Suốt mấy tuần, giới trẻ Hà thành sôi lên vì chương trình "MTV Exit live in Hà Nội" với sự xuất hiện của ban nhạc Super Junior của Hàn Quốc. Đó là cơ hội hiếm có để gặp thần tượng. Có lẽ, chưa bao giờ cảm giác "sôi sùng sục" lại lan rộng đến nhiều bạn trẻ đến vậy. Và khi sự kiện trôi qua, sự thất vọng dành nhiều cho khâu tổ chức.
Từ chuyện cái vé
Ngay sau khi các báo đồng loạt thông tin về chuyến lưu diễn của chương trình MTV Exit (End Exploitation and Trafficking - Chấm dứt nạn bóc lột và buôn bán người) tại 4 thành phố lớn của Việt Nam (cách đây 3 tuần) thì Hà Nội đã "sốt" vé hầm hập. Bởi chương trình tại SVĐ Mỹ Đình đêm 27-3 sẽ có sự xuất hiện của ban nhạc được giới trẻ Việt Nam hâm mộ hàng đầu: Super Junior (SuJu).
Theo công bố của Ban tổ chức (BTC), toàn bộ vé trong 4 đêm diễn tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội (19 giờ ngày 27-3); Trung tâm Biểu diễn ngoài trời Hoàng Gia, Hạ Long, Quảng Ninh (20 giờ ngày 3-4); Trung tâm Thể thao ngoài trời, Cần Thơ (17 giờ ngày 10-4) và SVĐ Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh (20 giờ ngày 17-4) đều phát miễn phí. Các kênh phân phối chính thức vé là YanTV, XoneFM, Zing.vn, Báo Hoa học trò, Tạp chí Thời trang trẻ hay qua trang www.mtvexit.org, trong đó ở SVĐ Mỹ Đình là 30.000 vé. Nhưng hầu như chẳng ai chắc có được vé. Các bạn trẻ cuống cuồng lo lắng để được vào xem chương trình mà mục đích chính là để gặp các chàng trai của SuJu chứ chẳng mấy quan tâm đến thông điệp của chương trình. Đến cả các bậc phụ huynh cũng buộc phải chạy ngược chạy xuôi nhờ vả, xin xỏ vé cho con cái. Giới phe vé được thể hét lên trời. Cho đến tận ngày 23-3, người hâm mộ mới thấy "thấp thoáng" vé chuyển tới các kênh phân phối. Từ đó cho đến trước đêm diễn, không khí càng "sốt" hơn.
Điều làm đau đầu nhiều người là cách làm lấp lửng, lập lờ về kênh phát vé của BTC. Lúc đầu BTC nói phát vé miễn phí với những kênh phân phối có vẻ công khai nhưng nhiều người có vé đều bảo mua được. Rồi đến sát giờ diễn, vé lại được phát ở địa điểm không chính thức.
Đến đêm diễn đáng nhớ
Mục đích của tua diễn này rất có ý nghĩa đối với các bạn trẻ. "Mỗi buổi sẽ có khoảng 10.000 người Việt Nam biết tới, hầu hết là những người rất trẻ và có thể có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người", ông Micheal W.Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết. Trong chương trình, cùng những tiết mục biểu diễn mới nhất, các nghệ sĩ sẽ trực tiếp truyền tải thông điệp đến khán giả, để người tham gia có thể trang bị những kỹ năng sống và cảnh giác với nạn buôn người.
Tuy nhiên, tất cả những mục đích tốt đẹp đó đã gần như đổ xuống sông xuống biển do công tác tổ chức trước và trong đêm diễn cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp. Đành rằng, lượng fan quá đông cùng sự cuồng nhiệt nằm ngoài dự tính khiến BTC lúng túng. Nhưng từ sự vạ vật của hàng nghìn bạn trẻ ở sân bay Nội Bài để đón thần tượng đến đêm diễn kinh hoàng tại SVĐ mà hậu quả là hàng chục bạn trẻ ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu, rác ngập tràn SVĐ sau buổi diễn; sự gào thét cái tên SuJu của các fan khiến hiếm người hâm mộ nào có thể thưởng thức được trọn vẹn những giọng ca nổi tiếng khác, ngay cả khi nữ ca sĩ Kate Miller-Heidke cất tiếng hát. Thất vọng và hụt hẫng là cảm giác của rất nhiều người sau sự kiện đình đám này.
Còn 3 đêm diễn nữa vào mỗi cuối tuần tới, trong đó có sự tham gia của cả nhóm rock The Click Five với các gương mặt khá điển trai dẫu độ "hot" của họ không thể bằng ban nhạc SuJu. BTC tuyên bố tua diễn này chỉ là một phần của chiến dịch rộng lớn tại Việt Nam bao gồm các sự kiện trực tiếp, phim tài liệu, dịch vụ công báo, video âm nhạc, phim hoạt hình và trên các trang web để nâng cao nhận thức và tăng cường phòng chống nạn buôn bán người, dựa vào sức mạnh của ngành giải trí. Nhưng nếu không rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức thì thật khó để đạt được mục đích của chương trình.
An Nhi - HNM0