Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 13/9/2013 11:26'(GMT+7)

Kịch bản sân khấu: Khoảng trống sau Lưu Quang Vũ

Sự xuất hiện của kịch Lưu Quang Vũ đã tạo nên một cơn chấn động trong đời sống sân khấu đương thời (Ảnh: NHTT)

Sự xuất hiện của kịch Lưu Quang Vũ đã tạo nên một cơn chấn động trong đời sống sân khấu đương thời (Ảnh: NHTT)

Câu nói của người nghệ sỹ gắn bó cả đời với nghệ thuật sân khấu khiến người nghe không khỏi chạnh lòng.

Thực tế sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả,  cùng khóc-cười và lắng lòng ngẫm ngợi với những vở diễn đã ra đời từ cách đây hơn ba thập kỷ nhưng lại hờ hững với chính những kịch bản mới ra đời cho thấy những sáng tác thực sự có sức hút để lôi kéo được khán giả đến rạp vẫn là " bài toán" chưa thể giải của sân khấu kịch bấy lâu nay.

Cơn chấn động…

“Sự xuất hiện 50 vở kịch của Lưu Quang Vũ đã tạo nên một cơn chấn động trong đời sống sân khấu Việt Nam" ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định.

"Những tác phẩm được viết và công diễn từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay, vẫn luôn sống trong tâm trí của các nghệ sỹ biểu diễn, trong hành trang của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật và trong tâm thức những khán giả yêu mến loại hình nghệ thuật này," ông Chương nói thêm.

“Chấn động” bởi những sáng tác ấy đã đề cập đến hàng loạt vấn đề mang tính thời sự trong đời sống xã hội như sự xuống cấp của bộ máy chính quyền và đi cùng với nó là những bất công xã hội…

Sâu xa hơn, những sáng tác của Lưu Quang Vũ đã động chạm được vào cái khát vọng cao đẹp nhất trong mỗi con người: Khát vọng được sống tốt hơn, sống đẹp hơn và được là chính mình. Cùng với đó, tính dự báo là một trong những nhân tố quan trọng giúp những sáng tác của nhà viết kịch này trụ vững cùng thời gian.

“Kịch của Lưu Quang Vũ phơi bày được muôn hình vạn trạng  của cuộc sống, nhưng đọng lại sau cuối vẫn là niềm tin vào những giá trị người nhất, thể hiện được tính triết lý, giá trị nhân văn sâu sắc,” nghệ sỹ nhân dân Lan Hương bày tỏ.

Theo nữ đạo diễn này, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những ví dụ tiêu biểu cho điều này. “Thông điệp gửi gắm trong 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' mang tính chất vĩnh viễn, đời đời. Ở bất cứ giai đoạn nào, thời kỳ nào, những câu chuyện tương tự cũng hoàn toàn có thể nảy sinh trong đời sống con người,” nghệ sỹ nhân dân Lan Hương phân tích.

Là người từng dàn dựng thành công hàng loạt kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ, nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành chia sẻ: “Lưu Quang Vũ thành công và tạo dựng được ‘thương hiệu,’ vị trí riêng trong lòng công chúng bởi anh biết khán giả cần gì và họ muốn xem gì? Anh tránh được lối mòn của việc ‘Biết rồi, khổ lắm, nói mãi’ mà nhiều nhà biên kịch khác vướng phải.”

Chính bởi vậy, sau hơn ba thập kỷ, kịch Lưu Quang Vũ vẫn kéo được khán giả đến rạp và vẫn khiến người xem phải thổn thức, khóc-cười cùng nhân vật và những câu chuyện trong đó.

… và khoảng trống phía sau!

“Những gì đang diễn ra khiến chúng ta tự hào về một người nghệ sỹ tài năng nhưng cũng là bài học đắt giá cho thế hệ những nhà viết kịch hiện nay,” nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông, hiện nay, sân khấu đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác. “Trước sự bùng nổ của thông tin và các loại hình giải trí này, sân khấu nếu không rút ra được những bài học mà cứ chạy sau những sự kiện kiểu ‘ăn xổi,’ đặt hàng mà không có tính dự báo thì khán giả sẽ sẽ thốt lên: ‘Khổ lắm… Biết rồi… Diễn mãi...” và thực tế hiện nay đang là như vậy.”

Trước khi Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra, từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013, các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội đã dàn dựng lại một số sáng tác của ông như “Nhà ôsin," "Lời thề thứ 9" (Nhà hát Tuổi trẻ);  “Ông không phải bố tôi” (Nhà hát Kịch Hà Nội)...

“Tại thời điểm đó, mỗi đêm diễn thu hút được hàng trăm khán giả tới rạp. Đây thực sự là một điều đáng mừng trong bối cảnh sân khấu phía Bắc luôn trong trạng trái ‘ngủ đông,’ khán giả rất đìu hiu-có những đêm diễn chỉ có vài chục người xem; thậm chí, được phát vé mời, họ cũng không mặn mà,” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo nhà hát này, chúng ta đã có độ lùi thời gian 25 năm để cùng nhìn nhận lại những đóng góp của Lưu Quang Vũ. Những vấn đề mà anh đặt ra trong các tác phẩm của mình như nhân tính, lòng trung thực, tình người… không bao giờ cũ; và đây là những điều khán giả vẫn luôn cần.

“Nói vậy không có nghĩa là các tác giả cứ viết về những vấn đề, đề tài giống Lưu Quang Vũ thì sẽ thành công. Vấn đề quan trọng là người cầm bút phải biết lựa chọn vấn đề và phải hiểu khán giả của họ đang thực sự quan tâm tới cái gì. Thực tế, hiện nay, nhiều tác giả kịch bản hiện nay vẫn cứ loay hoay với câu hỏi này,” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng bày tỏ.

“Đành rằng, con người cũng cần những phút nghỉ ngơi, thư giãn với hài kịch, kịch ma… Nhưng chính kịch mới thực sự giữ vai trò quan trọng trong việc phản biện xã hội” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng cho hay.

Người nghệ sỹ gạo cội của làng sân khấu phía Bắc này cho hay, thời gian gần đây, những vở diễn gần đây khiến khán giả hứng thú vẫn là kịch bản của nước ngoài; phần lớn kịch bản trong nước vẫn đi theo lối mòn quen thuộc (đề tài tình cảm sướt mướt hay những chuyện giáo điều khô cứng về đạo đức...) và chưa tạo được sự bứt phá. Đây vẫn là một khoảng trống cần lấp đầy của sân khấu kịch Việt Nam hiện nay./.

P. Mai (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất