Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, hiện nay ở nhiều Bộ, ngành ngoài Thanh tra Bộ, còn có lực lượng Thanh tra của tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ. Dự thảo Luật bổ sung các quy định về việc thành lập các cơ quan thanh tra trong các tổng cục, cục... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành và phòng chống các vi phạm pháp luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, theo Dự thảo, Thanh tra Chính phủ có quyền yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; trưng tập cán bộ, thanh tra viên thuộc Tranh tra Bộ, Thanh tra tỉnh hoặc yêu cầu cơ quan có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia đoàn thanh tra.
Thanh tra Chính phủ có quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (các quyền này trước đây quy định chưa đầy đủ và chưa rõ).
Liên quan đến thời hạn xem xét, xử lý kết luận thanh tra, Dự thảo Luật xây dựng quy định: “Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét kết luận thanh tra và có trách nhiệm ra quyết định theo thẩm quyền; xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật theo thẩm quyền...". Bởi thực tế, có những bản kết luận thanh tra bị “ngâm” nhiều tháng mới được đưa ra xem xét, kết luận.
Dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền cho người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền xử lý, hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo các hình thức: xử phạt hành chính, xử lý các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức hoặc truy cứu tránh nhiệm hình sự đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan, tổ chức hữu quan: "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan công an, viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời việc xử lý kiến nghị đó; cơ quan, tổ chức hữu quan khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra để thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.”
Mời bạn đọc xem toàn văn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra và góp ý.
DT- theo Cổng TTĐT Chính phủ