Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 13/6/2012 17:3'(GMT+7)

Huy động nguồn lực xã hội để phòng, chống tác hại thuốc lá

Hút thuốc lá dễ dẫn đến xơ vữa động mạch vành.

Hút thuốc lá dễ dẫn đến xơ vữa động mạch vành.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới (47,4%), với 40.000 ca tử vong hàng năm do nguyên nhân từ  sử dụng thuốc lá, chi phí cho khám chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Vì vậy, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá có vai trò quan trọng trong huy động cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.

Hầu hết các ý  kiến đều cho rằng việc lập quỹ là cần thiết, song phương pháp và quy định huy động tạo nguồn hình thành quỹ cần được xem xét cân nhắc cho phù hợp.

Dự thảo Luật Phòng chống tác thuốc lá gần đây nhất đưa ra hai phương án trích lập quỹ.

Phương án 1 trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, mức trích tối đa bằng 2% trên số thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phương án 2, việc lập quỹ lấy từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tối đa không quá 2% trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng

Có thể thấy rằng với mục tiêu, phạm vi điều chỉnh của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá chi phối thì nguồn hình thành quỹ trích từ nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là hoàn toàn phù hợp, bởi bản chất của thuế TTĐB hiện đang áp dụng là trên cơ sở ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tới môi trường (cả sản xuất và sử dụng thuốc lá điếu).

Nếu tiếp tục đóng góp thêm ngoài thuế TTĐB tạo Quỹ để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng trước tác hại của thuốc lá và bảo vệ môi trường sẽ bị trùng; Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 26 của Công ước Khung Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) về các nguồn lực tài chính để đạt mục tiêu của Công ước đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng các nguồn tài trợ quốc tế của các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức tài chính và phát triển, các nguồn lực sẵn có của Nhà nước và tư nhân để tài trợ cho các chương trình kiểm soát thuốc lá đối với các nước đang phát triển và các nước đang trong thời kỳ quá độ. Ngoài ra, trích từ thuế TTĐB, thực hiện theo Luật Ngân sách sẽ quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả nhất, dễ thực hiện áp dụng, giảm bớt các thủ tục kê khai, nộp và quyết toán Quỹ.

Theo Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Quỹ được sử dụng để xây dựng các tài liệu truyền thông, giáo dục về tác hại của thuốc lá; triển khai và nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không khói thuốc; tổ chức cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu cai nghiện thuốc lá; hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá…

Việc tạo lập nguồn kinh phí phòng chống tác hại thuốc lá cần dựa trên cơ sở xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội có ý nghĩa tích cực, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về xã hội hóa y tế.


Ngọc Duyên-Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất