Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 1/2/2017 9:35'(GMT+7)

Không có giới hạn với tinh thần khởi nghiệp

PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM. Ảnh: http://vnuhcm.edu.vn

PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM. Ảnh: http://vnuhcm.edu.vn

Đó là chia sẻ của PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về sứ mệnh của trường đại học trong việc khuyến khích sinh viên khởi nghiệp.

Trong chuyến thăm gần đây đến ĐHQG Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “một trong những thước đo thành công của trường đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành công, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm”. ĐHQG TPHCM đã chủ trương tìm hiểu thông tin về lực lượng sinh viên ra trường theo tiêu chí này chưa?

Nghị quyết 35 của Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đưa các nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Phát biểu của Thủ tướng là nhằm cụ thể hóa chủ trương này, vì một khi chúng ta dùng tiêu chí số lượng cựu sinh viên và sinh viên khởi nghiệp thành công làm một trong những thước đo của chất lượng đại học thì các cơ sở giáo dục tất yếu sẽ thiết kế nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.   

ĐHQG TPHCM đã có chủ trương tiến hành thống kê lực lượng cựu sinh viên của trường là chủ các doanh nghiệp đang hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TPHCM (CEA) cũng sẽ kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm đưa tiêu chí số lượng cựu sinh viên và sinh viên khởi nghiệp thành công vào nội dung đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo.

ĐHQG TPHCM đã làm gì trong những năm qua để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ngay từ khi thanh niên còn trên ghế giảng đường?

Nhận thức tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và sự cần thiết phải ươm mầm những tài năng khởi nghiệp trong sinh viên, từ năm 2013, ĐHQG TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động xuyên suốt, từ xây dựng nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực cho đến tạo môi trường để sinh viên có thể trải nghiệm khởi nghiệp.

Cụ thể, từ năm 2013, chúng tôi đã định kỳ hàng năm tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo trẻ ĐHQG TPHCM. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu với các doanh nhân thành công, với nhiều diễn giả đến từ các đại học nước ngoài nhằm tạo cảm hứng, xây dựng nhận thức về khởi nghiệp trong sinh viên. Một số trường thành viên của ĐHQG TPHCM như Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học quốc tế đã hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp. Các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp của ĐHQG TPHCM như Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG TPHCM (ITP) hay Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (TBI) thuộc Trường Đại học Bách khoa đã mở rộng các hoạt động của mình ra cho sinh viên, giảng viên trẻ.

Riêng tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM, chúng tôi đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp từ hơn 10 năm nay. Từ năm 2015, ITP được UBND TPHCM giao nhiệm vụ đào tạo 500 doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT cho TPHCM. Còn năm 2016 vừa qua, chúng tôi đã hợp tác với Tập đoàn Hoa sen (HSG) thành lập Quỹ khởi nghiệp ĐHQG TPHCM với số vốn ban đầu 10 tỷ đồng do HSG tài trợ. Sắp đến chúng tôi sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp khác cho Quỹ này.

ĐHQG TPHCM có cơ chế khuyến khích nào đó để hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên từ sớm không?

Trong thời gian vừa qua, hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên tại ĐHQG TPHCM chủ yếu được thực hiện dưới hình thức các hoạt động ngoại khóa và trên tinh thần tự nguyện của sinh viên. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu thí điểm đưa nội dung đào tạo khởi nghiệp vào một số môn học hiện hữu trong chương trình đào tạo ở một số ngành mà khởi nghiệp không đòi hỏi nguồn lực quá lớn như CNTT-TT để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi trong ĐHQG TPHCM.

Tuy nhiên, ĐHQG TPHCM cũng đang rất cân nhắc việc nên hay không nên bắt buộc sinh viên phải học về khởi nghiệp. Tại các nước, các hoạt động khởi nghiệp thường là hoạt động ngoại khóa do trên thực tế chỉ có một lượng nhỏ sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp (thường là khoảng 5%). Phần lớn các trường đại học trên thế giới đưa môn học khởi nghiệp vào chính khóa dưới dạng môn học tự chọn, có tín chỉ hay không có tín chỉ.

Theo ông, đâu là những khó khăn lớn nhất để các trường ĐH vận động sinh viên khởi nghiệp?

Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần phải có “3 lực”: Động lực, năng lực và nguồn lực. Để có thể huy động được ba nguồn lực này, đòi hỏi sinh viên phải có cam kết rất lớn về thời gian và đây là khó khăn chính đối với sinh viên. Chương trình học chính khóa hiện khá nặng và đã lấy hết quỹ thời gian của các em. Để khởi nghiệp thành công, người ta phải ăn ngủ cùng với dự án khởi nghiệp của mình. Trên thực tế, có một số sinh viên cũng thu xếp được thời gian cho việc khởi nghiệp, đặc biệt là sinh viên các năm cuối. Việc hình thành các vườn ươm ngay trong trường đại học và tạo điều kiện để các em làm việc 24/7 là một giải pháp tháo gỡ khó khăn này.   

Đội ngũ giảng viên - những người có thể khởi động phong trào khởi nghiệp trong nhà trường - phải chăng cần là những tấm gương khởi nghiệp thành công?

Nhiệm vụ chính của giảng viên là giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, một phần nhỏ (khoảng 1%) các giảng viên có tư chất của một doanh nhân khởi nghiệp và do vậy chúng ta cần có những cơ chế cho phép và khuyến khích các giảng viên khởi nghiệp hoặc tham gia vào các dự án khởi nghiệp. Đương nhiên, những gương giảng viên khởi nghiệp thành công là nguồn động viên quan trọng có tác dụng thúc đẩy giảng viên, sinh viên khởi nghiệp. Những giảng viên khởi nghiệp thành công này chính là nguồn nhân lực giảng dạy hoặc là điều phối viên cho nội dung khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo. 

Có vẻ lâu nay, xã hội vẫn mặc định khởi nghiệp là phải làm kinh doanh, phải tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó, phải tạo ra công ăn việc làm… Dưới góc nhìn của nhà giáo dục, quan điểm này theo ông như vậy đã đầy đủ chưa?

Trong chuyến thăm ĐHQG TPHCM hồi tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh khởi nghiệp không chỉ là thiết lập một mô hình kinh doanh mà có thể khởi sự trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng hướng tới phục vụ cho cộng đồng, giải quyết những bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản.

Theo tôi, khởi nghiệp hiểu theo nghĩa rộng là “tạo ra giá trị mới” cho một đối tượng “khách hàng”cụ thể. Chiếu theo cách hiểu trên, ta có thể dễ dàng phân biệt được hoạt động nào là hoạt động khởi nghiệp và hoạt động nào không phải là hoạt động khởi nghiệp. Ví dụ, xây dựng một khóa học mới cho một đối tượng học viên cụ thể, tuyển sinh và tổ chức giảng dạy thành công là một hoạt động khởi nghiệp. Tìm ra một mô hình kinh doanh mới cho một đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ tự chủ theo nghị định 115 (nay là nghị định 54) có thể phát triển bền vững cũng là một hoạt động khởi nghiệp…

Đúng là khái niệm khởi nghiệp hiện đang được cả xã hội hiểu chỉ giới hạn cho “khởi sự doanh nghiệp”, tức tạo lập nên một doanh nghiệp có khả năng sinh lợi bền vững dựa trên việc tạo ra và phân phối giá trị mới đến khách hàng. Việc tìm ra giá trị mới cho một đối tượng khách hàng cụ thể thường là một việc không tầm thường và hàm chứa nhiều rủi ro.

Tôi nghĩ giáo dục phải hướng đến việc đào tạo ra những con người có tư duy và năng lực khởi nghiệp ở mọi vị trí trong xã hội chứ không chỉ riêng trong kinh doanh.

Nhân dịp năm mới, nếu có thể kỳ vọng điều gì đó cho phong trào thanh niên khởi nghiệp từ khi còn trên ghế giảng đường, ông sẽ nói gì?

Khởi nghiệp là cách mà các bạn đóng góp thiết thực nhất cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Hãy không ngừng học tập và rèn luyện để tạo dựng cho mình thái độ sống tích cực và năng lực sáng tạo ra các giá trị mới ở mọi vị trí trong xã hội. Được như thế, Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ tiến nhanh trong tương lai./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất