Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 29/5/2013 9:43'(GMT+7)

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thanh Sơn đi vào chiều sâu

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được xem là nhiệm vụ tiên quyết. Trong những năm qua, các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã tập trung vào xây dựng con người trong xã hội hiện đại theo 5 đức tính được xác định tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, trước hết trong các cấp ủy Đảng, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, quần chúng nhân dân và trong từng gia đình; bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công nhân viên chức và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực từ lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tận tụy phục vụ nhân dân theo chức trách được giao. Năm 2009, toàn huyện có 24 tập thể và 27 cá nhân được biểu dương. Năm 2012 có 29 tập thể 35 cá nhân tiêu biểu được biểu dương khen thưởng trong phong trào thi đua gương người tốt việc tốt.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là xây dựng gia đình văn hoá, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đơn vị, cơ quan, trường học văn hoá… được triển khai rộng khắp đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc huyện Thanh Sơn. Năm 1998, toàn huyện có 85.864 gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hoá", tỷ lệ đạt 38,9%. Đến nay đã có 22.495/30.489 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 74%. Năm 1998, toàn huyện có 67 khu dân cư đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hoá", đến nay toàn huyện có 255/285 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 89,5%. Toàn huyện hiện có 5 xã đạt "Xã văn hoá cấp tỉnh", gồm xã Hương Cần, xã Cự Đồng, xã Tân Lập, xã Văn Miếu và xã Sơn Hùng; có 19 khu dân cư văn hoá đạt "Khu dân cư văn hoá cấp tỉnh"; có 96 cơ quan, đơn vị được công nhận là "Cơ quan văn hoá" các cấp. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tín ngưỡng được phát huy, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; các hủ tục dần được loại bỏ.

Sự nghiệp văn học - nghệ thuật phát triển góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới của huyện nhà. Nhằm nâng cao nhận thức, trình độ sáng tạo và thưởng thức văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Năm 2011, Hội Văn học nghệ thuật của huyện đã được thành lập, với 37 hội viên. Hội đã mở được 01 lớp đào tạo kỹ năng sáng tác văn học nghệ thuật cho hội viên, cử 02 hội viên tham gia trường viết văn Nguyễn Du. Tập san của Hội mỗi Quý xuất bản một kỳ. Nội dung phong phú gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, bút ký, thơ ca, tin thời sự trong huyện...nội dung và hình thức luôn giữ vững định hướng của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bằng hình thức sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, tập san của Hội văn học nghệ thuật huyện góp phần quan trọng vào việc giới thiệu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá vùng Đất Tổ.

Năm 2012, Hội đã sáng tác và giới thiệu 250 bài thơ, 01 tiểu thuyết, 28 truyện ngắn, 08 tuỳ bút, 08 bài giới thiệu phê bình văn học, 18 bài viết giới thiệu phong cảnh, tập quán sinh hoạt của nhân dân trong huyện, hàng chục bài hát, hàng chục bức ảnh và tranh có chất lượng... Nhiều đề tài hướng về lịch sử, cách mạng và công cuộc đổi mới, đề tài về miền núi và dân tộc thiểu số được chú ý. Nhiều tác phẩm đã thể hiện sự tìm tòi, khám phá, phản ánh những giá trị văn hoá và tinh thần của dân tộc, khẳng định những giá trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Công tác bảo tồn và phát huy, phát triển di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được đặc biệt coi trọng. Thực hiện Đề án của Tỉnh uỷ Phú Thọ bảo vệ tôn tạo di tích lịch sử và văn hoá đến năm 2010. Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng khôi phục, tu bổ, lập thủ tục đề nghị các cấp công nhận xếp hạng 08 Di tích lịch sử văn hoá, trong đó 01 Di tích lịch sử cấp Quốc gia (Đình Thạch Khoán), 07 Di tích cấp tỉnh. Ngoài công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, Ngành Văn hóa luôn chú trọng công tác phục dựng, bảo lưu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Những lễ hội truyền thống tiêu biểu ở các di tích lịch sử văn hoá, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: Đâm đuống, đánh trống đồng, diễn tấu cồng chiêng, múa mỡi, múa trống đu…, các trò chơi dân gian như: Đu trà, ném còn, kéo co, bắn nỏ của dân tộc Mường, Tết nhảy, lễ lập tĩnh của người Dao. Nhiều xã đã thành lập được đội văn nghệ, câu lạc bộ cồng chiêng, điển hình như xã Tất Thắng, Yên Lương, Tân Lập.

Song song với đó, công tác giáo dục và đào tạo của huyện đã đạt được những kết quả vượt bậc, vững chắc, toàn diện, góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tháng 9/2003, Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 1995, Huyện đạt Chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và năm 2002 đạt Chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến nay, 100% xã, thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, trong đó 03/23 xã đạt Chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II, tỷ lệ 13,1%. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đặc biệt là công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, đến nay toàn huyện có 31/75 trường đạt chuẩn Quốc gia. Lĩnh vực khoa học - công nghệ ngày càng giữ vị trí quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội...

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, dù xác định đây là Nghị quyết chuyên đề về văn hoá hết sức sâu sắc, cụ thể và có tính chiến lược toàn diện, nhưng việc triển khai và tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số phong trào đề ra còn thiếu tính thiết thực, chưa thật sự thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, một bộ phận nhân dân chưa thật sự cảm nhận được các hoạt động văn hoá là nhu cầu không thể thiếu trong mỗi con người. Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của huyện phát triển chưa xứng tầm với các lĩnh vực khác. Một số xã đã ra mắt xây dựng xã văn hoá trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận xã văn hoá. Các giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, bản sắc văn hoá các dân tộc dần bị phai nhạt.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo Đảng bộ huyện Thanh Sơn đã có chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng; lồng ghép thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chú trọng chất lượng trong việc bình xét gia đình, dòng họ văn hóa, tổ dân phố, làng văn hóa và cơ quan văn hóa hàng năm, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, dòng họ, làng, xã và từng cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt chức năng quản lí nhà nước về hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa; đề ra quy định chặt chẽ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đồng thời gắn phát triển sự nghiệp văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh./.

 Thúy LiễuHuyện ủy Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất