Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 26/5/2013 17:21'(GMT+7)

Hơi thở thời đại trên sân khấu tuồng, dân ca kịch

Cảnh trong vở diễn “Đêm sáng phương Nam” của Nhà hát tuồng Đào Tấn, Bình Định.

Cảnh trong vở diễn “Đêm sáng phương Nam” của Nhà hát tuồng Đào Tấn, Bình Định.

Tuy nhiên, vấn đề làm sao thu hút được đội ngũ nghệ sĩ kế cận, cũng như khán giả không quay lưng với nghệ thuật tuồng và dân ca kịch lại là trăn trở của những đoàn tham gia liên hoan, những người tổ chức.

Sân khấu truyền thống… không “ngại” đề tài hiện đại

Sự khác biệt rõ nét nhất được Ban tổ chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), Ban giám khảo và cả công chúng đánh giá khi Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2013 (diễn ra từ ngày 18 đến 26/5) so với những lần trước, là tính thời đại trong các vở diễn. Là đơn vị dự thi mở màn, ngay trong đêm khai mạc, vở dân ca kịch “Đường đua trong bóng tối” (tác giả Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể Nguyễn An Ninh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Với đề tài chính luận hiện đại, vở diễn đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay, đó là nạn “mua quan, bán chức”, tranh đua chức quyền. Một đề tài tưởng chừng rất khô khan, “nhạy cảm” nhưng được các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo, thể hiện khéo léo trên làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ sâu lắng, ngọt ngào, đi vào lòng người xem một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

NSƯT Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết, vở diễn xuất phát từ gợi ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh về việc hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Vở diễn phản ánh một cuộc đua tranh vào ghế thứ trưởng ở một bộ, thông qua hoạt động của những kẻ mua bán chức quyền, đồng thời lồng vào đó nhiều vấn đề thời sự được dư luận quan tâm.

Với tinh thần nói thẳng, nói thật, phản ánh những nhân tố tốt đẹp, lên án những cái xấu, tự phê bình những khuyết điểm,… 5 vở dân ca kịch đề tài hiện đại (trong 6 vở tham gia cuộc thi) đã đi đến tận cùng vấn đề mà không né tránh, sợ động chạm khi đề cập đến những mặt tiêu cực. Bên cạnh đó là tính phát hiện, ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân đạt được trong công cuộc đổi mới thông qua việc bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương IV, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Chính tinh thần ấy đã giúp các tác phẩm trở nên gần gũi, mang hơi thở đời sống, nổi bật trong đó còn có các vở dân ca kịch “Biển và bờ” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế với vở diễn “Mùa yêu đương”…

Về tuồng, có vở “Hai người mẹ” của Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa được dàn dựng mang đề tài chính luận-hiện đại. Đó là sự nỗ lực lớn của đoàn trong việc đưa hơi thở thời đại lên sân khấu tuồng truyền thống. 8 vở diễn còn lại là những câu chuyện lịch sử, chân dung lịch sử về nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Huệ hay Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Ở đó, người xem vẫn nhận thấy những sáng tạo mới, những tư tưởng, bài học trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của người xưa gửi tới thế hệ ngày nay.

Trăn trở với nghề

Làm thế nào để nghệ thuật tuồng và dân ca kịch vẫn giữ được bản sắc truyền thống, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện đại, đó chính là điều mà những nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu trăn trở. Thi xong rồi, vở diễn được vinh danh trở về có ra rạp, có bán được vé không…? Nghệ sĩ nhận thưởng vai diễn xuất sắc có tăng thêm thu nhập, hay vẫn là sự trở về với những “gánh” lo toan nặng trĩu?…

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) khoe, như năm trước (2012), nhà hát đi diễn được hơn 100 buổi, khá cao so với một đoàn nghệ thuật truyền thống. Nhưng số lượng buổi diễn nhiều lại không tỷ lệ thuận với công sức, thù lao của các nghệ sĩ. NSƯT Ngọc Đình trăn trở, dàn dựng mỗi vở được Nhà nước đầu tư 500 triệu đồng, như vở “Đêm sáng phương Nam” dự thi lần này, riêng tiền may một bộ áo giáp đặt ở Hà Nội mất 20 triệu, trung bình mỗi vở diễn lịch sử cần từ 15 đến 20 bộ áo giáp như thế, chưa kể đạo cụ, trang trí sân khấu, trang phục khác hay tiền thù lao tập luyện, biểu diễn. Có số buổi diễn cao, có sân khấu riêng (ở số 590 đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) nhưng các buổi bán được vé chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại thì đi biểu diễn miễn phí, hoặc đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nghệ sĩ Ngọc Đình cũng kể rằng, không ít lần ông chạnh lòng xót xa khi nhận những tờ đơn xin nghỉ diễn, nghỉ làm vì lương thấp, không đủ sống...

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn tâm sự, để sân khấu truyền thống sống được và phát triển trong giai đoạn hiện nay là bài toán đối với những nhà quản lý và làm nghề, trong khi chính vì không có khán giả, nhiều tác giả kịch bản không thiết tha viết cho sân khấu truyền thống, đạo diễn không dựng vở. Cái khó này níu cái vướng kia, dẫn nghệ thuật truyền thống đến tình trạng mờ nhạt dần trong đời sống văn hóa. Nhiều nhà hát đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ tài năng trẻ, sức thanh xuân, thiếu nghệ sĩ kế thừa,… nhiều bất cập trong quản lý và điều hành khiến nghệ sĩ không còn mặn mà. Đó là bức tranh chung của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật truyền thống trên cả nước hiện nay. Bên cạnh những thay đổi về quản lý, nhận thức về sân khấu sẽ triển khai trong thời gian tới, thì ở cuộc thi lần này, Ban tổ chức đã đưa ra những quy chế rõ ràng, không có chuyện thành phần dàn dựng vở diễn có mặt trong thành phần Ban tổ chức hay Ban giám khảo; ngăn chặn những hành vi tiêu cực về vận động hành lang hay chuyện “phong bì” thường diễn ra ở các cuộc liên hoan trước, đặc biệt là không chạy theo thành tích, phong trào. Việc nâng giá trị giải thưởng cho vở diễn đoạt Huy chương vàng là 30 triệu đồng, Huy chương bạc 20 triệu đồng, giải cá nhân lên tới 10 triệu đồng cũng là việc đổi mới ở cuộc thi này, nhằm tôn vinh vở diễn, khuyến khích nỗ lực sáng tạo cũng như đam mê với nghề của nghệ sĩ. 

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, từ tháng 12/2012, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã triển khai thực hiện đề án tổ chức các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật rút ngắn từ 5 năm, nay xuống còn 3 năm/lần. Đây là một bước phát triển mới của nghệ thuật biểu diễn, tạo cơ hội cho sân khấu có dịp sáng đèn; đồng thời phù hợp với quy định xét tặng giải thưởng NSND, NSƯT 3 năm xét tặng/ lần ./.

Ngọc Hà - Minh Đức (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất