo: Thứ nhất là gắn lý luận với thực tiễn; Thứ hai là thực hành dân chủ. Thứ ba là thực hành đoàn kết đại đoàn kết để hòa hợp dân tộc, qui tụ sức mạnh dân tộc về một mối. Thứ tư là thực hành về dân vận. Và bài học xuyên suốt tất cả là thực hành Cách mạng: Cần Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Bài báo cuối cùng Bác viết là "Nâng cao đạo đức cách mạng , quét sạch chủ nghĩa cá nhân".

Bác nói gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, mỗi tấm gương tốt còn quí hơn hàng trăm bài diễn văn. Chính vì gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm nên hình ảnh Bác trong lòng dân vô cùng sâu đậm. Không có một lãnh tụ nào gần dân mà lại được dân tin, dân yêu, dân thương suốt đời như Bác Hồ. Lớp trẻ hôm nay được sống trong thời kỳ đổi mới, cần thể hiện ý chí, bản lĩnh, tài năng sáng tạo, thực hiện lời Bác dạy để đưa đất nước ngày càng phát triển vững chắc.

Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo: Mai Hồng/Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất