Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 8/10/2013 22:11'(GMT+7)

Bảo tàng-Nơi giá trị di sản được gìn giữ và phát huy

Bảo tàng góp phần thay đổi trong nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (Ảnh: TTXVN)

Bảo tàng góp phần thay đổi trong nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (Ảnh: TTXVN)

Tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, việc sử dụng các ngôn ngữ khác nhau trong các phòng trưng bày đang được đẩy mạnh. Phần chú thích giới thiệu các hiện vật được viết bằng bốn thứ tiếng: Tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

“Bằng phương thức này, chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng bảo tàng trở thành địa điểm mà khách tham quan có thể tìm hiểu về sự đa dạng của nghệ thuật, di sản văn hóa châu Á, đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu lịch sử, di sản của nhiều nhóm đối tượng công chúng khác nhau,” ông Zeniya Masami bày tỏ.

Thông tin trên được ông Zeniya Masami, Giám đốc điều hành Bảo tàng Quốc gia Tokyo chia sẻ tại phiên họp mở rộng-Hội nghị thường niên Hiệp hội các Bảo tàng Lịch sử Quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA 4) diễn ra vào chiều 8/10.

Từ góc độ đó, có thể thấy, bảo tàng góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Giá trị được khẳng định

“Bảo tàng là nơi lưu giữ tổng hợp các giá trị di sản. Đến với bảo tàng, du khách sẽ có một cái nhìn tổng thể về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất đó,” bà Trần Thị Thúy Phượng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Tại các bảo tàng, thông qua các hiện vật trưng-là những vật chứng, chứng tích còn lưu lại và đang được trân trọng giữ gìn, công chúng có những hiểu biết sâu sắc hơn về tổ tiên, về cội nguồn.

Nói khác đi, vai trò của bảo tàng trong việc góp phần thay đổi và phát huy giá trị di sản được thể hiện trực tiếp ở việc: Từ những bộ sưu tập, công tác bảo tàng sẽ thổi hồn cho những bộ sưu tập đó bằng những bài thuyết minh giới thiệu, kỹ thuật màn hình cảm ứng, trang web bảo tàng ảo. Cùng với đó, các phương pháp tạo hình dựng bối cảnh sẽ giúp cho các hiện vật có sức sống sinh động. Tất cả được chuyển tải tới công chúng thông qua các cuộc trưng bày.

Ví dụ, ở Việt Nam, thông qua các trưng bày chuyên đề về đèn cổ Việt Nam, trang sức cổ Việt Nam… bảo tàng giới thiệu đến công chúng quá trình hình thành và phát triển của các loại nghề thủ công, chế tác mỹ nghệ, trang sức… của cha ông trong lịch sử.

Tại một số bảo tàng lớn của Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng những bộ sưu tập đều tăng hàng năm. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ và bảo quản trên 200.000 tư liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu về lịch sử văn hóa Việt Nam (có niên đại kéo dài từ thời nguyên thủy đến ngày nay)

“Qua đó, khách tham quan bảo tàng sẽ có ý thức coi trọng những giá trị truyền thông cũng như bản sắc văn hóa dân tộc,” ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam nhận định.

Song hành bảo tồn và phát triển

Thực tế, “nếu chỉ bảo tồn mà không đem ra sử dụng thì không phát huy được giá trị ẩn chứa trong di sản, rồi thời gian sẽ làm di sản phai mờ và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Chỉ khi giá trị các di sản được phát huy thì mới có cơ sở, có căn cứ và làm điều kiện để bảo tồn di sản,” tiến sỹ Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, bảo tồn và phát huy luôn gắn liền với nhau trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Các báo cáo tại hội nghị cho rằng, trong tiến trình phát triển lịch sử, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa xuất hiện ngay từ khi con người ý thức được giá trị của di sản văn hóa trong đời sống đồng thời hiểu được mối nguy hại do tác động của thiên nhiên và con người gây ra. Cho đến những năm gần đây, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã trở thành mối quan tâm của giới khoa học và là điểm nóng thu hút chú ý của xã hội.

“Bảo tàng là nơi lưu giữ và phát huy các di sản văn hóa của nhân loại; hai hoạt động lưu giữ và phát huy này song hành với nhau thông qua hoạt động sưu tầm, gìn giữ, phục hồi cổ vật, tư liệu và trưng bày hiện vật,” ông Kong Vireak, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Campuchia bày tỏ.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Cường cho rằng: “Phát huy sẽ tạo ra hướng tiếp nhận, ảnh hưởng mới làm cho các giá trị văn hóa không bị lãng quên mà còn lan rộng và giữ vững được bản sắc của mình. Bảo tồn là căn bản, làm cơ sở cho sáng tạo, phục vụ phát huy; và ngược lại, phát huy giúp cho bảo tồn văn hóa được tốt hơn, hiệu quả hơn.”

Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của bảo tàng trong việc thay đổi nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các thành viên ANMA 4 đưa ra khuyến nghị: “Đối với bảo tàng, điều quan trọng bậc nhất là phải có những ý tưởng sáng tạo trong nội dung chủ đề trưng bày và cách tổ hợp các hiện vật gốc để thể hiện nội dung cụ thể; cần chú trọng hơn nữa khía cạnh văn hóa trong tất cả các chủ đề trưng bày của bảo tàng, làm rõ nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Trong tổ hợp các đề tài trưng bày, bảo tàng cần lựa chọn đưa ra những hiện vật thật tiêu biểu, để mỗi bảo tàng có được nét hấp dẫn riêng.”./.

An Ngọc (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất