Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 4/5/2010 16:43'(GMT+7)

Người đảng viên dân tộc Mường góp phần cùng nhân dân thôn Măng xoá đói giảm nghèo

Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hoà Bình về thăm Lăng Bác

Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hoà Bình về thăm Lăng Bác

Tham gia quân đội năm 1980, đến năm 1986, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Bùi Văn Thống đã tham gia công tác đoàn, được bầu làm Bí thư Đoàn xã và đại biểu HĐND xã. Hiện nay, ông đang là Phó Bí thư Chi bộ thôn Măng, Đảng bộ xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình.

Ông Thống tâm sự: Là một đảng viên, Phó bí thư Chi bộ của thôn lại được rèn luyện trong quân ngũ, tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình là phải thực sự gương mẫu trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức của mình, góp phần cùng với chi bộ lãnh đạo nhân dân hăng hái phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, góp phần thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta phát động.

Sau khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trong toàn huyện, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ xã, ông Thống đã tích cực tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức của bà con nhân dân trong thôn, tham mưu, đề xuất với chi bộ xây dựng kế hoạch thực hiện CVĐ phù hợp với đặc điểm của địa phương, tổ chức cho nhân dân trong thôn lấy ý kiến đóng góp cho cán bộ, đảng viên đạt kết quả cao. Với những biện pháp, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện CVĐ, chi bộ thôn Măng đã được Đảng bộ xã, Ban Chỉ đạo CVĐ huyện Lạc Thuỷ đánh giá là chi bộ có thành tích xuất sắc trong CVĐ của huyện.

Nói về quê hương của mình, ông Thống chia sẻ: Hưng Thi vốn là một xã vùng sâu, cách xa trung tâm của huyện, có địa bàn phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cách trở do có nhiều sông, suối, nhận thức của bà con nhân dân không đồng đều, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong xã còn nhiều khó khăn, nhất là ở thôn Măng. Ở đây, bà con sản xuất theo hướng độc canh nhỏ lẻ, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đồi núi bạc màu, cây trồng chính chủ yếu là sắn, ngô, năng suất thấp. Vì thế, người dân tuy vất vả quanh năm nhưng đời sống vẫn đói nghèo.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, người phó bí thư Chi bộ dân tộc Mường đã tự nhận thấy, để làm tốt việc tuyên truyền vận động bà con, trước tiên, cần phải tìm cách làm cho bà con thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có vậy dân mới tin tưởng, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Sau nhiều lần trăn trở suy nghĩ, cộng với quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống không chỉ của gia đình mình mà còn cả của bà con trong thôn, ông Thống đã nỗ lực học tập, tự tìm tài liệu tham khảo, đi thăm các mô hình làm kinh tế giỏi để học hỏi kinh nghiệm.

Ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tập trung sản xuất, động viên gia đình và bà con trong thôn nhận đất, trồng rừng theo dự án của nhà nước, kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, dưới diện tích rừng chưa khép tán, kết hợp trồng các loại cây phù hợp với đặc điểm canh tác của địa phương như Bương, luồng Thanh Hoá. Đến nay, gia đình ông đã nhận quản lý gần 20ha đất rừng, nhờ biết chăm sóc và bảo vệ rừng tốt, bình quân thu nhập hàng năm từ rừng đạt tới hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, nguồn phân bón cho cây trồng, đặc biệt là sức kéo, ông đã chọn nuôi các giống trâu và dê để chăn thả trên đất rừng, hiện nay, gia đình ông đã có tổng số 22 con trâu, 34 con dê, thu nhập từ chăn nuôi đạt gần 70 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo, với nghị lực vươn lên, gia đình ông Thống đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Và cũng từ thực tiễn phát triển kinh tế hộ gia đình của bản thân, ông Thống đã vận động, thuyết phục, hướng dẫn bà con trong thôn cùng tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, giúp đỡ vốn, giống và hỗ trợ kinh nghiệm cho nhân dân trong thôn. Phong trào trồng rừng, chăn nuôi ở thôn Măng đã phát triển mạnh nhất xã, toàn thôn đã trồng được hơn 300ha rừng, có đàn gia súc phát triển mạnh, thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/năm/người.

Trong năm 2009, để tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, ông Thống đã liên kết, hợp tác với công ty Minh Hoà chuyên sản xuất và cung ứng ớt xuất khẩu đi nước ngoài, đưa mô hình trồng ớt xuất khẩu vào trồng tại địa bàn, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Với cách làm ăn kinh tế hợp lý, nhiều hộ gia đình trong thôn, từ đói nghèo quanh năm đã vươn lên làm giàu và bước đầu có tích luỹ, hiện nay thôn không còn hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Sau  3 năm thực hiện CVĐ đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong thôn. Đã nâng cao tinh thần trong tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tích cực lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin của thôn đã dần được xoá bỏ, bà con nhân dân tuỵệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, đoàn kết bên nhau, góp sức xây dựng quê hương, ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Những kết quả đạt được của bà con thôn Măng nói chung, chi bộ thôn Măng nói riêng và bản thân ông Thống với tư cách là Phó Bí thư Chi bộ tuy chưa nhiều, nhưng đối với một địa phương có trên 90% bà con dân tộc Mường sinh sống, là một xã đặc biệt khó khăn của huyện, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, thì những kết quả ấy là cả một sự phấn đấu, nỗ lực của toàn thể chi bộ và bà con nhân dân./.


Nhị Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất