(TCTG) - Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm quý học và làm theo tấm gương đạo đức của Người đã xuất hiện tại các địa phương .
Lào Cai: Tiết kiệm trong chi phí đi lại, tổ chức hội nghị
Tại Lào Cai, việc làm theo tấm gương đạo đức của Người đã thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và chiến sĩ các lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm túc, từ tiết kiệm điện, nước, giấy, bút trong làm việc tại công sở, đến việc tiết kiệm thời gian làm việc, chi phí đi lại, tổ chức hội nghị... Tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân còn được thể hiện bằng nhiều hành động phong phú, như: UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, tích cực cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.
Nhiều tấm gương sáng với những việc làm phi thường, đáng khâm phục, mang tính nhân văn sâu sắc đã xuất hiện. Tiêu biểu là binh nhất Phù Láo Lở, thuộc Đội rà phá bom mìn Đồn Biên phòng 263 Trịnh Tường (Bát Xát) đã dũng cảm cứu dân bị lũ cuốn và anh dũng hy sinh. Anh Đặng Văn Tuấn, xã Xuân Hòa (Bảo Yên) đã dũng cảm cứu sống 7 người dân bị lũ cuốn trôi và cưu mang hơn 20 người trong những ngày bão lũ năm 2008. Ông Phu Lò Dé, dân tộc Hà Nhì (Bát Xát) tiết kiệm chi tiêu, cho bà con vay tiền phát triển sản xuất không lấy lãi mỗi năm gần 30 triệu đồng. Gia đình thầy giáo Hoàng Văn Hợp, giáo viên trường tiểu học Cán Cấu (Si Ma Cai) tự nguyện giúp đỡ 6 em học sinh con em đồng bào dân tộc gặp khó khăn được đi học...
Nhiều những tấm gương tiêu biểu trong rèn luyện, phấn đấu thành gương sáng về đạo đức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo, điển hình như Bí thư Đảng uỷ xã Sín Chéng (Si Ma Cai) Lý Xuân Thành với phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xoá đói, giảm nghèo và thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan. Đồng chí Lưu Đình Tân, Bí thư chi bộ Trạm kiểm soát đường bộ thuộc Đảng bộ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai là người luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt của đơn vị, ngay từ những việc làm nhỏ nhất, từ tác phong, lễ tiết, lời ăn tiếng nói đến việc thực hiện giáo dục cán bộ, chiến sỹ và xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Bắc, Bí thư Chi bộ Lê Quý Đôn 3, Đảng bộ phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) đã lãnh đạo xây dựng mô hình điểm về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, vận động nhân dân thục hiện xã hội hóa việc lát vỉa hè trị giá 130 triệu đồng...
Lâm Đồng: Lấy kết quả để đánh giá cán bộ
Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng được ghi nhận sau 4 năm triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tỉnh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý không chỉ cho cuộc vận động mà còn cho cả công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội…
Những kinh nghiệm quý đó là: phải có sự sáng tạo trong quá trình triển khai, vận dụng những nội dung của cuộc vận động, góp phần quan trọng giúp các địa phương, các ngành… hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục dần những yếu kém trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng… Vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo được phát huy trong việc triển khai cuộc vận động. Các ngành, các cấp cần quán triệt sâu rộng trong mọi đối tượng về tính thiết thực cũng như tầm quan trọng của cuộc vận động, tạo được sự nhất quán từ nhận thức đến hành động; cần lồng ghép và hiện thực hóa các nội dung vào những việc cụ thể của từng cá nhân, đơn vị và lấy kết quả của việc cụ thể đó để đánh giá. Cần phát hiện, biểu dương, xây dựng, nhân rộng… kịp thời các điển hình tiên tiến để tạo thành những hạt nhân cho phong trào.
Những bài học kinh nghiệm này sẽ được tỉnh Lâm Đồng quán triệt tới đội ngũ cán bộ các cấp để áp dụng vào việc nâng cao cuộc vận động trong thời gian tới cũng như trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành công việc…
An Giang:Nhiều cá nhân hiến đất xây trường
Qua 4 năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang, đã góp phần nâng cao ý thức không chỉ biết sản xuất kinh doanh giỏi mà luôn sống tiết kiệm, tích cực tham gia trong công tác xã hội từ thiện. Bình quân mỗi năm, hội viên nông dân An Giang đã đóng góp gần 100 tỷ đồng, riêng năm 2010 tham gia gần 200.000 ngày công và trên 91,6 tỷ đồng giúp đỡ chia sẻ khó khăn với hộ nghèo, đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm, xây dựng công rình phúc lợi xã hội, phát triển nông thôn mới.
Nguồn đóng góp của các hộ nông dân An Giang tập trung nâng cấp trường học, xây nhà đại đoàn kết, trạm xá, đặc biệt là xây cầu nông thôn, đến nay đã xóa được cầu khỉ, nối liền vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng, tạo điều kiện đi lại tốt nhất cho nhân dân giao thương hàng hóa, vận chuyển nông sản và học sinh đến trường an toàn. Điển hình là hộ ông Ngô Văn Đậu ở huyện Phú Tân năm 2010 đã mạnh dạn ủng hộ 200 triệu đồng để mua xe cứu thương đưa rước miễn phí bệnh nhân nghèo. Huyện Tân Châu còn có nông dân Trần văn Soái ngoài đóng góp, nâng cấp sửa chữa cầu đường, lộ giao thông, mỗi năm ông còn cất cấp 20 căn nhà cho hộ nghèo tại địa phương. Còn ở xã miền núi Tịnh Biên có nông dân Lê Văn Lùng luôn tâm đắc lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho nhân dân thì phải làm cho kỳ được”, ông đã tham gia tích cực các phong trào xã hội từ thiện, nghe nơi nào trong huyện có hộ khó khăn hay kêu gọi xây dựng cầu đường, trường học là ông tìm đến để góp thêm công, của và vận động bạn bè mỗi năm hơn 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là động lực cho nông dân An Giang sản xuất kinh doanh giỏi, sống lành mạnh, tiết kiệm, tích cực trong xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang và còn ý thức đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm, tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng./.
TĐ (tổng hợp)