Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 28/11/2010 20:21'(GMT+7)

Khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV: Không ngừng đổi mới và phát triển

GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học KHXH&NV trao Bằng khen cho Khoa Báo chí và Truyền thông tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khoa (1990 - 2010)

GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học KHXH&NV trao Bằng khen cho Khoa Báo chí và Truyền thông tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khoa (1990 - 2010)

Khoa Báo chí, nay là Báo chí và Truyền thông (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập ngày 27/11/1990, trong thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu mới của xã hội.

Giáo sư Hà Minh Đức, năm nay tuổi đã ngoài 70, tóc đã bạc trắng, vẫn còn nhớ như in biết bao chuyện ngày đầu mới thành lập cách đây tròn 20 năm. Mắt đăm đăm nhìn xuống tập giáo trình đã nhuốm màu năm tháng, thày chậm rãi kể: “Hồi đó mọi thứ cái gì cũng thiếu. Đến nỗi cái máy chữ cũng chưa có, mãi sau này có một vị cán bộ ở Thông tấn xã Việt Nam đem tặng mới có mà sử dụng. Bàn ghế cũ kỹ, trang thiết bị khập khễnh. Khoa chỉ có 1 phòng làm việc dành cho cán bộ, 1 phòng sinh hoạt chung của khoa, 2 phòng học của 3 lớp học (2 chính quy và 1 mở rộng, mỗi lớp từ 50 – 70 sinh viên). Đội ngũ giảng viên, quản lý, cán bộ kỹ thuật lại càng thiếu hơn…”

7 cán bộ giảng viên trụ cột ban đầu: thày Hà Minh Đức, cô Đoàn Hương, cô Nguyễn Thị Minh Thái, các thày Đinh Hường, Dương Xuân Sơn, Nguyễn Thiện Giáp, Đỗ Quang Hưng và sau này có thày Vũ Quang Hào...; đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng nên một nền móng vững chắc, để khoa Báo chí phát triển không ngừng. Ngày đầu khó khăn là thế nhưng các thày cô, với khả năng sư phạm và tâm huyết với nghề, vừa dạy vừa mày mò nghiên cứu tư liệu, soạn giáo trình. Khoa dần lớn mạnh, đến nay, tuyển hàng trăm sinh viên mỗi năm với các hình thức đào tạo chính quy, văn bằng 2 và hệ tại chức.

Hoà cùng dòng chảy đổi mới, Khoa Báo chí và Truyền thông đã có những bước điều chỉnh hợp lý và hiệu qủa hơn. Nhà trường quyết định đổi tên khoa Báo chí thành Báo chí và Truyền thông để mở thêm ngành mới (Quan hệ công chúng- PR); Hoàn chỉnh cấp độ đào tạo từ cử nhân - thạc sĩ- tiến sĩ; chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, đổi mới, bổ sung khung chương trình đào tạo (tăng thêm nhiều môn học mới, tăng kỹ năng thực hành, giảm giờ học lý thuyết…); đa dạng hoá các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để khắc phục tình trạng dạy chay/học chay sang vừa học lý thuyết vừa thực hành, vừa có lý luận và kỹ năng thực hành để các em ra nghề nhanh và tốt hơn, cập nhật hơn với báo chí truyền thông hiện đại; mở rộng liên kết đào tạo quốc tế và hợp tác quốc tế (2+2) với Trung Quốc và Australia… PGS. TS Đinh Hường (người đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa từ năm 2000 đến nay) khẳng định: “Việc đổi mới này theo hướng hiện đại - khoa học- chuyên nghiệp và nhân văn, đáp ứng nhu cầu xã hội và của chính ngành”... 

Cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí

Là một trong 4 cơ sở đào tạo báo chí lớn của Việt Nam, Khoa Báo chí và Truyền thông đóng vài trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí truyền thông của đất nước. Đến nay, Khoa đã đào tạo được 7.400 nhà báo, 250 thạc sĩ, trong đó có rất nhiều nhà báo thành đạt và giữ vị trí chủ chốt ở các cơ quan báo chí, như các nhà báo: Thục Hạnh- Tổng Biên tập báo Phụ nữ, Bùi Thu Thuỷ- Phó Trưởng Ban VTV3, Lê Ngọc Quang BLV- VTV1. Riêng Đài TNVN có tới 30 cán bộ quản lý từ cấp phòng tới cấp vụ là cứu sinh viên của khoa như: Các chị Nguyễn Thuý Hoa, Phó TBT báo VOVNEWS và Đặng Thị Huệ, Phó giám đốc Hệ VOV4 cùng các anh: Đồng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Hệ VOV1, Nguyễn Vũ Duy- Phó giám đốc Trung tâm tin Đài Tiếng nói Việt Nam- phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư; Lê Huy Nam- Phó giám đốc Trung tâm tin Đài Tiếng nói Việt Nam- phóng viên chuyên trách Chủ tịch nước... Bên cạnh đó, còn có 50 cựu sinh viên đang công tác trong các cơ quan báo chí đoạt nhiều giải báo chí Quốc gia, Liên hoan Phát thanh, Truyền hình toàn quốc và các giải báo chí khác.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (Đài TNVN) cựu sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông

Nhiều sinh viên của Khoa, ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, đã cộng tác với nhiều cơ quan báo chí để có thể có cơ hội thực hành những điều đã được học. Vì thế, các bạn rất chững chạc, có thể cùng nhau đứng ra tổ chức các chương trình, sự kiện lớn và hoành tráng; thể hiện sự năng động đặc thù của nghề nghiệp mà họ theo đuổi. 

Khoa Báo chí & Truyền thông- Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội

Hiện đang đào tạo 1200 sinh viên đại học, sau đại học.

Địa điểm đào tạo: Hà Nội. TP. HCM, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Ninh.

Hợp tác Quốc tế: Được Quỹ Toyota Foundation, Sasakawa Foundation (Nhật Bản), Media Pro (Anh), Fulbright (Mỹ)… tài trợ nghiên cứu khoa học, đào tạo giảng viên và biên soạn giáo trình; liên kết đào tạo quốc tế (2+2) với Trung Quốc, Australia; các cơ sở đào tạo, các tập đoàn báo chí, hãng thông tấn các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nga, Mỹ, Anh …

Khen thưởng: 1 nhà giáo Nhân Dân, 2 Nhà giáo Ưu tú, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN.

20 năm qua, không chỉ đào tạo các nhà báo giỏi, Khoa Báo chí và Truyền thông còn đào tạo được các giảng viên lành nghề, không chỉ phát huy những tinh hoa được truyền lại từ các thày giáo đi trước, mà còn chủ động học hỏi từ kho tàng kiến thức vô tận của thời hội nhập. Đó là các giảng viên trẻ như cô Đặng Hương, cô Thanh Huyền, thày Nguyễn Sơn Minh, thày Đỗ Anh Đức... Hiện Khoa có 18 giảng viên, trong đó có 4 PGS, 6 TS, 2 NCS, 3 THs và 2CN và hàng chục nhà báo, nhà khoa học bên ngoài tham gia hợp tác đào tạo. Trong số này, có 4 PGS và 6 TS đã được đào tạo ở nước ngoài và một số giảng viên cũng đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đặc biệt, số lượng giảng viên không nhiều nhưng chất lượng đào tạo cao, chuyên sâu, bài bản và khá quy mô.

Cũng như các cơ quan báo chí khác, hàng năm, Đài TNVN đã tuyển dụng mới nhiều phóng viên, biên tập viên được đào tạo tại Khoa Báo chí & Truyền thông. Nhiều cựu sinh viên của Khoa hiện đảm trách vị trí quan trọng trong Đài TNVN như: giám đốc, phó giám đốc các hệ phát thanh; trưởng phòng, phó trưởng phòng; nhiều nhà báo giỏi, phóng viên giỏi đoạt giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó giám đốc Hệ Thời sự Chính trị (VOV1) nhận xét: Trong những năm gần đây, chất lượng sinh viên Khoa Báo chí và truyền thông ra trường đến nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và VOV1 ngày càng cao hơn. Các bạn trẻ đã được gắn giữa học lý thuyết và thực hành nên nắm bắt công việc nhanh hơn; nơi sử dụng cán bộ không mất nhiều thời gian đào tạo lại.

Còn nhiều thử thách…

GS. Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa đúc kết rằng: 20 năm trong một đời người là quãng thời gian đủ để người ta trưởng thành và có thể trở thành tài năng trẻ. 20 năm tới, Khoa sẽ có nhiều thay đổi để tiếp tục phù hợp với xu hướng hiện đại hoá.

20 năm qua, các giảng viên của Khoa Báo chí và Truyền thông đã làm được rất nhiều việc, trong đó việc quan trọng nhất là đào tạo ra nhà báo - những người góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Xã hội đổi mới, báo chí đổi mới và báo chí thúc đẩy cho xã hội đổi mới.

GS. Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khoa

Nền báo chí của đất nước hiện đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Khoa Báo chí và Truyền thông phải làm sao để đáp ứng được nhu cầu của thời đại ? TS Đinh Hường, Chủ nhiệm Khoa cho biết: “Chúng tôi đã và đang tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu có trình độ cao; Đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo; Mở ra ngành học mới trong lĩnh vực truyền thông đại chúng; Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết của báo chí truyền thông trong nước và trên thế giới; Liên kết đào tạo quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế; Đổi mới phương pháp dạy, tư duy đào tạo thiết thực, chất lượng, hiệu quả; Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị xứng tầm đào tạo chất lượng cao về nguồn nhân lực cho báo chí đất nước. Để làm được điều này, các giảng viên trong Khoa luôn luôn nỗ lực thay đổi, học hỏi nâng cao trình độ và kiến thức, để kịp bắt nhịp với cuộc sống…”

GS Hà Minh Đức: Báo chí đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của xã hội. Tôi thường nói với các em sinh viên: Nhà báo có khi cảm nhận, nắm bắt nhanh nhưng không thật kỹ và sâu sắc. Muốn trở thành nhà báo giỏi, phải có tri thức về văn hóa, xã hội, phải trau dồi ngoại ngữ. Muốn làm được điều đó phải học hỏi không ngừng. Nhà báo mà viết sai có tác hại rất lớn…

PGS- TS Đinh Hường: Thách thức hiện nay của Khoa là phải đào tạo chất lượng cao, nguồn nhân lực hấp dẫn. Mọi hoạt động đầu tư tiền bạc, chất xám cuối cùng chỉ để đạt được mục tiêu đào tạo ra chất lượng cao, toàn diện. Tôi nghĩ là nhà báo giỏi trước hết phải là người tốt và có phông văn hóa. Chất lượng đào tạo tốt sẽ giúp đóng góp cho xã hội của báo chí ngày càng lớn, năng động...

Thạc sĩ Nguyễn Sơn Minh: Tôi tập trung giảng dạy về Truyền thông Internet và phát thanh kỹ thuật số. Đây là những nội dung mới về báo chí và truyền thông trong bối cảnh hiện đại. Tôi và các đồng nghiệp vừa nghiên cứu, tiếp cận, vừa chuyển tải thông tin môn học đến sinh viên, vừa huy động khả năng chủ động, sáng tạo của họ trong việc tự nghiên cứu theo hướng dẫn.

Qua quá trình lên lớp, tôi nhận thấy sự thiên lệch ở một số sinh viên, do bị áp lực “cần phải làm được nhà báo ngay”, tức là phải tác nghiệp được ngay nên các em hướng nhiều đến các thao tác kỹ năng, mà quên rằng, muốn có được hành vi tác nghiệp nào đó thì người làm báo trước hết phải có một kiến thức nền tảng vững chắc, có tư duy và cách nhìn toàn diện.

Là giảng viên trẻ, điều tôi suy nghĩ nhiều nhất và luôn muốn truyền đạt đến sinh viên là, nghề nào cũng cần có sự đam mê, nhưng nghề báo cần phải có sự đam mê đặc biệt, vì niềm đam mê ấy có khi đòi hỏi cả sự hy sinh và niềm đam mê ấy dù rất cháy bỏng, nhưng phải luôn được giữ trong một thái độ điềm tĩnh, khoa học.


(Theo: VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất