Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 23/5/2013 17:43'(GMT+7)

Nâng cao trình độ cho người nông dân trong thời kỳ mới

Các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII)

Các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII)

Nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc

Thực hiện chương trình làm việc của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 12 (khóa V), sáng 23-5, Hội Nông dân Việt Nam đã tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Báo cáo Dự thảo báo cáo tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, do đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lý, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Hội về Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) trình bày đã khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản liên quan, đã được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên hội nông dân về tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chọn các nội dung và giải pháp theo từng đối tượng, vùng miền, gắn kết với các hoạt động công tác của Hội và phong trào nhân dân; lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp hội, hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng và bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Các cấp hội đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết, hướng tới mục tiêu: xây dựng gia đình nông thôn văn hóa “ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ”, xây dựng thôn ấp, bản, làng văn hóa theo tiêu chuẩn gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đời sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư, tích cực học tập nâng cao hiểu biết chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của Hội, kiến thức khoa học kỹ thuật. Trong 15 năm qua, bình quân mỗi năm có 8.5 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Các cấp hội đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp để vận động hội viên nông dân hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các cuộc thi như: Nhà nông đua tài, liên hoan Tiếng hát đồng quê, Giải bóng chuyền “Bông lúa vàng”, giải vật “Cúp tạp chí nông thôn mới 14/10… Các hoạt động đã tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi, hiểu biết giữa các dân tộc, các vùng miền trong cả nước.

Công tác hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng nông dân, nông thôn đã được các cấp Hội đặc biệt coi trọng, đã có 541.187 vụ việc được các cấp hội và tổ nhóm nông dân hòa giải thành, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ được tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Hội Nông dân các địa phương đã xây dựng được 1.213 mô hình điểm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tuyên truyền và vận động hội viên nông dân hưởng ứng thực hiện thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình thương bình, liệt sỹ, người có công với các mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất cho hội viên nông dân được đẩy mạnh. Các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hội thảo và xây dựng các mô hình trình diễn, phát hành các tài liệu nông dân làm giàu và hội nhập… thường xuyên diễn ra. Các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin dưới hình thức Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông – điểm truy cập Internet, mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ khoa học công nghệ phục vụ kinh tế-xã hội nông thôn… được xây dựng. Các hội viên nông dân đã hăng hái tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông, khơi dậy phong trào thi đua, sáng tạo, khoa học kỹ thuật cải tiến công nghệ và công cụ sản xuất, nâng cao trình độ lao động nông dân.

Về vận động nông dân tham gia bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, các cấp hội đã huy động hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và hàng chục vạn ngày công, các vật tư, tư liệu để xây mới, nâng cấp các cơ sở văn  hóa, nhà truyền thống, điểm vui chơi, điểm sinh hoạt văn hóa…. Trên địa bàn nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Về phát triển hệ thống thông tin tuyên truyền của Hội, đã có nhiều ấn phẩm như báo Nông thôn ngày nay ra hàng ngày với các ấn phẩm Trang trại Việt, Thế giới và hội nhập, Làng cười, nguyệt san hàng tháng, báo Nông thôn ngày nay điện tử, Tạp chí Nông thôn mới, website Hội nông dân, bản tin Công tác Hội, bản tin về lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em, môi trường, xã hội, khoa học và nhà nông, tủ sách pháp luật… Trung ương hội đã ký chương trình phối hợp với báo Nhân dân, ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, triển khai thực hiện dự án Công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần của hội viên nông dân

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các đại biểu tham dự hội nghị cũng thẳng thắn thảo luận, nhìn nhận những hạn chế vẫn còn tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết, như việc triển khai, tổ chức thực hiện ở một số cấp hội chưa sâu rộng, sự phối hợp với các ngành từng thời điểm thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm điểm đánh giá, biểu dương khen thưởng, tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến cũng như việc bồi dưỡng công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, còn nặng về hình thức, chưa có tác dụng thiết thực với hội viên, nông dân. Một bộ phận nhỏ cán bộ, hội viên nông dân vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới do trình độ nhận thức hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận với phương tiện truyền thông, vì vậy dễ bị kẻ xấu kích động dẫn đến có những hành vi trái pháp luật. Hệ thống các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi giải trí, thể thao, các loại hình văn hóa đặc trưng của địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thảo luận tại Hội nghị, các tham luận tập trung thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Chủ tịch Hội ND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Phụng cho biết, các cấp Hội và hội viên nông dân thành phố đã cùng nhau xây dựng tuyến đường Hội Nông dân quản lý, tham gia các Hội chợ bán hàng, dạy nghề, truyền nghề cho nông dân, tổ chức cho nông dân  tham quan các mô hình nông nghiệp nước ngoài để phát triển nghề trồng hoa lan… Hội còn phối hợp xây dựng chương trình “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo”. Từ 2009 đến nay, chương trình đã trao tặng trên 2000 ti vi, trên 2000 căn nhà tình thương, hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế hoặc cho nông dân nghèo vay vốn không trả lãi. Mô hình “café khuyến nông” để nông dân tới trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kiến thức pháp luật đang trở lên rộng khắp. Ông Phụng cho rằng, Nghị quyết TƯ 5 đã có tác động tích cực trong xây dựng bản sắc văn hóa nông thôn, giúp Hội và hội viên nông dân thích ứng, sáng tạo trong con đường phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội.

Chủ tịch HND tỉnh Sơn La Hoàng Sơn cho biết các bản làng ở Sơn La hiện đều có nhà văn hóa cộng đồng, có cụm bưu điện xã, các đội bóng đá, bóng chuyền. Trong toàn tỉnh có 2233/hơn 3000 tổ bản thành lập đội văn nghệ, duy trì hoạt động thường xuyên. Đây chính là lực lượng nòng cốt truyền tải các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua ngôn ngữ bản địa, thông qua các hoạt động văn nghệ rất hiệu quả.

Trong 15 năm qua, nhiều tỉnh, thành Hội đã vận động nông dân tham gia xây dựng người nông dân văn minh thanh lịch như Hội ND Hà Nội; vận động hội viên, nông dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (Hội ND Lào Cai); Hội ND Ninh Bình là địa phương có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vì vậy Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc…

 Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Văn phòng TƯ  Đảng đã khẳng định Thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực triển khai Nghị quyết và có những kết quả hết sức thuyết phục. Nông dân và Hội Nông dân đã làm được rất nhiều việc trong bảo tồn phát triển văn hóa Việt như tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội; sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Ông cũng cho rằng, Hội cần chú trọng hướng dẫn nông dân trong việc góp phần giữ gìn văn hóa làng xã… Ông đề nghị, Báo cáo tổng kết của Hội cần bám sát tinh thần Nghị quyết, trong đó xác định rõ việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Sau khi thảo luận, các đại biểu đã nhất trí một số giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển văn hoá trong hệ thống Hội Nông dân. Đó là:

Một là, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng; khơi dậy tình cảm, đạo đức và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở khu vực nông thôn.

 Các cấp Hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là khâu “làm theo”. Các cấp Hội ở mỗi địa phương cần rà soát và xây dựng, điều chỉnh các chuẩn mực đạo đức, tiêu chí về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán và điều kiện cụ thể của địa phương.

 Hai là, tích cực, chủ động phối hợp với các ngành tổ chức triển khai thực hiện một cách sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhất là tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chínhquyền địa phương thực hiện có hiệu quả Kết luận 61 – KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673 – QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Động viên các cấp Hội Nông dân thực hiện tốt ba phong trào thi đua lớn của Hội: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phong trào Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh đề án xây dựng mẫu hình người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá để tổ chức thực hiện; gắn phát triển sự nghiệp văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và góp phần xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh.

Ba là, đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thật sự đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả hơn, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của hội viên nông dân và góp phần xây dựng người nông dân trong thời kỳ mới, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Chú trọng chất lượng trong việc bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, buôn văn hóa và cơ quan văn hóa hàng năm; qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đẩy mạnh công tác vận động cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tự giác thực hiện tốt quy ước, hương ước về nếp sống văn minh, văn hóa của các thôn, ấp, bản, làng và các quy định của pháp luật.

Bốn là, chủ động đề xuất các dự án, huy động các nguồn lực và sự tham gia đóng góp của hội viên nông dân để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn nông thôn, nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và hải đảo.

Năm là, hàng năm có sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các phong trào nông dân và chương trình mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa ở các vùng nông thôn.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiên tiến; nêu gương người tốt, việc tốt; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hộ gia đình văn hóa, tổ thôn, ấp, bản, làng văn hóa.

Ban Chấp hành TƯ Hội NDVN  đã trao tặng Bằng khen cho 13 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về ‘Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, giai đoạn 1998-2013.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất