(TCTG)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp tục triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, sáng nay 12-7, tại thành phố Đà Lạt, một trong những địa điểm du lịch thơ mộng và hấp dẫn của đất nước ta, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”.
Dự hội thảo có các đại biểu Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo quản lý văn học, nghệ thuật ở Trung ương và một số địa phương; lãnh đạo các Hội chuyên ngành ở Trung ương và một số địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo.
|
Đồng chí Tô Huy Rứa phát biểu với Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nêu rõ mục đích hội thảo là nhằm đánh giá những thành tựu, các khuynh hướng, những hạn chế, thiếu sót trong nhận thức, phản ánh hiện thực đất nước hôm nay của văn học, nghệ thuật nước ta. Đồng thời đề xuất với Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ những chủ trương và các giải pháp lớn nhằm nâng cao vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật; xác định rõ trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, tiếp tục công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; đồng thời kiến nghị một số cơ chế, chính sách thích hợp, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước ta nhanh và bền vững. Đồng chí Phùng Hữu Phú nhiệt liệt hoan nghênh các nhà khoa học đã gửi tới Ban tổ chức gần 60 tham luận, hoan nghênh các cơ quan, địa phương đã nhiệt tình tham gia đóng góp vào thành công của Hội thảo.
|
Tiết mục văn nghệ chào mừng |
Thay mặt địa phương tham gia tổ chức Hội thảo, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng phát biểu chào mừng Hội thảo và các đại biểu về với TP Đà Lạt mến khách. GS.TS Đinh Xuân Dũng, thay mặt Ban tổ chức trình bày Báo cáo Đề dẫn, gợi ý 5 vấn đề, đề nghị Hội thảo quan tâm thảo luận đó là:
a. Tiếp tục lý giải mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và hiện thực trên cơ sở tư duy lý luận mới và thực tiễn văn học, nghệ thuật mới.
b. Lý giải các xu hướng vận động và biến đổi của hiện thực đất nước hôm nay với tư cách là đối tượng của nghệ thuật; chỉ ra những yếu tố tác động, những cái mới đang hình thành, những vấn đề đang đặt ra từ khi đất nước đổi mới đến nay, từ đó trao đổi về yêu cầu, các phương thức chiếm lĩnh bằng nghệ thuật hiện thực cuộc sống.
c. Từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật đương đại, đánh giá cái được và chưa được, những vấn đề đặt ra trong việc phản ánh, nhân thức và khám phá hiện thực đất nước hôm nay của văn học, nghệ thuật; lý giải các hiện tượng, kết quả mới, các khuynh hướng đang diễn ra trong đời sống sáng tác và lý luận, phê bình; đề xuất những yêu cầu, luận điểm, giải pháp về mặt lý luận.
d. Những yêu cầu và vấn đề đặt ra đối với văn học, nghệ thuật khi đi vào đề tài đấu tranh chống cái xấu, cái ác, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội hiện nay.
e. Dựa trên đặc trưng, đặc thù của từng loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật, suy nghĩ và gợi mở các hướng tiếp cận, các khả năng sáng tạo và cách tân về nội dung cũng như hình thức khi phản ánh, nhận thức, khám phá hiện thực đất nước hôm nay. Biểu dương những cái mới, cái tích cực, phê phán cái lỗi thời, cái tiêu cực trong sáng tác và trong lý luận, phê bình.
Phát biểu với các đại biểu dự Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã hoan nghênh và biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã nhiệt tình tham gia hội thảo. Đồng chí tán thành với 3 mục tiêu của Hội thảo: Một là, phân tích mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và hiện thực; lý giải đặc điểm, sự vận động và biến đổi của hiện thực đất nước hôm nay với tư cách là đối tượng của văn học, nghệ thuật đương đại. Hai là, đánh giá thành tựu, các khuynh hướng, những hạn chế, thiếu sót trong việc nhận thức, phản ánh, khám phá hiện thực đất nước hôm nay của văn học, nghệ thuật. Và Ba là, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao vai trò của văn học, nghệ thuât; trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới.
Đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá, ba mục tiêu đó đều rất quan trọng và không tách rời nhau. Việc trao đổi, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần khách quan, khoa học và sự trân trọng nhau của những người đồng nghiệp, chính là cơ sở để tin rằng, Hội thảo sẽ đi tới được những nhận thức chung thực sự có ích và cần thiết cho sự phát triển văn học, nghệ thuật, cho sự tham gia tích cực, chủ động của văn học, nghệ thuật và của văn nghệ sĩ vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH và cho sự phát triển của con người Việt Nam thời kỳ mới.
Để làm được những điều trên, có rất nhiều việc phải làm, cả văn nghệ sĩ, các Hội văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương và cả các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước.
Để góp sức cùng với văn nghệ sĩ nỗ lực vươn lên hoàn thành khát vọng cao quý của mình, làm người bạn đồng hành tin cậy của cuộc sống rộng lớn và của dân tộc đang đấu tranh vì cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ gắn bó hơn nữa với đời sống, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, năng lực và tài năng của mình, dồn tâm sức cho những tác phẩm có giá trị, phản ánh trung thực, sâu sắc cuộc sống và con người hôm nay của đất nước ta.
Hội thảo sẽ tiếp tục trong ngày 13-7.
PV