Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", một lần nữa khẳng định lại đường lối, chủ trương đúng đắn này của Đảng, Nhà nước ta và đề ra các giải pháp thực hiện trong bối cảnh mới, trong đó có giải pháp thu hút và phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Trước khi có Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp theo đó Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg, ngày 6-6-2008, về việc tiếp tục tăng cường triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Các văn kiện trên đều khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, “Tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, về vốn, về khả năng tạo các mối quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài với nước ta là một lợi thế và một nguồn lực quan trọng cần phải phát huy để bổ sung và hỗ trợ cho sự phát triển đất nước”.
Về đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài
Tính đến nay, có khoảng 3,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 80% đang sống ở các nước công nghiệp phát triển - các trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... của thế giới, với hơn 300.000 người có trình độ đại học và trên đại học (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao) được đào tạo một cách bài bản ở những nước phát triển có nền giáo dục chất lượng cao, uy tín, có chuyên môn sâu trong nghiên cứu, đào tạo và có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến.
Nét chung của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài cũng không ngừng lớn mạnh. Nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị. Một số người giữ các vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, công ty kinh doanh và tổ chức quốc tế có tiếng trên thế giới v.v.. |
Đội ngũ các nhà khoa học trẻ gốc Việt đang trưởng thành và tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin - viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ na-nô, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán v.v.. Đây là một nguồn lực tiềm năng có thể đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo dựng quan hệ hợp tác với các cơ sở kinh tế, khoa học ở các nước.
Ước tính có tới 150.000 trí thức kiều bào tại Hoa Kỳ (riêng tại thung lũng Si-li-côn có khoảng 12.000 người Việt Nam đang làm việc và hơn 100 người làm việc cho Ngân hàng Thế giới...), 40.000 trí thức tại Pháp, 20.000 trí thức tại Ca-na-đa, 4.000 trí thức tại Đông Âu và Liên bang Nga, 7.000 trí thức tại Ô-xtrây-li-a... Trí thức kiều bào đã có nhiều đóng góp tích cực và vô cùng quý báu vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Những đóng góp của đội ngũ tríthức người Việt ở nước ngoài với đất nước
Xác định đây là một nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, vấn đề trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng trong việc hoạch định đường lối và chính sách cần thiết, bước đầu tạo thuận lợi cho kiều bào ta trở lại làm ăn, công tác tại Việt Nam, tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Những năm qua, đặc biệt từ năm 1986 sau khi Đảng, Nhà nước và nhân dân tiến hành đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, các kênh hoạt động nhằm thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển đất nước ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Qua thực tiễn công tác, các lĩnh vực hoạt động này bao gồm:
- Trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước;
- Tham gia hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng những đòi hỏi của đất nước;
- Tư vấn hoạch định chính sách phát triển đất nước, các ngành kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các giải pháp thực hiện;
- Làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước;
- Cung cấp thông tin cập nhật cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế;
- Tìm kiếm các nguồn đầu tư, hoặc tham gia đầu tư trực tiếp vào phát triển kinh tế, khoa học- công nghệ, giáo dục - đào tạo...
Theo các số liệu tổng hợp, phần lớn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam tham gia vào các lĩnh vực hoạt động này là từ những nước, những trung tâm kinh tế phát triển, như: Hoa Kỳ chiếm 30,31%, Pháp - 19%, Ô-xtrây-li-a - 12,23%, Ca-na-đa - 7,97% v.v..
Hằng năm, ước tính trung bình có khoảng 200 lượt chuyên gia, trí thức người Việt từ các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật, Ô-xtrây-li-a được mời về làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc các cơ sở sản xuất, trong đó có 55% lượt về làm việc với cơ quan quản lý, và 45% - với tổ chức khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo...
Trong những năm gần đây, cùng với những chuyển biến mới trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mối quan hệ của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước ngày càng tăng. Nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã hợp tác tích cực với các cơ quan trong nước dưới nhiều hình thức khác nhau như tham gia giảng dạy, tham gia đề tài nghiên cứu, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học; giới thiệu chuyên gia nước ngoài vào hợp tác với trong nước, mời chuyên gia trong nước dự các sinh hoạt khoa học quốc tế; xin học bổng đào tạo, nghiên cứu; quyên góp học bổng khuyến khích tài năng trẻ; kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh với áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; tham gia các chương trình hợp tác quốc tế của Việt Nam...
Một số lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu tổng hợp, giáo dục - đào tạo, tài chính - kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp... Đặc biệt, đã có hơn 200 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc cố định, thường xuyên trong các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo hoặc đóng góp tri thức cho sự phát triển của đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả những trí thức kiều bào vốn trước đây có những quan điểm, chính kiến khác nhau nay cũng dần dần thay đổi nếp nghĩ. Với họ, quê hương và dân tộc là thiêng liêng nhất. Điều tâm nguyện lớn nhất trong phần cuối đời của họ là được quay trở về Việt Nam để đóng góp những gì có thể cho quê hương.
Đa dạng các hình thức tập hợp trí thức người Việt ở nước ngoài
Sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đầu tư cao, cũng là nơi phát huy, thu hút được nhiều tiềm năng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức - công nghệ, cung cấp thông tin, làm cầu nối giữa các cá nhân, tổ chức khoa học trong nước với các trung tâm khoa học quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, đã thu hút một số lượng không nhỏ các chuyên gia trí thức kiều bào có uy tín, trình độ chuyên môn cao tham gia có hiệu quả.
Một số hội nghị tư vấn, khoa học chuyên đề được tổ chức thành công có sự đóng góp tích cực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong việc định hướng xây dựng chính sách và phát triển dài hạn, như: Hội nghị tư vấn chuyên đề về giáo dục đại học ở Việt Nam (thu hút hơn 100 giáo sư, tiến sĩ người Việt Nam ở nước ngoài); Hội nghị phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam tư vấn cho chương trình phát triển công nghệ sinh học đến năm 2010; Hội nghị “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) nước nhà” góp ý cho chính sách phát triển ICT quốc gia tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8-2005; Hội thảo trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý cho đề án trình Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2008 v.v..
Hoạt động giáo dục - đào tạo hiện đang là một trong những lĩnh vực nóng bỏng, được mọi tầng lớp xã hội, các cấp lãnh đạo chính quyền quan tâm sâu sắc. Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng nhiều giải pháp cấp thiết nhằm đầu tư, nâng cao chất lượng, đổi mới cơ sở hạ tầng giáo dục - đào tạo... trong đó có giải pháp thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào vào lĩnh vực này. Nhiều trí thức kiều bào đã có những đóng góp hiệu quả vào hoạt động giáo dục - đào tạo của Việt Nam, từ việc trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học quốc gia đến quyên góp để cấp học bổng cho các sinh viên có tài năng. Có những cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài lại xúc tiến tham gia đầu tư mở các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học tại các thành phố lớn nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước. Tháng 9-2005, một nhóm trí thức kiều bào đã xây dựng đề án về trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét với mong muốn tham gia đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực cao cho quê hương, mới đây nhóm này tiếp tục đề xuất lên Chính phủ đề án cải cách giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động của cá nhân, riêng lẻ trong nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác nhau theo các hình thức truyền thống, như chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp về làm việc theo lời mời hoặc theo chương trình hợp tác cụ thể có hiệu quả với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, khu công nghệ cao, các cơ sở kinh tế v.v.. thời gian qua đã nổi lên những hình thức hoạt động mới có tính tổ chức, tập hợp của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ngay từ năm 1998, một nhóm trí thức kiều bào tâm huyết, có trình độ cao, có uy tín trong giới khoa học, giáo dục - đào tạo, kinh tế trên thế giới đã tự hình thành, tập hợp nhau lại tổ chức các cuộc hội thảo mang tính trao đổi, tư vấn liên quan đến công cuộc phát triển của Việt Nam, với sự tham gia của một số chuyên gia, trí thức trong nước.
Hội thảo hè 2005 tại Đà Nẵng đưa ra vấn đề giáo dục là một chủ đề chính được thảo luận. Hội thảo hè năm 2008 tại Nha Trang đã thu hút được hơn 40 trí thức kiều bào tham dự với chủ đề “Trách nhiệm xã hội, ổn định và phát triển” cùng với 2 cuộc tọa đàm bàn tròn “Thực trạng kinh tế Việt Nam” và “Cải cách giáo dục”. Kết quả của Hội thảo là những bài tham luận đăng tải công khai trên mạng, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, những ý kiến đóng góp tâm huyết, có giá trị tham khảo cao đối với các vấn đề phát triển kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ v.v.. cho các cơ quan nghiên cứu, quản lý và điều hành đất nước.
Một hình thức tập hợp khác và mới của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là thành lập và đưa vào hoạt động những trung tâm, câu lạc bộ... ở trong hoặc ngoài nước, làm đầu mối tập hợp, thu hút lực lượng trí thức kiều bào ở tất cả các nước trên thế giới hướng về phục vụ quê hương. Tổ chức Vietnamese Strategic Ventures Network (VSVN) được thành lập năm 2002 tại Mỹ, quy tụ hơn 1.500 doanh nhân, trí thức mong muốn hợp tác với trong nước về giáo dục - đào tạo. Năm 2006, tổ chức này đã trao tặng 18.000 cuốn tài liệu khoa học - công nghệ cho các trường đại học của Việt Nam.
Tháng 8-2007, tổ chức này đã tiến hành hội thảo tại Mỹ về cơ hội đầu tư và phát triển giáo dục tại Việt Nam. Tháng 12-2005, Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều (OVS) Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được thành lập, thu hút được gần 200 trí thức kiều bào tham gia đăng ký hội viên. Một số chương trình hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được OVS xúc tiến cho nhiều viện, trường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo giới doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tập hợp nhau lại trong một tổ chức, tháng 10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất thành lập Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam với hội viên là người có quốc tịch Việt Nam và gốc Việt Nam, trong số này nhiều người vừa là doanh nhân, vừa là trí thức. Đây là một kênh tập hợp, liên kết các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với nhau kinh doanh ở nước ngoài, phối hợp đầu tư về nước để chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao trình độ lao động Việt Nam, cùng nhau tham gia thực hiện những công trình kinh tế có quy mô đầu tư lớn, tầm cỡ v.v..
Nỗ lực để quy tụ nhiều hơn nữa đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài
Phát huy và thu hút tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm không chỉ riêng của Đảng, của Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực của đất nước và yêu cầu cả hệ thống chính trị có trách nhiệm kết hợp việc xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp các hoạt động trong nước và ngoài nước, bằng nhiều loại hình và biện pháp khác nhau phù hợp với các đối tượng và địa bàn khác nhau.
Tiềm năng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn, đây là một nguồn lực quan trọng, một “kho báu lộ thiên” rất tiềm tàng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù trong thời gian qua, sự đóng góp của trí thức kiều bào cho quê hương đất nước đã thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn, nhưng vẫn chưa phát huy hết khả năng của nguồn lực này, còn có nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi lớn lao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua các bộ, ngành, đơn vị chức năng đã chủ động triển khai xây dựng một số cơ chế, chính sách chung nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho kiều bào về quê hương sinh sống, đầu tư, đóng góp cho đất nước như ban hành Luật Quốc tịch sửa đổi theo hướng cho phép người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác; thực hiện chế độ miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng quy chế cư trú của người Việt Nam ở nước ngoài; sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở; thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đối với người Việt Nam ở nước ngoài...
Các bộ, ngành khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đang xây dựng các đề án thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo tại các cơ sở đại học ở Việt Nam. Một số tỉnh, thành phố cũng đang đề xuất các chế độ, chính sách cụ thể phù hợp với tình hình địa phương đối với chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về công tác thường xuyên tại cơ sở, khu công nghiệp, khu công nghệ cao v.v..
Mặc dù đã có những bước đi tích cực, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều chính sách thu hút, tạo môi trường, điều kiện để trí thức kiều bào về đóng góp xây dựng đất nước. Vẫn còn nhiều cấp chính quyền chưa thực sự nhận thức đúng đắn và quan tâm đến việc thu hút và tạo điều kiện, mời chuyên gia, chưa xác định được nhu cầu hợp tác cụ thể. Phần lớn những nơi đã và đang thực hiện các chương trình hợp tác với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin về giảng dạy ngắn ngày, tổ chức trao đổi, tọa đàm v.v..
Các bộ, ngành, địa phương cũng chưa triển khai được những cơ chế cụ thể, thiết thực cũng như dành những khoản kinh phí thích đáng để thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách, các giải pháp đồng bộ từ vi mô đến vĩ mô, tăng cường nhận thức và phối hợp của các ngành, các cấp để tạo bước chuyển mạnh mẽ, tiếp thêm động lực cho kiều bào ta nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, hướng về đất nước, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương./.
Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài