Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 20/1/2009 21:35'(GMT+7)

Quá mức, quá chén

Ảnh chỉ có tính chất  minh hoạ

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

Cũng theo anh bạn nói thì từ nhậu là tiếng miền Nam còn bây giờ đã là từ chung của cả nước để chỉ việc ăn uống vui vẻ với bạn bè. Còn nhấp một chén nhỏ trước khi ăn cho ngon miệng hoặc nhấp một hai chén trong ngày lễ, ngày tết không ai gọi là nhậu. Anh bạn nói rằng, không mấy ai “nhậu lai rai” hết ngay dài đến đêm thâu, “nhậu ngoắc cần câu” say bí tỷ trong không khí vui vẻ và trang nghiêm của những ngày lễ, ngày tết.

Rượu vẫn thường uống. Nhậu vẫn thường thấy, nhưng trước ngày Tết Kỷ Sửu này, một cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc gia đã tiến hành điều tra đưa ra những con số thấy giật mình. Đó là trong một năm, dân ta đã tiêu thụ hết một tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu, chi phí hết 6 nghìn tỷ đồng, tương đương chi phí xây dựng một công trình điện. Còn nhớ những ngày đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có người phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, lo ngại việc sản xuất và nhập bia quá nhiều thì có vị đại biểu là giám đốc một hãng bia cho rằng, trên thế giới người ta tiêu thụ bình quân mỗi người mỗi năm 12 lít bia, cho nên ở ta còn lâu mới đạt tới mức độ đó, cho nên khi lấy bàn tính ra chia thì số bia của dân ta tiêu thụ đã bằng mức bình quân của thế giới, trong khi nền kinh tế của ta thì còn lâu mới bằng mức bình quân. Rồi cũng cơ quan điều tra đó nêu lên sự tăng trưởng bia rượu ở nước ta bình quân là 8 đến 10% hằng năm, nghĩa là cao hơn mức tăng thu nhập quốc dân sản xuất hàng năm vào lúc thịnh vượng của thời kỳ đổi mới. Ăn chơi thế thì sang thật!

Đọc bản điều tra đó, nhiều người cho rằng cũng chưa tính hết vì không ai có thể tính được những lò rượu thủ công mà ở nhiều nơi đều có, rồi còn rượu ngoại nhập lậu. Nhưng dù tính thế nào thì cũng là tính toán về kinh tế. Vì rượu bia còn liên quan tới tai nạn giao thông mà số người bị chết, bị thương trong một ngày nhiều hơn cả trong thời kỳ chiến tranh. Và cũng theo sự điều tra thì hơn 50% các vụ tai nạn giao thông do người tham gia phương tiện uống rượu bia quá mức.

Rồi rượu bia “uống vào lời ra” thách đố, kích bác nhau dẫn tới chuyện bé xé ra to, đánh lộn, thậm chí đâm chém nhau gây tử vong hoặc thương tích mà khi tỉnh táo không ai làm thế. Bia rượu cũng là một nguyên nhân quan trọng gây bạo lực, phá vỡ hạnh phúc gia đình, mà theo cơ quan điều tra thì hơn 40% là do ông chồng quá chén.

Các cơ quan y tế còn tính tới các bệnh gan, thần kinh và nhiều bệnh khác do uống nhiều rượu sinh ra…

Cũng có người nói tới tư cách của những người say rượu không kiểm soát nổi lời nói và hành động cho nên tỏ ý coi thường “không thèm chấp kẻ say”. Rồi không khí hò hét om sòm trong các quán ăn với tiếng hô “trăm phần trăm”, “dô! dô!” gây ồn ào khó chiu cho những người chung quanh...

Tôi không phải là người cực đoan, ghét rượu và nếu có quyền cũng không bao giờ cấm rượu. Vì cũng biết rằng, mỗi bữa cơm uống một chén rượu nhỏ, mỗi ngày uống một cốc bia thì cũng lưu thông khí huyết, có lợi cho sức khoẻ như các thầy thuốc đã có lời khuyên. Riêng tôi, khi có bữa ăn, ăn ngon hoặc gặp bạn bè tri kỷ cũng muốn “đưa cay” mấy ly, dốc bầu tâm sự. Nói đi nói lại cũng chỉ muốn tới sự chừng mực và ngăn cái bệnh “quá chén” mà thôi, nhất là trong những ngày Tết cho đầm ấm, vui vẻ, yên bình./.

 
Nhân Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất