Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 9/10/2013 16:0'(GMT+7)

Khai mạc Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ III

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Đại hội (Ảnh: Thu Hằng)

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Đại hội (Ảnh: Thu Hằng)

Ngày 9-10, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Đại hội Thi đua khuyến học và biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III.

Tới tham dự có các đồng chí: nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Hội Trung ương và các vị khách quốc tế.

Đại hội đã dành 1 phút để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Chủ tịch danh dự của Hội khuyến học Việt Nam.

Sau hơn 2 năm thành lập, năm 1999, Hội khuyến học Việt Nam mở đầu cuộc vận động thi đua xây dựng “gia đình hiếu học”. Năm 2004, Đại hội biểu dương gia đình hiếu học xuất sắc được tổ chức, đánh dấu thành công bước đầu của cuộc vận động. Do gia đình gắn liền với dòng họ nên sau Đại hội này, nội dung của cuộc vận động được bổ sung thêm yêu cầu xây dựng “dòng họ hiếu học”. Đại hội năm 2008 là Đại hội biểu dương các gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học xuất sắc. Sau đại hội năm 2008, cuộc vận động được bổ sung thêm yêu cầu xây dựng “cộng đồng hiếu học”, bao gồm 3 yếu tố: gia đình, dòng họ, cộng đồng gắn bó với nhau, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đây là một mô hình vừa độc đáo, vừa mang đậm truyền thống của dân tộc Việt Nam, biểu hiện xu thế của thời đại.

Ở tất cả 63 tỉnh thành, 100% huyện, quận, thị xã, gần 100% xã phường, thôn bản đều có tổ chức khuyến học. Tổng số hội viên của hội khuyến học đạt gần 11 triệu người (chiếm 12% dân số); xây dựng được mạng lưới là 10.900 trung tâm học tập cộng đồng. Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học đã góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài trở thành một  phong trào quần chúng sâu rộng, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, tạo điều kiện để mọi người người dân được học và học suốt đời.

Để tiến tới Đại hội toàn quốc hôm nay, tất cả các cấp Hội đều tiến hành Đại hội lần lượt từ cấp cơ sở (xã, phường) đến cấp huyện, quận, thị xã, tỉnh, thành phố. Ở mỗi cấp đều tuyên dương các đơn vị (gia đình, dòng họ, cộng đồng) xuất sắc, chọn những đơn vị xuất sắc tiêu biểu nhất cử đại diện dự Đại hội cấp trên.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Đại hội được đón 324 đại biểu là đại diện các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học xuất sắc tiêu biểu nhất của 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 174 đại biểu đại diện cho  5,5 triệu gia đình hiếu học; 68 đại biểu đại diện cho hơn 6 vạn dòng họ hiếu học; 82 đại biểu đại diện cho 20 vạn cộng đồng khuyến học trong toàn quốc.

Không chỉ biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng hiếu học,  Đại hội còn có nhiệm vụ sơ kết 15 năm cuộc vận động cũng như nhìn lại 17  năm xây dựng và phát triển hội.Từ đó, rút ra kinh nghiệm thiết thực, những bài học bổ ích đưa cuộc thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học nói riêng và phong trào khuyến học, khuyến tài nói chung sang một giai đoạn mới, phát triển mạnh cả về rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, thời kỳ chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thời kỳ đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đối với các mô hình triển khai, cần được xem xét và điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Tại Đại hội, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã ôn lại phong trào toàn dân hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Đồng chí cũng biểu dương những tấm gương sáng của Việt Nam trong phong trào học tập và góp phần xây dựng Tổ quốc. Đồng chí cũng nhấn mạnh Hội khuyến học cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào gia đình, dòng họ, cộng đồng hiếu học, làm thế nào để khoa học gắn liền với giáo dục, đưa tầm trí tuệ của Việt Nam lên một bước tiến mới, để dân tộc Việt Nam có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

 
 Giao lưu các gương sáng gia đình hiếu học tại Đại hội (Ảnh: Thu Hằng)

Sau Đại hội này, toàn thể cán bộ, hội viên khuyến học phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình xã hội học tập hiện thực trên các địa bàn dân cứ với những yêu cầu mới, tiêu chí mới. Mô hình xã hội học tập trong giai đoạn trước mắt phải đạt được 3 yêu cầu lớn như sau:

Thứ nhất, mọi người dân đều phải học tập tự nguyện, tự giác, học tập suốt đời để trở thành người công dân tốt, thông thạo một nghề, biết một số nghề, năng suất lao động cao, từ đó cải thiện đời sống cá nhân và gia đình, góp phần phát triển xã hội một cách bền vững.

Thứ hai, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng an ninh quốc phòng, lực lượng kinh tế, khoa học, các gia đình và cộng đồng dân cư phải chung tay xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng được tiếp cận với giáo dục, tạo cơ hội để ai cũng được bảo đảm công bằng xã hội về giáo dục và học tập suốt đời.

Thứ ba, hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy được xâyd ựng theo hướng liên két, gắn bó, hỗ trợ nha, giúp cho mọi lứa tuổi, mọi lao động với các chuyên môn khác nhau. Mọi dân tộc chung sống trong quốc gia Việt Nam, mọi đối tượng chính sách, mọi người dân thuộc nhóm yếu thế… đều được học tập, không ai phải đứng ngoài giáo dục và đào tạo.

17 giờ ngày 9/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ gặp mặt thân mật đại biểu tham dự Đại hội.

Nam Hải
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất