Giải quyết thật thỏa đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nói chung, giữa
bảo tồn và phát triển nói riêng là vấn đề mang tính toàn cầu, được quan tâm ở
tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và hội nhập
như Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân
tộc học, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn
hóa (CCH) đã có cuộc trao đổi với Phóng viên về bảo tồn văn hóa
truyền thống trong dòng chảy hội nhập.
PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn
Huy, ý kiến của ông về bảo tồn văn hóa truyền thống trong thời gian qua như thế
nào?
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy: Trong
một thập niên qua, với văn hóa, cụ thể là lĩnh vực di sản chúng ta đã làm được
rất nhiều. Một thập niên mà nhận thức của người dân, của xã hội về di sản được
tăng lên rất nhanh và đặc biệt là nó thấm từ trên xuống dưới, từ thành phố, đô
thị về nông thôn, hải đảo, miền núi. Đi đâu chúng ta cũng thấy mọi người nói về
di sản văn hóa, đông đảo người dân đã có ý thức giữ gìn và bảo tồn di sản của
mình.
Mấy tháng trước, tôi trở lại Đồng Văn, Mèo Vạc
của tỉnh Hà Giang, nghe rồi chứng kiến bà con ở phố cổ Đồng Văn đã giữ gìn di
sản của mình như thế nào. Rồi ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắc Lắc, Đắc Nông, Kon
Tum, đi đâu cũng đều nhận thấy ý thức cũng như hành động cụ thể của bà con giữ
gìn văn hóa cổ truyền của mình đối với nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, sử thi,
nhà rông, nhà dài truyền thống… Từ ý thức chuyển sang hành động, cộng đồng tham
gia công tác bảo tồn cùng với các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước đặc biệt
là các địa phương từ tỉnh, huyện đến xã đều có chương trình lớn nhỏ khác nhau
nhằm thực hiện bảo tồn những phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công và nhiều
di sản cụ thể khác.
Thành công tiếp nữa là tính phổ biến và lan rộng
về việc nhìn nhận, giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Trước đây, nói
đến di sản người ta nói nhiều đến di tích mang tính vật chất, chưa có sự quan
tâm đúng mức tới DSVHPVT. Nhưng nay đã hoàn toàn khác. Từ khi khái niệm DSVHPVT
được nhắc đến trong Luật Di sản văn hóa (2004), đặc biệt là khi các DSVHPVT được
UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại, đại diện của nhân loại hay di sản
cần được bảo vệ khẩn cấp như: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian cồng
chiêng Tây Nguyên (2005), Ca trù (2009), Quan họ (2009), Hội Gióng (2010)… đã
trở thành tâm điểm của giới truyền thông, được toàn xã hội chú ý đến, từ đó kích
thích trở lại các cấp quản lý văn hóa, cộng đồng quan tâm, đề cao và gắn vai trò
tham gia, bảo vệ.
Rất nhiều di tích, di sản được phục hồi, làm mới
lại đã trở thành những điểm kích thích du lịch.
PV: Cùng với những thành công đó, điều gì khiến
ông băn khoăn?
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy: Tồn tại thấy rõ trong sự bất cập khi giải quyết
mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển. Làm thế nào cho mối quan hệ này
được cân đối, hài hòa khi chúng ta làm công tác bảo tồn văn hóa nhưng không cản
trở phát triển của xã hội, và ngược lại. Chúng ta còn nhớ, khi Hoàng thành Thăng
Long phát lộ cũng là lúc công trình nhà Quốc hội chuẩn bị xây dựng. Chúng ta đã
giải quyết tốt vấn đề vừa giữ được di sản, vừa xây dựng được nhà Quốc hội. Nhưng
có chỗ khác, giải quyết chưa tốt, còn mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển,
chẳng hạn như việc xây dựng cầu vượt ngã tư Ô Chợ Dừa, tranh luận mãi, làm chậm
tiến độ xây dựng, gây khó khăn cho việc giải tỏa tắc nghẽn giao thông ở một
tuyến đường huyết mạch.
Trong quá trình bảo tồn di tích, quy chuẩn không
rõ ràng. Nhiều nơi làm tùy tiện, chưa đúng khoa học, không đúng phương pháp, gây
nên tình trạng “biến dạng” của di tích được trùng tu. Người ta đến một di tích,
một ngôi chùa với mong muốn hiểu được chiều sâu lịch sử của dân tộc, của địa
phương đó, nhưng trùng tu hoặc xây mới không có chuẩn mực, không đúng khoa học
khiến chùa thành mới làm, lòng người chán nản. Khi đến di tích Nhà tù Côn Đảo,
bản thân tôi cảm thấy đau lòng khi việc phục hồi di tích này ở nhiều chỗ đã làm
biến dạng từ cánh cửa, xà lim, chốt xà lim,… Ở chuồng cọp, cổng trại bị trùng tu
tùy tiện không dựa trên cơ sở khoa học, thiếu giám sát chặt chẽ gây phản cảm,
nhức nhối… Rồi ở các lễ hội, các loại hình DSVHPVT, nhiều nơi có sự can thiệp
thô bạo của các nhà tổ chức không hiểu biết, thậm chí của các cơ quan, viện
nghiên cứu đã “góp phần” làm sai lệch giá trị di sản.
PV: Cũng có nhiều lo ngại, rằng trong quá trình
hội nhập, toàn cầu hóa, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống mọi người ít quan
tâm hơn là hưởng thụ hay tiếp cận những điều kiện hiện đại, các loại hình văn
hóa đương đại?
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy: Quá trình hội nhập quốc tế đối với văn hóa nước
ta là quá trình diễn ra suốt trường kỳ lịch sử, chứ không phải chỉ bây giờ. Hàng
ngàn năm tổ tiên chúng ta đã tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, đến văn hóa
phương Tây ở thế kỷ 15, 16. Từ giữa thế kỷ 19, Pháp đô hộ nước ta hơn 80 năm. Đó
là thời kỳ văn hóa phương Tây du nhập sâu rộng. Đến nay là thời kỳ hội nhập đa
phương hóa trong điều kiện thương mại mở rộng cửa, công nghệ thông tin phát
triển. Những bối cảnh như vậy đã tạo điều kiện cho nhân dân ta những trải
nghiệm, tiếp xúc văn hóa thế giới.
Lâu nay người ta thường băn khoăn, quá trình hội
nhập như vậy có sợ mất văn hóa hay không? Tôi cho rằng không nên ngại, không
việc gì phải ngại cả. Một trong những đặc điểm nổi trội của người Việt chính là
tính “mở”, một dân tộc luôn luôn mở để tiếp thu văn hóa của các nước làm tăng
thêm sức mạnh của mình. Chúng ta đã từng bị 1000 năm Bắc thuộc nhưng văn hóa
Việt vẫn đứng vững, trong khi nhiều dân tộc khác bị đồng hóa, bị mất nước. Thời
Pháp chúng ta bị văn hóa Pháp lấn lướt, nhưng không, dân tộc chúng ta đã đứng
vững, giữ bản sắc và giành độc lập.
Phải hết sức tin tưởng vào bản lĩnh Việt Nam, bản
lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh đó thể hiện ở chỗ mỗi tầng lớp nhân dân đều tự
biết chắt lọc, tiếp thu yếu tố văn hóa này hoặc từ bỏ những nét văn hóa không
thích hợp với mình. Từ cộng đồng nhỏ, thôn xóm, khu phố, từ cư dân đô thị hay
nông thôn, từ các tầng lớp xã hội khác nhau đều có cách tiếp thu riêng biến văn
hóa bên ngoài thành của mình, giúp cho dân tộc chúng ta trường tồn. Một dân tộc
mà đóng cửa không biết tiếp nhận những tinh hoa từ các dân tộc khác thì đó là
nguy cơ cho dân tộc ấy. Cuộc sống chúng ta hiện nay thay đổi vô cùng nhanh
chóng, nhưng cốt cách vẫn là dân tộc Việt Nam, đó chính là nhờ bản lĩnh cộng
đồng dân tộc Việt Nam. Hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng internet, đó là điều
không thể tưởng tượng. Thanh niên đâu đâu cũng sử dụng internet, sử dụng nguồn
âm nhạc lấy từ trên mạng, hội họa đương đại từ các nước phương Tây; ti vi cả
ngày lẫn đêm chiếu phim Hàn Quốc, phim từ tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc;
liên tục các cuộc giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của giới trẻ nước ta
với nước khác… nhưng đâu có làm mai một văn hóa dân tộc. Bản lĩnh của dân tộc
Việt Nam đã nhào nặn văn hóa từ bên ngoài hòa nhập vào văn hóa Việt Nam một cách
nhuần nhuyễn, sáng tạo làm cho văn hóa thêm phong phú, cho dân tộc Việt Nam thêm
mạnh mẽ và đứng vững trước bao thách thức.
Tôi luôn tin tưởng ở bản lĩnh của chúng ta, bản
lĩnh dân tộc đã được rèn luyện qua hàng nghìn năm. Chính bản lĩnh đó đã tôi
luyện và tạo dựng bản sắc văn hóa Việt Nam. Mở, hội nhập nhưng bản lĩnh biết
sàng lọc, bản lĩnh biết tiếp thu, biến nó thành máu thịt của mình để chảy hòa
vào “dòng máu” văn hóa Việt Nam. Chúng ta thấy rõ-đó là bản lĩnh bất hủ của dân
tộc ta./.
PV: Xin cảm ơn PGS. TS Nguyễn Văn
Huy!
Vương Hà (thực hiện)
(Nguồn: QĐND)