Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 26/5/2013 8:44'(GMT+7)

Dành “Giờ vàng” cho phim tài liệu

Liên hoan phim phóng sự - tài liệu truyền hình lần 2 vừa kết thúc tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 45 đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) từ Lào Cai, Cao Bằng tới An Giang, Cà Mau đã gửi 70 tác phẩm đến dự thi. Số lượng đơn vị và tác phẩm tham dự đã tăng hơn hẳn so với liên hoan phim lần 1 diễn ra vào tháng 5 năm ngoái tại TP Biên hòa, tỉnh Đồng Nai. Điều này chứng tỏ sự quan tâm, sức cuốn hút của sinh hoạt mới mẻ này đối với bản thân người làm truyền hình và người xem trong cả nước.

Những tác phẩm đoạt giải hoặc chưa đoạt giải trong Liên hoan phim phóng sự - tài liệu truyền hình lần này đã phản ánh khá đậm nét những vấn đề “nóng”, những gì nên biểu dương hoặc cần phê phán, lên án kịp thời tình hình xã hội hiện tại. Phim Lớn hơn những cánh đồng vàng (Trung tâm THVN tại Cần Thơ) khẳng định một cách có lý có tình mô hình mới “Cánh đồng lớn”. Phim Sáng mãi Đa Nhim (PT-TH Ninh Thuận) như lời đáp câu hỏi đang gây tranh cãi về tác dụng ra sao của các công trình thủy điện. Dí dỏm, sâu sắc, phim Đôi mắt người Xẻo Trâm (PT-TH Hậu Giang) ghi lại những đổi thay của một vùng quê nghèo…

Các tác phẩm phóng sự - tài liệu càng giàu sức cuốn hút và tính chiến đấu hơn khi chạm tới những gì đang khiến dư luận xã hội nhức nhối. Phim Những phận người trên một chuyến xe (PT-TH Đắk Lắk) trực tiếp đánh thức lương tâm và trách nhiệm của những ai đang ngồi sau vô lăng trước nỗi đau và những tổn thất không gì bù đắp của những nạn nhân các vụ tai nạn giao thông. Phim Thương quá, điều ơi (PT-TH Bình Phước) là lời phê phán trực diện, đầy chứng cứ về tính bấp bênh, nộm tạm của những chỉ dẫn trồng cây gì, nuôi con gì. Người xem phim tìm thấy tấm gương đầy sức thuyết phục của những cán bộ, đảng viên kiên nhẫn, dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực với phim Sự thật không đơn giản (PT-TH Lâm Đồng). Trong mảng tài liệu chân dung, khi những người làm phim nỗ lực nêu bật những tấm gương sống giản dị, trong sáng, hết lòng vì nước vì dân của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát (Huỳnh Tấn Phát, Cuộc đời và sự nghiệp – PT-TH Bến Tre), của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ (PT-TH Sóc Trăng) cũng là một cách tham dự vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay…

Liên hoan phim phóng sự - tài liệu truyền hình diễn ra vào mùa hè mỗi năm là sáng kiến của Bộ Thông tin - Truyền Thông. Qua 2 kỳ liên hoan, chủ trương này đang chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả xã hội của nó.

Không khỏi nghĩ ngợi khi có cảm giác trên sóng của nhiều đài, kể cả trung ương và địa phương những chương trình truyền hình thực tế và phim truyện truyền hình nhiều tập hầu như đang chiếm vị trí “thượng phong”. Cái gọi là “Giờ vàng” - nói trắng ra là khoảng thời gian có đông người xem ngồi trước màn ảnh, tức khoảnh khắc sẽ hút được nhiều quảng cáo, thu được nhiều tiền, đều được dành cho những cảnh ăn chơi nhảy múa, khoe giàu sang hoặc khoe sức mạnh của cơ bắp, của lưỡi dao, khẩu súng. Dư luận xã hội nói chung và các bậc làm cha làm mẹ nói riêng không khỏi âu lo, phấp phỏng khi tự hỏi đám con cái tuổi teen của họ sẽ học được gì, sẽ bắt chước cách sống của ai; mẫu người nào khi tối tối dán mắt nhìn lên màn ảnh nhỏ?

Liệu có cần nhắc lại không, truyền hình là báo hình, tức tính tân văn phải được đặt lên hàng đầu. Mà đã nói tới tính tân văn, chiếm vị trí số 1 trong mỗi chương trình phát sóng phải là thời sự và đứng sát sạt ngay sau đó là những phóng sự - tài liệu. Với chiếc camera gọn nhẹ, với phương tiện kỹ thuật số và truyền dẫn hiện đại, thiết tưởng không có thể loại báo chí, văn hóa nào có thể phản ảnh nhanh nhạy, tinh xảo, đầy sức thuyết phục và làm lan truyền kịp thời tới mọi vùng miền của đất nước như những thước phim thời sự, phim phóng sự - tài liệu. Hiện thực đời sống trong những năm tháng phức tạp, nhiều gian truân, thử thách này thì lại quá nhiều hiện tượng, nhiều sự việc cần đến sự tách bạch trắng đen, xấu tốt; lên án cái tiêu cực; biểu dương, nêu gương những nhân tố tích cực. Như vậy rõ ràng là yêu cầu giáo dục, tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng chưa hề làm “lão hóa” thứ vũ khí đầy quyền năng là thể loại phóng sự - tài liệu truyền hình. Yêu cầu định hướng trong công tác tư tưởng - văn hóa lại càng cần tới mũi nhọn xung kích cũng như tính chiến đấu của thể loại phim truyền hình này.

Nhận diện lại vị trí và công năng xã hội hết sức tích cực, lớn lao của thể loại phóng sự - tài liệu truyền hình; quan tâm chăm sóc và dành sự đầu tư tiền bạc, tài năng và công sức đích đáng cho thể loại này, là điều mà các cấp lãnh đạo ở địa phương, các đài PT-TH cần phải tiến hành ngay.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất