Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 25/10/2013 17:2'(GMT+7)

Văn hóa Quảng Nam - một góc nhìn

Một trong các sự kiện nổi bật tại Festival Di sản Quảng Nam là Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3

Một trong các sự kiện nổi bật tại Festival Di sản Quảng Nam là Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3

             

Nói đến Quảng Nam là nói đến vùng đất hội tụ và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau, mảnh đất có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nơi đã sản sinh ra nhiều thế hệ danh nhân; mảnh đất “Trung dũng kiên cường” giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Nói đến văn hóa Quảng Nam là nói đến những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu và độc đáo với 55 di tích cấp quốc gia và 282 di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất là 2 Di sản văn hoá thế giới là khu Phố cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn; ngoài ra, có thể kể đến hệ thống tháp Chăm, Kinh đô cổ Trà Kiệu,... Bên cạnh đó, Quảng Nam có nhiều di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 120 lễ hội dân gian tiêu biểu và nhiều di sản phi vật thể khác có giá trị, như: về âm nhạc có Tuồng, hát bài chòi, hò bả trạo; nghệ thuật ẩm thực; những tri thức dân gian; làng nghề truyền thống...

Miền núi Quảng Nam, địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số như Cơ-tu, Cor (Koh), Gié-Triêng, Xê-đăng… nét đặc trưng trong văn hóa tộc người Cơ tu như Gươl, cồng chiêng, nói lý, hát lý… đến các nghi lễ, tập quán, nghệ thuật diễn xướng của đồng bào Cor, Cadong, Xêđăng... những giá trị văn hoá đặc sắc (phong tục, tập quán, lễ hội...) tạo ra một bức tranh sinh động, đa sắc về văn hóa phi vật thể đang hiện hữu trong đời sống của nhân dân các vùng, miền làm cho văn hóa Quảng Nam thêm phong phú và đa dạng.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ( khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tôc”. cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương trong tỉnh (các di tích, lễ hội, nghề và làng nghề thủ công,..) được bảo tồn và phục hồi. Sự phục hồi của các giá trị văn hóa truyền thống không những khẳng định những khía cạnh đặc sắc của văn hóa Quảng Nam, mà còn cho thấy những giá trị ấy được cộng đồng coi trọng và gìn giữ. Sự phục hồi của những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa xã hội, mà còn là nhân tố tích cực (những chuẩn mực về đạo đức, thẩm mỹ) góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng môi trường xã hội ở địa phương lành mạnh.

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hoá nhanh; tư tưởng sùng ngoại. sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức lối sống, nếp sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sự biến tướng của các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, sự đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ văn hoá: băng đĩa, internet, … đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Bên cạnh các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khá sôi động, nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi; các hủ tục còn tồn tại khá nhiều, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Nhiều cơ sở in, quảng cáo, nhà hàng karaoke mở tràn lan, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, hoạt động biến tướng, trá hình, có nhiều biểu hiện tiêu cực. Một số sản phẩm văn hoá, văn học nghệ thuật chất lượng kém được phát hành, truyền bá; không ít sản phẩm không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài xâm nhập vào đời sống xã hội, làm xói mòn đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục, làm mai một, biến dạng văn hoá truyền thống, những vấn đề trên đặt ra những thách thức trong việc xây dựng những phẩm chất con người mới, xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh.

Để góp phần bảo tồn và phát triển kho tàng văn hóa Quảng Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, củng cố nhận thức từ trong Đảng đến ngoài xã hội về sức mạnh nội sinh của văn hoá, mỗi đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa bằng hành động cụ thể hàng ngày, phải có cách nhìn đúng đắn, nhạy bén về các vấn đề của thời đại; kiên quyết khắc phục cho được những tập tục lạc hậu. Trên cơ sở đó, nêu cao ý thức sưu tầm, lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương trong đời sống xã hội. Làm cho tình yêu quê hương, đất nước quyện chặt làm một, trở thành máu thịt, trở thành văn hoá nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người và mảnh đất Quảng Nam.

Hai là: Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...; triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình Việt Nam góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người Xứ Quảng nhằm nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng, giàu chất nhân văn, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử văn hóa của mảnh đất và con người Xứ Quảng trong công cuộc đổi mới quê hương; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật về mảnh đất và con người Quảng Nam với các vùng miền trên cả nước và thế giới. Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các vùng miền, bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Ba là: Chú trọng phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới.

Bốn là: tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò tích cực trong vận động, đoàn kết, tập hợp của Mặt trận, các đoàn thể trong xây dựng và phát triển văn hóa. Trong đó xác định cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện NQTW 4 về “Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”...vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp để xây dựng con người văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo, sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, khôi phục các loại hình văn hóa văn nghệ, làng nghề tuyền thống ở các làng xã, khối phố; xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng sôi nổi trong các thôn, cụm dân cư nhằm nâng cao sự hưởng thụ văn hóa, động viên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.

Năm là: tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa. Trên cơ sở chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, từng cấp, từng ngành có liên quan xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện trên từng lĩnh vực về văn hóa. UBND tỉnh thực hiện đảm bảo ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đảm bảo cho văn hóa phát triển.

Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Tranh thủ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu về văn hóa của Trung ương. Tích cực trong huy động nguồn vốn xã hội hóa nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, tu bổ tôn tạo các di tích, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, các hội thi, liên hoan, triển lãm, xuất bản... Các địa phương trong xây dựng quy hoạch phải đảm bảo quỹ đất và phân bổ quỹ đất hợp lý cho các công trình văn hóa của địa phương định hướng đến năm 2020.

Sáu là: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2015 và năm 2020. Quan tâm cán bộ văn hóa ở xã, phường, thị trấn có chế độ đảm bảo và định hướng công tác ổn định.

 Bảy là: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội. Triển khai các Luật, chính sách về văn hóa của trên ban hành, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động văn hóa, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách về các thành phần kinh tế tư nhân tham gia các hoạt động dịch vụ văn hóa.

Thực hiện tốt những giải pháp trên, không những chúng ta tiếp tục Bảo tồn và phát triển kho tàng văn hóa Quảng Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH –HĐH mà còn góp phần thắp sáng ngọn đuốc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Lê Thị Mai
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất