Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 18/4/2010 22:4'(GMT+7)

Huyện KonPlông (Kon Tum) học tập và làm theo gương Bác trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Huyện ủy KonPlông biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh".

Huyện ủy KonPlông biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh".

Huyện KonPlông (tỉnh Kon Tum) được tái thành lập theo Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ, với hơn 91,23% dân số là người dân tộc thiểu số; đời sống nhân dân còn nghèo nàn, tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, không đồng đều. Lúc mới tái lập huyện, đội ngũ cán bộ ở cơ sở vừa thiếu về số lượng, yếu về năng lực, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn thấp, kinh qua thực tiễn chưa nhiều, chủ yếu là cán bộ trưởng thành từ chiến tranh; số thôn, làng trắng tổ chức đảng và trắng đảng viên còn nhiều. Trong những năm qua huyện đã có nhiều biện pháp để củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, từng bước xoá thôn, làng trắng tổ chức đảng, ít đảng viên; đặc biệt chú trọng đến công tác tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, bước đầu đã đem lại những kết quả đáng kể.

Đầu năm 2007, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, Ban Thường vụ Huyện uỷ KonPlông đã xác định nhiệm vụ then chốt trong việc thực hiện Cuộc vận động đó là công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đề án 03-ĐA/HU về “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến thôn làng đến năm 2010” được ban hành và triển khai mạnh mẽ, theo lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Qua hơn 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết với thực hiện Đề án 03-ĐA/HU về “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến thôn làng đến năm 2010”, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở có chuyển biến lớn về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, góp phần vào xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giải quyết tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Đội ngũ cán bộ cấp huyện (khối Huyện uỷ-Mặt trận, các ngành đoàn thể và khối UBND huyện) được quan tâm đưa đi đạo tạo, đào tạo lại số cán bộ chưa đạt chuẩn, tuyển mới cán bộ đã tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học trong nước; nên cán bộ cấp huyện đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nếu so với đầu năm 2006 thì cuối năm 2009 có 196 đồng chí (đ/c), tăng 20 đ/c; số cán bộ đã tốt nghiệp cấp III tăng 22 đ/c, số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học là 99 đ/c, chiếm 50,51% tổng số cán bộ cấp huyện, tăng 26 đ/c; số cán bộ có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị là 46 đ/c, chiếm 23,47% tổng số cán bộ, tăng 19 đ/c.

Công tác cán bộ cấp xã cũng được quan tâm đầu tư, đưa đi đào tạo, đào tạo lại, tuyển mới đảm bảo được các tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới; do vậy, cán bộ cấp xã tăng dần về số lượng và chất lượng. Nếu so với năm 2005 thì cuối năm 2009, tổng số cán bộ, công chức ở 9/9 xã trong huyện là 173 đ/c, tăng 19 đ/c; số cán bộ đã tốt nghiệp cấp III là 70 đ/c, tăng 31 đ/c; số cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 83 đ/c, tăng 39 đ/c; cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị 59 đ/c, tăng 20 đ/c; cán bộ có trình độ cao cấo lý luận chính trị 18 đ/c, tăng 12 đ/c. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã tăng mạnh, nhờ được quan tâm đưa đi đạo tạo, đào tạo lại ở các trường; hoặc tăng cường, luân chuyển cán bộ huyện có trình độ, năng lực về giữ các chức danh chủ chốt ở cấp xã.

Công tác nhận xét, đánh giá và phân loại cán bộ hàng năm được cấp uỷ các cấp triển khai kịp thời, đúng nguyên tắc, đảm bảo đúng nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá theo hướng dẫn của cấp trên. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tính dân chủ, công khai, có cách làm sáng tạo, đảm bảo tỷ lệ nữ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số và độ tuổi; hầu hết cán bộ được quy hoạch có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuổi đời còn trẻ, có trình độ năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2009, trong 100% cán bộ quy hoạch vào cấp uỷ của huyện thì có 24% cán bộ nữ, 43% cán bộ là người dân tộc thiểu số; về độ tuổi dưới 35 tuổi là 48%, từ 35 đến 40 tuổi có 22%, từ 41 đến 50 tuổi có 25%, từ 51 đến 55 tuổi có 5%; về trình độ chuyên môn 60% số cán bộ được quy hoạch có trình độ đại học trở lên; về trình độ lý luận chính trị có 48% cán bộ có trình độ cao cấp, 45% cán bộ có trình độ trung cấp. Đối với cấp xã, quy hoạch vào cấp uỷ 227 đ/c, trong đó nữ chiếm 20,26%, dân tộc thiểu số chiếm 83,26%, độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm 81,94%.

Công tác đào tạo cán bộ được quan tâm đúng mức. Trong 3 năm đã đưa đi đào tạo chuyên môn: đại học 29 đ/c, sau đại học 2đ/c, trung cấp 39 đ/c, 9 đ/c tham gia lớp xã đội trưởng, 4 đ/c học lớp trưởng công an; đưa đi đào tạo lý luận chính trị: 30 đ/c cao cấp, 36 đ/c trung cấp. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do các ngành, các cấp tổ chức. Đặc biệt, tiếp sau lớp đào tạo nguồn “3 vừa” (vừa học phổ thông, vừa học trung cấp chính trị, vừa học việc), huyện đã phân luồng số cán bộ nguồn này về giữ chức danh chủ chốt ở các xã, một số em được giữ lại và phân bổ về các phòng ban của huyện để tiếp tục học việc, làm quen với mọi văn bản, thông thạo về cách sử vi tính, lưu trữ văn bản, tác phong, lề lối làm việc… Để phát huy mô hình “3 vừa”, đầu năm 2009, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã phối hợp với trường chính trị tỉnh tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng Đảng 3 tháng, tại huyện, có 59 đ/c là cán bộ chủ chốt các xã tham gia. Giữa năm 2009 huyện đã tổ chức lớp bổ túc trung học phổ thông cho số cán bộ xã là người dân tộc thiểu số tại chỗ, chưa tốt nghiệp cấp III, đồng thời tiếp tục phân công về các cơ quan, ban ngành cấp huyện để học việc, học cách sử dụng vi tính; chỉ đạo các ban của Huyện uỷ tổ chức bồi dưỡng kiến thức thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, có 47 đ/c tham gia. Qua đó, đã tạo điều kiện cho nhiều đồng chí tiếp cận được cách làm việc của cán bộ cấp huyện từ cách soạn thảo văn bản, cách sử dụng máy vi tính, cách tiếp cận công việc, tác phong làm việc, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, cho đến nếp sinh hoạt hằng ngày… Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp hợp với Trường dân tộc nội trú huyện, hướng dẫn, giúp đỡ các em đã tốt nghiệp cấp III làm hồ sơ, thủ tục thi tuyển vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, sau khi các em ra trường được nhận về làm việc ở các quan, ban ngành của huyện để học việc, khi nào trưởng thành sẽ bố trí ở các vị trí phù hợp.

Mặt khác, để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh, huyện đã quan tâm thực hiện tốt công tác tăng cường, luân chuyển, sắp xếp cán bộ. Trong 3 năm, huyện đã tăng cường, luân chuyển 17 đ/c cán bộ huyện về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã, điều động 01 đ/c cán bộ xã về công tác tại huyện; đồng thời điều động, sắp xếp giữa các cơ quan, ban ngành cấp huyện 17 đ/c. Nhờ được làm tốt công tác tư tưởng trước khi tăng cường, luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ, đảm bảo đúng quy trình; cán bộ hết thời gian luân chuyển được sử dụng đúng quy hoạch, nên nơi cán bộ luân chuyển đi công việc vẫn hoàn thành tốt, nơi cán bộ luân chuyển đến có sự đồng thuận cao; cán bộ luân chuyển đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị mới.

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, góp phần xoá thôn, làng trắng đảng viên, ít đảng viên và trắng tổ chức đảng. Trong 3 năm, đã kết nạp 470 quần chúng ưu tú vào Đảng, hầu hết số quần ưu tú được kết vào Đảng đều có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó số đảng viên mới kết nạp, thì đảng viên ở nông thôn chiếm 89,36 % và có trình đội học vấn từ cấp II trở lên. Đến cuối năm 2009, trên toàn huyện 89/89 thôn có tổ chức đảng, trong 3 năm đã xoá 20 thôn trắng tổ chức đảng, trắng đảng viên, hoặc ít đảng viên; phần lớn đảng viên trẻ tuổi, có trình độ học vấn, đây là một trong những cơ sở quan trọng để chi bộ thôn hoạt động có hiệu quả, triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương đảm bảo đúng theo chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, đảng viên ở nông thôn số trưởng thành từ trong chiến tranh tuổi đã lớn, sức đã yếu không đủ sức để lãnh đạo, chỉ đạo; số đảng viên trẻ, mới kết nạp thì chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, dể bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, do vậy huyện rất quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chủ nghĩa yêu nước, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đẩy mạnh triển khai tuyên truyền các chủ đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mọi người dân được học tập và làm theo.

Như vậy công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Song bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn, hạn chế, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa đáp ứng kịp nhu cầu công việc trong thời kỳ mới, hiệu quả hoạt động của chi bộ nông thôn chưa được như mong muốn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong công tác xây dựng Đảng, trong đó tập trung các vấn đề trọng tâm sau:

Một là: Các cấp uỷ từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ và năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong, gương mẫu, thạo việc, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hai là: Tiếp tục đưa nội dung Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, để xứng đáng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Ba là: Đẩy mạnh thực hiện chủ trương trẻ hoá cán bộ, công chức cơ sở. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho cơ sở và giải quyết thoả đáng những cán bộ cơ sở chưa được chuẩn hoá về trình độ. Phát huy mô hình tạo nguồn “3 vừa” cho cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bốn là: Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; phát huy vai trò của cơ quan đỡ đầu theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ về giúp đỡ thôn, làng; dựa vào dân, đồng bào các dân tộc thiểu số để xây dựng, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở./.

Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất