Việc chính quyền chặn tiền của người nghèo, người yếm thế không phải là hiếm. Đã đến lúc cần có “thuốc đặc trị”căn bệnh này để tạo lòng tin cho nhân dân.
Có thể nói, việc ăn chặn trên diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều năm và luôn luôn bị dư luận phản đối mạnh mẽ, bởi nó đi ngược lại truyền thống, đạo lý của dân tộc ta.
Mở máy tính, vào trang Google tìm kiếm với từ khoá "ăn chặn tiền của người nghèo", nhấp chuột một cái, chỉ trong vòng 32 giây đã cho 215 kết quả. Còn nếu tìm kiếm với từ khóa "ăn chặn tiền" thì máy tính cho 77.600 chỉ trong 23 giây…
Những con số vô tình, nhưng chúng ta thì không thể vô cảm và hết sức đau lòng, vì thấy rằng những hiện tượng ăn chặn tiền của người nghèo đã là "chuyện thường ngày" ở nhiều nơi.
Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cho thấy: không chỉ ở Quảng Ngãi, mà ở Quảng Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bắc Ninh... và một số nơi khác, số tiền mà các hộ nghèo trong diện được Chính phủ hỗ trợ tiền ăn Tết đã bị chặn, hoặc chi sai. Có nơi chi đều cho tất cả mọi người trong xã, có nơi lại chi cho cả những nhà khá giả hoặc họ hàng, người quen biết của cán bộ xã, huyện.
Tất nhiên người chặn tiền, chi tiền sai phải là cán bộ xã. Họ bớt xén số tiền ăn Tết để bắt người dân đóng các khoản mà họ còn nợ như: đóng góp làm giao thông nông thôn, thuỷ lợi phí, xây nhà văn hoá thôn, ủng hộ quĩ tình thương và cả cho quĩ người nghèo...
Người dân khi nhận số tiền bị xà xẻo đi nhiều phần, chắc chắn niềm vui trong dịp Tết đến, Xuân về chẳng thể nào tròn đầy, nếu không nói là họ cảm thấy bức xúc, phẫn nộ.
Trong những năm gần đây, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến những đối tượng nghèo, những gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, Chính phủ có nhiều chính sách kịp thời, hợp lòng dân. Ông cha ta thường nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Số tiền cứu trợ, tiền ủng hộ những người mất nhà mất cửa trong thiên tai, bão lũ; những người có người thân không may bị qua đời trong những vụ tai nạn nghiêm trọng; những người nghèo mong có thêm những mâm cơm ấm cúng trong ngày Tết... dù chỉ một vài trăm nghìn đồng, nhưng đó là những đồng tiền thể hiện sự đùm bọc nhau trong lúc "tối lửa tắt đèn", là nghĩa đồng bào đáng quí và đáng trân trọng.
Đáng buồn thay, đã có nhiều vụ việc ăn chặn, xà xẻo tiền dành cho người nghèo, tiền ủng hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Điển hình như vụ cán bộ xã Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã xà xẻo hàng chục tỷ đồng ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng của lũ trận lũ quét tháng 9/2002 và đến 4-5 năm sau, nhiều gia đình vẫn chưa được nhận tiền ủng hộ.
Rồi có hiện tượng tiền ủng hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng bão lũ không thể giải ngân được và cứ "nằm chết" ở một chiếc két bạc nào đó. Hay chuyện hàng tấn gạo, mỳ và các loại lương thực thực phẩm khác cứu trợ cho đồng bào vùng bị bão lụt đã được phát hiện bị mốc xanh ở trong kho mà không hề đến được các hộ dân. Trong khi đó người dân phải tự vật lộn để vượt qua khó khăn, hoạn nạn…
Điều dễ khẳng định, người bị mắc "bệnh ăn chặn" chủ yếu là của cán bộ, những người có chức, có quyền ở địa phương. Trong lúc người dân gặp hoạn nạn, mong có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, của cán bộ, thì họ lại vô cảm, thờ ơ với nỗi đau, với sự mất mát, với những bức xúc của người dân, thậm chí còn xà xẻo, ăn chặn số tiền, quà mà người dân được hỗ trợ. Đó là sự vô trách nhiệm, là sự xuống cấp của phẩm chất, đạo đức của người cán bộ.
Hình như những người mắc "bệnh ăn chặn" này ngày càng gia tăng, với mức độ ngày nghiêm trọng. Đã đến lúc cần có loại thuốc đặc trị căn bệnh này. Dư luận cần lên án mạnh mẽ và pháp luật cần xử lý nghiêm minh những cán bộ mắc bệnh ấy.
Bên cạnh đó, chúng ta cần biểu dương những cán bộ chính quyền có trách nhiệm với công việc như ông Nguyễn Công Thường- Trưởng thôn Thủ Thừa, xã An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã trả lại số tiền cấp cho 7 đối tượng không phải là hộ nghèo. Việc làm của ông Nguyễn Công Thường không chỉ là thực hiện đúng chức trách với công việc, mà còn là nhằm thực hiện sự công bằng trong xã hội, đúng kỷ cương phép nước, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền, với chế độ./.
(Theo: VOV)