Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 25/9/2013 20:31'(GMT+7)

Sách hay đến tay người đọc

Các tác giả, dịch giả nhận Giải thưởng Sách hay 2013.

Các tác giả, dịch giả nhận Giải thưởng Sách hay 2013.

Trước đó, vào dịp cuối mỗi năm, Hội Xuất bản Việt Nam cũng tổ chức trao Giải thưởng Sách Việt Nam. Qua 8 lần tổ chức đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm hay, tác giả tâm huyết và nhà xuất bản có nhiều nỗ lực tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần làm phong phú nền văn hóa nước nhà.

Việc trao giải thưởng sách hay, dù là giải thưởng nhà nước hay dân lập, cũng rất đáng khuyến khích. Bởi cái đích chung của các giải thưởng này hướng tới là phát hiện, tôn vinh những cá nhân, tập thể say mê, gắn bó với công việc viết sách và xuất bản, đồng thời quảng bá những tác phẩm có nội dung bổ ích, hình thức đẹp để độc giả có điều kiện tìm đọc, nghiên cứu. Hơn nữa, trong bối cảnh văn hóa đọc truyền thống đang bị “lép vế” trước “văn hóa đọc điện tử” hiện nay, sự ra đời của những cuốn sách hay sẽ góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sách đối với sự phát triển văn minh của xã hội.

Điều đáng quan tâm là, sau mỗi lần trao giải thưởng rầm rộ như thế, liệu các cuốn sách hay có đến được tay bạn đọc, nhất là công nhân, người lao động và bà con ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa? Đành rằng, không phải cuốn sách được giải thưởng nào cũng phù hợp với nhận thức, trình độ, tâm lý, sở thích của các đối tượng đó. Nhưng, nếu giải thưởng sách hay mà chủ yếu dành cho và đến với tầng lớp trí thức, cán bộ, công chức, viên chức và cư dân đô thị, thì rõ ràng chúng ta đang tự “bỏ trống” một đối tượng đông đảo trên địa bàn rộng lớn của đất nước. Mặt khác, sách hay chủ yếu là những cuốn “tổng tập” đồ sộ dày hàng nghìn trang, những cuốn có nội dung tư tưởng học thuật lớn lao và nhất là giá cả các cuốn sách đó quá xa xỉ với mức thu nhập của người dân lao động, thì cũng khó đến tay số đông độc giả trong xã hội.

Sách hay thường là những sách có giá trị đối với người đọc. Nhưng giá trị đó sẽ dần mất tác dụng khi sách hay chỉ để trưng bày ở trong tủ kính, trên giá sách thư viện, phòng đọc mà không đến tận tay người dân. Để tránh tình trạng này đòi hỏi những người làm sách, những nhà xuất bản phải tìm mọi cách giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn cho người dân tìm đọc những tác phẩm của mình. Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều cách làm thiết thực như tổ chức các phòng đọc lưu động, tủ sách lưu động, tặng sách cho bà con và học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới… nhưng số lượng sách hay, sách mới chưa nhiều. Trong khi đó, một mặt do tâm lý, thói quen ít đọc sách, mặt khác khả năng kinh tế eo hẹp, nên khá đông người dân ở địa bàn này vẫn hiếm khi có cơ hội được tiếp cận những cuốn sách quý.

Những cuốn sách hay được cộng đồng tôn vinh, ghi nhận cũng là một nguồn tài nguyên quý của quốc gia. Nhưng tài nguyên đó chỉ thực sự “phát lộ” và tỏa sáng khi đại đa số người dân cùng được quyền khai thác và sử dụng nhằm phục vụ những nhu cầu chính đáng của mình. Mong sao, những người viết sách, những nhà xuất bản, những người tổ chức các giải thưởng sách hay luôn ghi nhớ “nằm lòng” điều này để nỗ lực đưa được những cuốn sách hay đến tay đông đảo bạn đọc trên mọi miền đất nước/.

Thiên Văn (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất