“Cho tới nay chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển nước ta,” ông Minh nói.
Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu cho thấy, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam như ở Đài Loan, máng chìm Manila (Philippines)….
Hiện, chúng ta có 25 kịch bản về sóng thần. Theo đó, nếu động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang… Thời gian sóng thần từ Malina vào biển Việt Nam khoảng 2 giờ đồng hồ.
Tiến sĩ Minh cũng cho biết, động đất từ 6,5 độ Richter trở lên thì mới có sự xê dịch trên toàn bộ mặt đứt gẫy làm thay đổi địa hình đáy biển, gây ra sóng thần.
Một chuyên gia của Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) thì cho biết, trong khoảng thời gian từ 1589-2005, khu vực máng chìm Malina đã xuất hiện ít nhất 6 trận động đất làm phát sinh sóng thần.
Như vậy, mặc dù nguy cơ sóng thần vào bờ biển Việt Nam là không cao, song việc cảnh giác là không bao giờ thừa.
Hiện, Việt Nam có 25 kịch bản về sóng thần. Cùng với hệ thống bản đồ để nhận định hướng đi, độ cao, sức lan truyền… Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần sẽ đưa ra những bản tin cảnh báo sóng thần đến các địa phương chịu ảnh hưởng của sóng thần, để có cách ứng phó kịp thời.
Tuy nhiên, trong khi Nhật Bản có hơn 100.000 kịch bản, Indonesia có tới 7.000 kịch bản thì con số 25 của Việt Nam là quá ít. Lại nữa, do phương tiện thiếu, các nhà khoa học Việt Nam bị thiếu số liệu đầu vào, hạn chế trong việc chủ động tính toán và dự báo.
Tiến sĩ Lê Huy Minh cho biết, Viện Vật lý địa cầu đang tiến hành xây dựng thêm những trạm địa chấn gửi số liệu thời gian thực về Viện. Trong khoảng 2-3 năm tới, sẽ có 30 trạm được xây dựng và trên cơ sở cùng với thông tin từ các trạm trong khu vực, ông Minh tin tưởng sẽ cảnh báo được sóng thần trước 10-15 phút khi đến biển Việt Nam./.
Khánh Vân (Vietnam+)