Cái bắt tay ấm áp và nụ cười thật hiền, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Mitsuo Sakaba xua tan sự e ngại đối với những người có dịp tiếp xúc với ông. Không có sự xã giao, ông cởi mở chia sẻ những suy nghĩ của mình về đất nước và con người Việt Nam.
Tôi cảm thấy rất may mắn khi được đến làm việc ở Việt Nam. Ước muốn một ngày nào đó đến Việt Nam làm việc đã có từ lâu trong tôi. Gần 40 năm về trước, ngay từ khi còn là sinh viên đại học, tôi đã được nghe nhiều về tình hình và cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tin tức về chiến tranh ở Việt Nam luôn là những tin lớn nhất và nóng hổi nhất trên báo chí. Trong đầu tôi khi đó có nhiều câu hỏi về cuộc chiến này và đời sống người dân nơi đây.
Có một sự trùng lặp thú vị là: Tôi bước vào ngành ngoại giao, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình năm 1973. Đây là năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết và cũng là năm Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tôi vẫn nhớ rất rõ những dấu ấn lịch sử này. Là một nhà ngoại giao trẻ, tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam và đất nước Đông Nam Á này luôn là một mối quan tâm lớn trong tôi", Đại sứ Mitsuo Sakaba kể.
10 tháng thăm 43 tỉnh
"Tôi đến làm việc tại Việt Nam từ cuối tháng 2/2008. Công việc đầu tiên của một Đại sứ mới được bổ nhiệm chính là gặp gỡ mọi người và xây dựng các mối quan hệ. Từ đó đến nay, tôi đã liên tục tìm kiếm cơ hội gặp gỡ với các vị lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo Đảng của Việt Nam, đại biểu Quốc hội, các nhà kinh tế và văn hóa, các nhà nghiên cứu trong giới học thuật... Chỉ trong 7 tháng đầu, số danh thiếp tôi đã trao vượt quá 1.700 chiếc.
Để tìm hiểu về Việt Nam, tôi vẫn thường tìm sách báo của Nhật Bản có tựa đề “Việt Nam”, đọc lướt qua rất nhiều tư liệu, tác phẩm văn học. Đặc biệt là tôi đã nghiền ngẫm những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam, vì đấy vừa là sở thích, vừa là việc làm hữu ích cho công việc của tôi.
Thế nhưng, khi đọc những “tác phẩm viết trên giấy”, đột nhiên tôi lại nghĩ có lẽ tài liệu học tập tốt nhất là một “Việt Nam sống động”, nơi tôi đang sống, nơi đang hiện hữu ngay trước mắt tôi. Vì lẽ đó, việc đến thăm các địa phương được ưu tiên hàng đầu. 10 tháng làm việc ở Việt Nam, tôi đã có dịp đi dọc theo chiều dài mảnh đất hình chữ “S” này, đến thăm 43 tỉnh, thành phố, từ những tỉnh ở cực Bắc đất nước như Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn cho tới Kon Tum, Cần Thơ... Tôi có cảm tưởng rằng, chính nhờ những chuyến đi này, tôi đã cảm nhận được “hơi thở” cuộc sống của những người Việt Nam bình thường mà ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM mọi người khó có thể thấy được.
Một điều rất thú vị là Việt Nam có tới 54 dân tộc, với những nét văn hoá truyền thống rất cuốn hút và các dân tộc đều chung sống khá hoà bình. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn tới việc lưu giữ bản sắc văn hoá các dân tộc. Tôi đã có dịp gặp gỡ những người dân tộc Rơmăm ở Kon Tum, một trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam, với số dân chỉ vỏn vẹn khoảng 300 người trong tổng số gần 86 triệu người Việt Nam.
Cuộc sống ở Việt Nam thật trẻ trung, náo nhiệt. Tôi cảm thấy mình rất may mắn được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây cũng cần có những điều chỉnh nhất định. Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên tới Hà Nội, tôi đã phàn nàn rất nhiều về vấn đề giao thông, môi trường và ý thức về trật tự xã hội của người dân nơi đây. Giao thông ở Việt Nam dường như vẫn còn khá hỗn loạn, mỗi người lái xe một kiểu và hệ thống giao thông không thân thiện với người đi bộ. Sau mỗi tuần làm việc bận rộn, tôi có thói quen tự thưởng cho mình một chút thời gian đi dạo phố - nhìn ngắm mọi người và cảm nhận những nhịp đập của cuộc sống. Nhưng thói quen này thật khó duy trì ở Việt Nam, vì vỉa hè ở đây khá nhỏ và sang đường là cả một vấn đề với người đi bộ.
Không chỉ trong vấn đề giao thông, nói rộng ra, ý thức cộng đồng của người dân cũng như chế tài liên quan của pháp luật cần được nâng lên. Khi sống chung với nhiều người trong một nơi công cộng nhỏ bé, mọi người cần phải học cách tuân thủ các luật lệ, giữ gìn nơi công cộng, từ đó tất cả xã hội và mỗi người đều có cuộc sống thuận tiện hơn", ông nhận xét.
Lạc quan - “gene” của người Việt
"Điều tôi thích nhất ở người Việt là sự lạc quan. Người Việt Nam suy nghĩ rất tích cực về tương lai, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Một số khảo sát quốc tế trong những năm gần đây cho thấy, người Việt thường dẫn đầu thế giới về niềm tin vào tương lai.
Nhìn vào lịch sử hàng ngàn năm của người Việt, có thể thấy dân tộc Việt Nam đã liên tục bị đặt vào những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, với ý chí nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào tương lai, Việt Nam luôn khôi phục được nền độc lập của mình. Lạc quan có lẽ là một tố chất nằm trong “gene” của người Việt.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quan điểm cho rằng, việc đưa ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 là quá cao, quá lạc quan. Cá nhân tôi lại thích sự lạc quan này. Rõ ràng, đây là một mục tiêu khó thực hiện trong bối cảnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chịu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có quyền đưa ra một mục tiêu tham vọng hơn một chút và cố gắng nhiều nhất có thể để hiện thực hoá nó. Nếu mục tiêu của chúng ta là 5%, có lẽ mức thực hiện chỉ là 4%. Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu 6,5% để khi thực hiện, kết quả sẽ là 6% hay 5,5%?
Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào, nét tính cách này cũng phát huy tác dụng. Việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng hoá và các ngành công nghiệp là một trong những thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới. Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam để nói về điều đó, về sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng của nguồn nhân lực khi hàng hoá Việt Nam phải đối mặt với các cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế cũng như ngay tại sân nhà. Tuy nhiên, nhiều người Việt tỏ ra không mấy bận tâm và cho rằng: mọi sự đâu sẽ có đó. Ở điểm này, tôi cho rằng người Việt nên thực tế hơn và cần có sự chuẩn bị. Khả năng cạnh tranh quốc tế không tự nhiên có được nếu Việt Nam không sớm có giải pháp về việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, giải pháp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Đại sứ Mitsuo Sakaba chia sẻ.
2009 - năm giao lưu Nhật Bản và các nước sông MêKông
Năm 2008 đánh dấu sự kiện Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và việc hai nước ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA). Đây là hai sự kiện trọng đại trong quan hệ song phương giữa hai nước.
2009 sẽ là năm giao lưu Nhật Bản và các nước sông MêKông (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar). Nhiều chương trình văn hoá quy mô lớn, các cuộc trao đổi trong các giới nghị sĩ, giao lưu giữa các chính trị gia, giới thanh niên, giới truyền thông sẽ được tổ chức trong khuôn khổ năm giao lưu này. |
(Theo Đầu tư)