Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp thực hiện có tính đột phá, quyết tâm cao, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của KTNN ngày một được nâng lên về chất lượng. Trình độ chuyên môn, tác phong, đạo đức, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ được nâng cao. Đến nay, toàn ngành KTNN có 5 giáo sư, phó giáo sư, 65 tiến sỹ, 893 thạc sỹ, nhiều người có chứng chỉ kiểm toán quốc tế, ACCA, ACCF… 100% công chức, viên chức có 1 bằng đại học, có nhiều người có 2 bằng đại học trở lên, 174 cán bộ tốt nghiệp thạc sỹ ở nước ngoài. Cơ cấu cán bộ hợp lý, lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản; khoảng 1.200 người tuổi đời dưới 32 tuổi, chiếm 50% lực lượng lao động trong toàn ngành.
Nhờ chăm lo công tác cán bộ, lựa chọn, tiếp nhận cán bộ có tài năng, đức độ, thông qua công tác thi tuyển công chức công khai, nên KTNN đã chọn được cán bộ giỏi, cán bộ trẻ cho ngành.
Ngành KTNN đã có những bước đổi mới công tác cán bộ, từ bố trí, đề bạt, tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại, luân chuyển cán bộ, khuyến khích, khen thưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ. Nhờ đó, đã tạo được dấu ấn quan trọng trong triển khai nhiệm vụ ngành, việc đổi mới mạnh mẽ về phương pháp kiểm toán, quản lý hoạt động kiểm toán, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; mở rộng, tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán đất đai, dự án khoáng sản, môi trường và CNTT thu được nhiều kết quả tốt.
Năng lực cán bộ chính là giải pháp quan trọng để ngành KTNN gặt hái được nhiều thành công trong những năm qua; xứng đáng là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực công và phòng, chống tham nhũng.
|
Tuy nhiên, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ ở KTNN còn một số bất cập, hạn chế, như: công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược chưa kịp thời; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác bố trí, sử dụng cán bộ còn bất cập; tâm lý chọn việc, chọn chỗ, sợ đi vùng sâu, vùng xa vẫn còn.
Nhìn chung, hiện nay có 3 vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của đảng bộ KTNN đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc KTNN như sau:
VỀ TIÊU CHUẨN CÁN BỘ
Thứ nhất, người lãnh đạo phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin, nhất quán; có tầm nhìn xa và tính quyết đoán mạnh mẽ; giữ vững quan điểm, lập trường, bản lĩnh kể cả bản lĩnh từ chối, nói “không” với tiêu cực.
Người lãnh đạo phải tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân vào việc khó, vượt qua thử thách thực hiện mục tiêu đã đề ra. Luôn vững vàng, không dao động trước khó khăn, tác động từ bên ngoài, nói đi đôi với làm, từ đó mới tạo được lòng tin và chỗ dựa tinh thần cho cấp dưới. Người lãnh đạo phải là tấm gương, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thấu hiểu cấp dưới, đoàn kết, tạo niềm tin, động lực cho cấp dưới; giữ được tín nhiệm vững bền, sự kính trọng, tin yêu của mọi người.
Thứ hai, người lãnh đạo phải hội tụ đủ năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn, năng lực quản lý. Năng lực của người lãnh đạo phải bao gồm cả năng lực dự báo, dự đoán tương lai; năng lực phát hiện, tìm tòi, sáng tạo cái mới, biết khái quát những việc nhỏ hàng ngày để giải quyết vấn đề chung. Năng lực lãnh đạo còn thể hiện qua việc xây dựng chương trình công tác, nghị quyết, quyết định thông qua chiến lược, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; có cách làm việc khoa học, chủ động, dân chủ, phân cấp, phân quyền rõ ràng. Người lãnh đạo phải tạo được môi trường làm việc thân thiện, tốt đẹp, hăng hái trong cống hiến, sáng tạo cho cấp dưới và lan tỏa ra xã hội; cùng tập thể lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, khi người đứng đầu đi vắng thì bộ máy vẫn hoạt động bình thường.
Người lãnh đạo phải có năng lực phát hiện người giỏi, bố trí hợp lý vào những việc quan trọng để thử thách, theo dõi, bồi dưỡng, đề bạt tạo nguồn cán bộ lâu dài. Năng lực người lãnh đạo không chỉ ở tầm nhìn xa mà phải có tính quyết đoán mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách, giao tiếp rộng mở nhưng chặt chẽ, chọn lọc, nắm chắc thông tin phục vụ lãnh đạo điều hành; lấy hiệu quả công việc là thước đo đánh giá người lãnh đạo.
Thứ ba, người lãnh đạo phải có tấm lòng nhân hậu, thấu hiểu và thương yêu cấp dưới, có khát vọng cống hiến, phẩm chất trong sáng, kỹ năng lãnh đạo tốt và tác phong gương mẫu. Chính những tố chất này làm nên “uy quyền mềm” của người lãnh đạo. Họ không những thể hiện vai trò là thủ trưởng do Đảng, Nhà nước giao mà còn thể hiện vai trò thủ lĩnh cho chính cấp dưới của mình. Người lãnh đạo phải gương mẫu vì gương mẫu chính là mệnh lệnh không lời; đồng thời, cần có thái độ chân thành, thấu hiểu, chia sẻ và thương yêu cấp dưới, xử sự công bằng để tạo ra niềm tin và sự kính trọng của cấp dưới đối với mình; có phong cách làm việc dân chủ nhưng quyết đoán, sâu sát thực tiễn, gần gũi với quần chúng. Trong giải quyết công việc vừa linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, kiên quyết, lấy mục tiêu hiệu quả công việc làm trọng. Người lãnh đạo trong đơn vị phải biến khát vọng của mình thành động lực phấn đấu của tập thể, vừa làm tốt công việc của mình được phân công, nhưng cũng phải đào tạo người thay thế mình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao, không chạy việc, chọn chỗ, chọn Đoàn kiểm toán…
Đối với ngành KTNN, người lãnh đạo ngoài đạo đức, có năng lực chuyên môn cao, có năng lực quản lý điều hành tốt, cần luôn luôn thể hiện rõ sự đổi mới, bản lĩnh vững vàng mới dẫn dắt đơn vị vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Do đó, việc phát hiện đánh giá, đào tạo, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ các đơn vị là hết sức quan trọng và cấp thiết. Đây chính là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi toàn diện ở các đơn vị. Những biểu hiện ba hoa, quan liêu, tham nhũng, vô cảm, yếu kém về năng lực, cá nhân chủ nghĩa đều không phù hợp với chuẩn mực người lãnh đạo trong mọi thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn hiện nay.
VỀ CƠ CẤU CÁN BỘ
Để đạt được cơ cấu, đồng thời đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong bố trí cán bộ, cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Chủ động phát hiện, lựa chọn đưa vào quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ. Việc rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, khẳng định bản lĩnh, uy tín và phẩm chất qua thực tế công việc.
Để phát hiện được cán bộ có triển vọng, bên cạnh vai trò cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ, còn phải phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị; thông qua đó tìm được người có phẩm chất, năng lực tốt, triển vọng, được ghi nhận, tín nhiệm của đông đảo cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cán bộ công tác ở môi trường khó khăn, môi trường phù hợp chuyên môn, giao việc khó, việc phức tạp để rèn luyện trưởng thành.
Quá trình bố trí cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch không để các mối quan hệ chi phối đến công tác bố trí, đề bạt cán bộ; đồng thời có quy chế quy định trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ không tốt vi phạm pháp luật để đảm bảo chọn lọc chính xác khi giới thiệu.
VỀ VIỆC BỐ TRÍ, SỬ DỤNG, ĐỀ BẠT VÀ CHÍNH SÁCH CÁN BỘ
Bố trí cán bộ (có thể được hiểu là điều động, phân công, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm) là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Bố trí cán bộ trước hết đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ của ngành, của đơn vị nhằm tăng sức mạnh, hiệu quả công tác của đơn vị; đồng thời nhằm bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phân công và thực hiện tốt phòng chống tham nhũng theo quy định Đảng, nhà nước.
Trong những nhiệm kỳ qua, Đảng bộ KTNN đã thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ chính trị về công tác cán bộ, đặc biệt là việc bố trí cán bộ chủ trì tại các đơn vị và công tác luân chuyển cán bộ. Đảng bộ KTNN đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/BCS, ngày 6/7/2016, về điều động, luân chuyển cán bộ và thực hiện quyết liệt; đồng thời, kịp thời bố trí cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực về các đơn vị để rèn luyện, cọ xát với thực tiễn.
Trong thời gian tới, việc bố trí cán bộ và chính sách cán bộ của KTNN sẽ tập trung vào các vấn đề sau:
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả bố trí cán bộ; đặc biệt là lựa chọn cán bộ có phẩm chất, bản lĩnh tốt, năng lực giỏi để giới thiệu vào cấp ủy. Thực hiện việc giao một cán bộ vừa là lãnh đạo cấp ủy vừa là lãnh đạo đơn vị để thống nhất sự lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng đơn vị.
Kịp thời phát hiện và bố trí lại cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì ở những nơi nội bộ mất đoàn kết, thống nhất cộng sự không cao, phong trào trì trệ, hiệu quả công tác thấp. Tăng cường cán bộ trẻ, có năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm về công tác tại các đơn vị, đặc biệt ở các đơn vị vùng xa, vùng khó khăn để rèn luyện.
Sử dụng hợp lý và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ có quá trình công tác và cống hiến Quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử cấp ủy, đề bạt các chức danh lãnh đạo đơn vị cần phải chủ động rà soát, tính toán bố trí hợp lý cán bộ nhằm tăng cường sức mạnh cho ngành, cho đơn vị; đồng thời cần có chính sách hợp lý, phù hợp với số cán bộ không đủ tuổi tái cử.
Khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, thông lệ quốc tế vào hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Từ thực tiễn công tác cán bộ ở KTNN cho thấy, cần tiếp tục đổi mới, có bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa nhằm phát triển ngành KTNN thành cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại; là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực công và phòng, chống tham nhũng./.
TS. Hồ Đức Phớc
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước