Căn nhà số 8 Lý Nam Đế, Hà Nội luôn vắng
bóng ông. Nhiều người còn tưởng ông là người con lớn lên giữa núi rừng
Tây Nguyên đại ngàn. Từ “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu” cho đến “Các
bạn tôi ở trên ấy”, nhà văn Nguyên Ngọc luôn dành tình cảm trân trọng,
với những tâm tư da diết về con người và văn hóa Tây Nguyên. Và cũng
không quá ngạc nhiên khi giải thưởng văn học thủ đô năm 2013 vinh danh
bút kí “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn của phóng viênnhân dịp này:
PV: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, những cảm xúc và tâm thế nào khiến ông trở lại với độc giả trong bút kí “Các bạn tôi ở trên ấy”?
Nhà văn Nguyên Ngọc:
Hiện nay, có một trong những vấn đề về văn hóa, đó là mối quan hệ giữa
con người, văn hóa với tự nhiên. Người ta nói: "Cái gì không phải tự
nhiên thì nó là văn hóa". Hoặc người ta nói, trước khi có con người thì
chưa có văn hóa, mới có tự nhiên. Con người in dấu ấn cá nhân của mình
tạo nên văn hóa. Cũng có một quan niệm cho rằng con người xuất hiện và
ngày càng làm chủ tự nhiên.
Đó cũng là vấn đề rất lớn trong sự phát
triển nhân loại. Có một thời kì do khả năng của con người phát triển lên
nhờ khoa học kĩ thuật và làm chủ tự nhiên, tạo nên sự phát triển của
các nền văn minh. Đồng thời, đến một lúc nào đó khi mà sự chiếm lĩnh tự
nhiên đến mức cực đoan thì nó quay lại đối lập với tự nhiên. Ở Phương
Tây chẳng hạn, người ta cũng đi đến những khủng hoảng. Những vấn đề như
vậy hóa ra ở Tây Nguyên cực kì sâu sắc.
PV: Triết lý sâu sắc ấy là gì, thưa nhà văn?
Nhà văn Nguyên Ngọc:
Người Tây Nguyên khám phá ra sự chông chênh giữa văn hóa và tự nhiên. Đó
là sự bền vững - chông chênh và chông chênh - bền vững. Có lẽ đó là văn
hóa.
Ở Tây Nguyên sau này tôi mới hiểu, mối
quan hệ giữa con người với tự nhiên - ở Tây Nguyên là rừng. Người Tây
Nguyên không thể sống không có rừng. Người Kinh thấy rừng tức là thấy
gỗ, thấy tài nguyên. Còn người Tây Nguyên thì không hề quan niệm như
vậy. Họ là một bộ phận của rừng, rừng là mẹ của họ và từ trong rừng họ
đi ra. Ở Tây Nguyên có tục lệ bỏ mả, tức là sau khi chết, người ta làm
một cái nhà mồ rất đẹp và làm lễ tiễn đưa người chết về một thế giới
khác.
Sau đó người ta bỏ, không chăm sóc đến
ngôi mả đó. Vì sao vậy? Người ta quan niệm con người là một bộ phận của
rừng, một mảnh nhỏ của tự nhiên. Khi đi vào cuộc đời này, người ta trở
thành văn hóa của làng, của xã hội. Khi kết thúc quãng đời ngắn trên thế
gian này thì con người trở về với mẹ, với rừng. Cho nên lễ bỏ mả rất
vui, tiễn đưa con người trở về nguồn gốc của mình. Nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn nói “cát bụi trở về cát bụi”, còn người Tây Nguyên lại nói: “Ta là
rừng”. Sau khi ra khỏi cuộc đời này thì ta thành rừng.
PV:
Hơn nửa cuộc đời nhà văn Nguyên Ngọc gắn bó với Tây Nguyên. Người đọc
đã biết đến Tây Nguyên với hình ảnh “Rừng xà nu” khao khát tự do và ánh
sáng. Thế còn “Các bạn tôi ở trên ấy” thì sao, thưa nhà văn?
Nhà văn Nguyên Ngọc:
Đấy là tiếng kêu, tiếng thét của tôi. Sau chiến tranh, Tây Nguyên vô
cùng ác liệt và bị tàn phá bởi cuộc chiến nhưng về cơ bản tự nguyên còn
khá nguyên vẹn. Nhưng, mấy mươi năm nay bằng sự tham lam của mình, con
người đã tàn phá gần như toàn bộ môi trường tự nhiên ở đây. Tôi đã nói
rồi, tự nhiên mới là gốc của văn hóa Tây Nguyên.
Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên
là gốc của văn hóa Tây Nguyên chứ không phải chỉ có cồng chiêng với nhà
rông. Và nguy cơ, một nền văn hóa vô cùng hiền minh có thể chứa đựng
những câu trả lời lớn của nhân loại bị ta phá tan tành. Cho nên cuốn
sách của tôi cố gắng như một tiếng thét, một lời kêu gọi nhưng tôi chỉ
sợ lời kêu gọi của tôi như ở giữa sa mạc, không ai nghe được.
PV: Vì thế
mà có nhận định cho rằng, tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc đã chạm đến
tầng sâu của tính cách con người Tây Nguyên và văn hóa Tây Nguyên: phóng
khoáng, tự do, nồng hậu, giàu tình yêu thương?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Ở
Tây Nguyên, tôi nhận ra một mặt khác đó là con người đứng giữa văn hóa
và tự nhiên. Tôi có bài viết, cũng lấy đặt tên cho cuốn sách “Các bạn
tôi ở trên ấy”, tôi thấy các bạn tôi lạ lắm. Thỉnh thoảng họ trở vào
trong rừng, tìm không ra. Rồi sau đó họ lại trở về với xã hội. Họ có nhu
cầu thường xuyên trở về với cội nguồn.
Cuốn sách của tôi cũng có nói, tục lệ đó
còn rất ít. Đến mùa lên nông họ kéo nhau vào rừng và người ta bỏ hết
tất cả mọi thứ, không mang theo bất cứ dụng cụ gì. Người ta đi vào rừng
sống nguyên thủy một thời gian. Họ có nhu cầu trở về nguồn gốc của họ,
tắm rửa trong cội nguồn đó. Sau đó họ lại quay về với xã hội. Nhu cầu
hàng năm trở về với tự nhiên vô cùng quan trọng.
PV: Những
tác phẩm đạt giải thưởng văn học Hà Nội năm nay thuộc về những cây bút
lớn tuổi. Nhiều người cho rằng, điều đó thực sự chưa trọn vẹn khi chúng
ta đang thiếu đi những cây bút trẻ có tầm?
Nhà văn Nguyên Ngọc:
Đúng rồi. Tôi nghĩ hai điều: một là, có thể những người già hóa ra họ
còn trẻ. Những suy nghĩ của họ còn mới mẻ, còn có ý nghĩa xã hội nên mới
có một sức thuyết phục nào đó. Nhưng mặt khác, tôi thấy lo vì không
biết lớp trẻ như thế nào. Nếu mình truyền được kiến thức, tinh thần đến
lớp trẻ, tôi chỉ lo là không được đến nơi đến chốn. Trong khi đó, văn
hóa đại chúng đang đánh lạc thanh niên khỏi những vấn đề lớn của cuộc
sống, của xã hội.
Thanh niên ngày nay bị lôi kéo vào những
điều bèo bọt, phù du. Nhưng mặt khác, lớp trẻ cũng có cách nghĩ, cách
giải quyết vấn đề mạnh mẽ hơn chúng tôi. Chúng tôi thì thương tiếc, kêu
gào, còn lớp trẻ sẽ hành động và sẽ nghĩ được cách hành động. Đặc biệt
tôi rất muốn đào tạo cho lực lượng tri thức mới ở Tây Nguyên, tự họ hiểu
và có cách giải quyết vấn đề.
PV: Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc./.
Phương Thúy (VOV)