Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 1/10/2013 21:53'(GMT+7)

UNESCO đánh giá cao đóng góp của Việt Nam về di sản văn hóa

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tại cuộc gặp ở trụ sở UNESCO.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tại cuộc gặp ở trụ sở UNESCO.

Tại cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 192 của Hội đồng Chấp hành UNESCO đang diễn ra tại Paris (Pháp), bà Tổng giám đốc đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời cho rằng một quốc gia đã có những di sản văn hóa trong tất cả các lĩnh vực được thế giới vinh danh, là điểm sáng trong gia đình các quốc gia ASEAN. Theo bà, tiến tới năm 2015 khi cộng đồng ASEAN được thành lập thì việc liên kết trong ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản văn hóa, là rất quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cảm ơn những tình cảm của bà Bokova dành cho Việt Nam và thông báo rằng cuối năm nay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên Việt Nam sẽ tổ chức Festival Di sản Việt Nam-ASEAN tại tỉnh Lâm Đồng nhằm tôn vinh các di sản vật thể và phi vật thể của các quốc gia ASEAN. Bà Bokova đánh giá cao sáng kiến này và coi đây là cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tiến tới năm 2015.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, vai trò của UNESCO trong việc bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa đã được công nhận trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm năm gần đây, đã có hiệu quả rõ nét. Những sáng kiến của bà Bokova trong nhiệm kỳ vừa qua nhằm cải cách những hoạt động của UNESCO đã có hiệu quả. Bà đã có nhiều nỗ lực, có khả năng tập hợp sức mạnh chung của các nước thành viên trong đại hội đồng cũng như Hội đồng Chấp hành trong giai đoạn khó khăn.

Cùng ngày, tại phiên thảo luận chung của Hội đồng Chấp hành UNESCO đang diễn ra tại Paris (Pháp) với sự tham dự của 58 nước thành viên, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có bài phát biểu, khẳng định Việt Nam ủng hộ việc UNESCO đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực khác.

Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Cộng đồng ASEAN cũng như quan hệ song phương giữa UNESCO với từng nước thành viên trong Cộng đồng.

‟Việt Nam tiếp tục ủng hộ những nỗ lực cải cách do bà Bokova, Tổng giám đốc UNESCO tiến hành nhằm đưa UNESCO vượt qua giai đoạn hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế, vai trò của Tổ chức. Việt Nam cho rằng, quá trình cải cách đang được triển khai cần có thời gian và sự tiếp nối trong những năm tiếp theo để phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói.

Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam hoan nghênh UNESCO tiếp tục dành ưu tiên cho Giáo dục cho mọi người (EFA), Giáo dục vì Phát triển bền vững (ESD). Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai EFA và ESD và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Dự án “Sáng kiến giáo dục vì sự phát triển bền vững”, mô hình hợp tác 3 bên do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai, và được Samsung tài trợ đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực văn hóa, các danh hiệu di sản vật thể và phi vật thể của UNESCO có tác động tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản. Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), tháng 6-2013, Việt Nam đã tổ chức Festival Di sản Quảng Nam với sự tham dự của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia ASEAN, và có sự hiện diện của Tổng giám đốc UNESCO, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, thể hiện cam kết cấp cao của Việt Nam đối với việc thực thi Công ước và đưa tinh thần của Công ước đến với từng địa phương.

Một số chương trình và sáng kiến của UNESCO như Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Chương trình Ký ức Thế giới (MOW), Chương trình nước và sáng kiến Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Géopark) hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín của UNESCO đối với các quốc gia thành viên. Vì vậy, Việt Nam cho rằng UNESCO cần tiếp tục dành ngân sách thích đáng để phát triển các chương trình và sáng kiến trên.

Những khó khăn của UNESCO trong thời gian tới còn nhiều, không chỉ do vấn đề đóng góp tài chính của Hoa Kỳ mà còn phụ thuộc chung vào tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Tại các buổi thảo luận, các thành viên Hội đồng Chấp hành đều bày tỏ quyết tâm ủng hộ chương trình cải cách của Tổng Giám đốc và đánh giá UNESCO vẫn giữ vững uy tín cũng như vị trí của mình đối với tất cả các quốc gia thành viên.

Đây là khóa họp cuối cùng của Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, cám ơn UNESCO và các nước thành viên tại Hội đồng Chấp hành đã ủng hộ và hợp tác với Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

Tại kỳ họp lần này diễn ra từ 24/9 đến 11/10, Hội đồng Chấp hành UNESCO tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng gồm: Dự thảo Chiến lược 2014-2021, Dự thảo Ngân sách 2014-2017 và bầu tổng giám đốc nhiệm kỳ mới./.

Khải Hoàn - Đình Tuấn (Nhân Dân)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất