Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 23/10/2013 11:28'(GMT+7)

Khắc phục lệch lạc, tiêu cực để giữ gìn nghệ thuật chầu văn

Nghi lễ chầu văn trong một giá hầu đồng được phục dựng.

Nghi lễ chầu văn trong một giá hầu đồng được phục dựng.

Nghệ thuật hát chầu văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Theo GS, TS Ngô Ðức Thịnh, Ðạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc lâu đời ở nước ta, có từ thế kỷ 15 và đến nay vẫn tồn tại, nhất là ở các vùng đồng bằng, đô thị và miền núi, tạo nên một nét văn hóa tín ngưỡng khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức phong phú của tín ngưỡng Việt Nam. Ðây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển nó đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Ðạo Mẫu không hướng về "đời sống" bên kia của con người sau cái chết mà là đời sống thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc và may mắn. Chính vì thế, công tác bảo tồn nghi lễ chầu văn cần được nhận thức một cách thấu đáo, khách quan để thấy hết những giá trị nhân văn, nhân bản trong loại hình nghệ thuật này. Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống với truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, với hình thức văn hóa truyền miệng, đặc biệt là diễn xướng âm nhạc, ca hát, nhảy múa... và từ đó đã sản sinh ra loại hình hát chầu văn đặc sắc, có một không hai, gắn với hoạt động tín ngưỡng. Cùng với sự phát triển của nghệ thuật hát văn, đã hình thành những thế hệ nghệ nhân (cung văn) nổi tiếng, trong đó có nhiều cung văn trẻ xuất sắc không làm hổ thẹn với di sản của các cụ đã truyền dạy.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, hát chầu văn đã tiếp nhận một hệ thống làn điệu bài bản, phong phú của dòng dân ca đồng bằng Bắc Bộ và các vùng miền khác trên khắp lãnh thổ nước ta như ca trù, quan họ, hò lao động Nghệ An, hò trên sông nước Thừa Thiên - Huế và kể cả các điệu hát của các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Chăm, Khmer... Ngoài hệ thống làn điệu chính xen kẽ còn có những đoạn ngâm vịnh và nhạc lễ. Tín ngưỡng thờ Mẫu sử dụng nghệ thuật hát văn làm công cụ đắc lực. Ðiều này lý giải tại sao hát văn lại đạt tầm cao của sự phát triển, tính thẩm mỹ của một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc trưng. Từ đó có thể hiểu được tại sao hát văn lại dễ dàng được mọi tầng lớp quần chúng chấp nhận. Lời văn trong các bài hát văn cũng có xuất xứ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bản văn thường được sắp xếp như một câu chuyện kể về xuất xứ của các đức thánh và những thánh tích như một bản hùng ca và linh thiêng. Câu văn được chuyển vần và giai điệu hóa ngọt ngào, khiến chất thơ, chất nhạc được nâng lên tuyệt đỉnh, kết hợp với các điệu múa thiêng tạo ra một hình thức hóa diễn xướng dân ca vô cùng độc đáo. Với sức hấp dẫn và lan tỏa khá mạnh, những lò đào tạo cung văn dần dần hình thành một tầng lớp nghệ nhân nhà nghề. Họ đã tạo ra mối quan hệ giao lưu khăng khít và gắn bó giữa tính chuyên nghiệp và ngẫu hứng dân gian trên khắp các vùng miền có tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong quá trình bảo tồn hát chầu văn, trước hết chúng ta cần có nhận thức sâu sắc và đúng đắn về nguồn gốc sinh ra nó là tín ngưỡng thờ Mẫu. Ðây là một hoạt động tâm linh thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của ông cha ta thuở trước, hướng con người làm việc thiện, trừ điều ác, tạo ra niềm tin, sức mạnh tinh thần trong cuộc sống. Tuy nhiên trong thực tế, cũng có nhiều hiện tượng tiêu cực "buôn thần, bán thánh" kiếm tiền. Chính vì không hiểu thấu đáo tín ngưỡng thờ Mẫu mà nhiều người đã rơi vào tình trạng mê tín dị đoan.

Các hiện tượng tiêu cực, hiểu một cách lệch lạc về chầu văn đã ảnh hưởng xấu tới làng hát văn trẻ và xảy ra tình trạng đua đòi trong hành nghề. Vì chạy theo tiền bạc, một số người đã hành nghề chụp giật gây tác hại lớn cho nghệ thuật hát văn. Không phải cứ có giọng hát, có vốn hát dân ca nhạc cổ là có thể chuyển sang hát văn một cách dễ dãi. Ðấy là chưa kể đến việc mô phỏng diễn xướng tùy tiện theo lối khoe mẽ trang phục, ánh sáng sân khấu lòe loẹt, lúc hét ầm ĩ, động tác pha tạp nghèo nàn đến mức giả tạo.

Ðể bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn, phải giải quyết tốt mối quan hệ khăng khít giữa hát văn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Tiến sĩ Nguyễn Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng long Hà Nội kiến nghị: Nhà nước cần sớm có văn bản pháp luật về quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nên có ngay, càng sớm càng tốt, văn bản hướng dẫn về thực hành nghi lễ chầu văn ở các đền, điện, phủ trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn cho các ban quản lý, thủ nhang, đồng đền thực hiện tự quản, đồng thời cùng chính quyền cơ sở hướng dẫn và kiểm tra để phát huy giá trị quý của nghi lễ chầu văn, khắc phục các tiêu cực.

NGUYỄN THU HIỀN/Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất