Bài viết này xin nêu hai vấn đề:
I. Cần có cách đọc mới chủ nghĩa Mác-Lênin (trong đó có mỹ học, lý luận văn nghệ)
Trong triết lý phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác-Lênin là thế giới quan khoa học, là vũ khí của người lao động đứng lên giành quyền sống. Học thuyết này ra đời ở Tây Âu, mà châu Âu hay phương Tây chưa phải là tất cả nhân loại. Vì vậy việc nằm vững chân lý phổ biến đòi hỏi sự sáng tạo trong điều kiện của dân tộc mình là một nguyên tắc. Hồ Chí Minh viết: “lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới mẻ rút ra từ thực tiễn sinh động... phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác-Lênin cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng nước, từng nơi”(1). Các nhà lý luận nước ta đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin phần lớn là đúng đắn có sáng tạo, nhưng do nhiều lẽ, không tránh khỏi nhận thức sai lệch, bóp méo, thậm chí xuyên tạc. Do động cơ vụ lợi hoặc duy ý chí, một số nhà sáng tác, nhà quản lý đã biến những câu chữ thành những khái niệm xơ cứng, máy móc, kết quả là tự trói buộc mình và trói buộc đời sống sáng tạo.
Trước hết hãy nói đến những luận điểm vẫn có giá trị trường tồn của mỹ học mácxít. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc trong văn hoá có quan hệ mật thiết với tính nhân loại phổ biến, khẳng định bản chất của văn hoá là “năng lực bản chất người", tính nhân loại của văn hoá. Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848) Mác và Ăngghen viết: “... những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành di sản chung của tất cả các dân tộc. Tính đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không tồn tại được nữa và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học toàn thế giới”(2). Đoạn văn trên có ý nghĩa thời sự cho đến hôm nay, khi nước ta bước vào hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá được coi là một luật của kinh tế và văn hoá.
Lâu nay chúng ta thường trích dẫn luận điểm của Mác trong Luận cương về Phơbách cho rằng, "bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội", rồi phê phán sự thiếu hụt của Người khi nói đến bản chất con người. Thật ra Mác đã sớm nói đến "tính dục là sức mạnh bản chất của con người". Trong Bản thảo kinh tế - triết học (1844) Người viết: "Quan hệ nam nữ là quan hệ trực tiếp, tự nhiên và tất yếu giữa người với người. Trong quan hệ tự nhiên này, mối quan hệ giữa người với người bao hàm quan hệ giữa người và tự nhiên, tức là sự quy định tự nhiên đối với bản thân nó". Như vậy Mác đã khẳng định, con người vừa là sinh vật xã hội và là sinh vật tự nhiên. Hiểu đúng luận điểm này giúp chúng ta có cơ sở để nhận thức con người trên bốn bình diện: tinh thần - đạo đức; triết học - lịch sử (thuyền thống văn hoá, quá khứ, hiện tại, tương lai); tâm linh - siêu hình; triết học sinh thái.
Trong lịch sử phát triển văn hoá nhân loại có một định đề xuyên suốt các thời đại đó là sự quan hệ khăng khít giữa triết học, nghệ thuật, và tôn giáo. Ở các tác phẩm lớn của các bậc thầy văn hoá, các nghệ sĩ lớn, chúng ta tìm thấy nhiều hiện tượng chứng minh cho mối quan hệ của “trục tam giác” này. Ở đây chỉ xin nêu nên hiểu đúng tôn giáo qua nhận thức của Mác, Ăngghen, Lênin. Sau khi phê phán những hạn chế của L.Phơbách (1804-1872) khi ông hoà tan bản chất tôn giáo và bản chất con người, Mác nói nhiều đến bản chất và chức năng xã hội của tôn giáo, coi "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân...". Để hiểu câu nói này nên tìm hiểu bối cảnh lịch sử nước Đức thời đó, khi nền quân chủ chuyên chế là lực lượng bảo thủ mà trong đó Giáo hội Thiên chúa La Mã đóng vai trò tiêu biểu. Khi nói đến "sự nghèo nàn của tôn giáo, một mặt là sự biểu hiện sự nghèo nàn của hiện thực, mặt khác là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn của hiện thực; Mác đã coi tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức... tôn giáo là bông hoa giả để điểm trang cho xiềng xích". Còn Ph.Ăngghen trong Chống Đuyrinh thì coi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh cái hư ảo vào đầu óc con người... chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế mang hình thức sức mạnh siêu trần thế. Với V.I. Lênin, "Tôn giáo là liều thuốc ru ngủ nhân dân". Trong bối cảnh giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô thì vấn đề tôn giáo chưa phải là hàng đầu, mà hàng đầu phải là chính trị và kinh tế. Chuyện có thiên đường - địa ngục, thần thánh là vấn đề của thần học, của triết học; nhưng với tư cách và chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước quan tâm tới tôn giáo pháp luật và chính trị. Như vậy vấn đề tôn giáo luôn luôn gắn liền với quan điểm lịch sử cụ thể của từng giai cấp, từng dân tộc, tính quốc tế của tôn giáo và tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay. Người kế thừa V.I. Lênin bàn về tôn giáo là M. Gorki. Ông có những kiến giải hợp lý khi cho rằng, trên thực tế, trí tuệ không có ở Thượng đế, mà ở con người... Giả sử rằng Thượng đế là biểu tượng của mọi người thì không có lý gì để chống Thượng đế. Đằng này Thượng đế chỉ là cái thiện cho những kẻ củng cố quyền lực. "Thượng đế chỉ là sự bịa đặt và bịa đặt rất vụng, nhằm củng cố quyền lực của con người đối với con người và chỉ cần cho người chủ, còn đối với người lao động thì Thượng đế là kẻ thù ra mặt".
Tính đảng là khái niệm xuất hiện khá sớm kể từ khi có chủ nghĩa Mác. Ph. Ăngghen nói đến tính khuynh hướng trong văn nghệ, coi ông tổ của bi kịch Etsin, ông tổ hài kịch Arixtôphan là những nhà thơ có tính khuynh hướng, Đăngtơ và Xécvăngtex cũng thế. Ưu điểm của âm mưu và tình yêu (Sinle) là vở kịch có khuynh hướng chính trị đầu tiên ở Đức v.v... V.I Lênin phát triển nguyên tắc tính đảng trong văn học nghệ thuật trong điều kiện đấu tranh giai cấp quyết liệt. Tính đảng đi liền với phe đảng nên mới có tính đảng vô sản và tính đảng tư sản. Tác phẩm: Tổ chức của Đảng và văn học có tính đảng ra đời năm 1905 đòi hỏi “sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch, thống nhất của Đảng dân chủ xã hội". Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với sự nghiệp văn học, nhưng tránh "sự cào bằng máy móc, sự san bằng của số đông thống trị số ít... tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung".
Như vậy, tính đảng là phạm trù mỹ học được coi là một phẩm chất nghệ thuật là động cơ, nội lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, đã nhiều thập kỷ qua, được Đảng ta vận dụng. Tuy nhiên trong quá trình nhận thức không thể không có những suy nghĩ thiếu hụt: Một là đồng nhất tính đảng với ý thức hệ, từ đó cách hiểu thế giới quan của nghệ sĩ chỉ bó hẹp trong yếu tố chính trị mà không tính đến các yếu tố triết học, mỹ học, tôn giáo, niềm tin, thị hiếu, tâm lý, cá tính của nghệ sĩ, dẫn đến sự gò bó, sự chật hẹp trong việc đánh giá tác giả, tác phẩm, nhất là ở các nghệ sĩ có thế giới quan phức tạp. Về thuật ngữ văn học Đảng (partinaia lifératura) nếu chỉ hiểu là văn học thì không đúng với văn bản, mà là văn kiện, một nghĩa rộng hơn trong tiếng Nga, bởi trong công trình của mình, Lênin không chỉ nói đến nhà văn, mà còn là các nhà triết học, ký giả, nhà chính luận, và rộng nữa là bối cảnh đấu tranh tư tưởng và tinh thần giữa các đảng phái tư sản và đảng xã hội - dân chủ Nga.
Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng thuật ngữ tính đảng trong diễn văn khai mạc lớp lý luận khoá I Nguyễn Ái Quốc (1957) trong bài Đạo đức cách mạng (1958), Đảng tính trong bài Xem Viện bảo tàng cách mạng (1959); còn trước đó, Bác dùng tính đoàn thể.... Tất cả các thuật ngữ này đều gắn liền với công tác tu dưỡng đạo đức của cán bộ nói chung, chưa thấy dấu hiệu gì liên quan tới phạm trù mỹ học. Nhiều thập kỷ gần đây, trên các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước cũng thấy ít dùng các thuật ngữ tính đảng. Nếu không hiểu đúng ngọn nguồn lịch sử, bối cảnh lịch sử cụ thể để sử dụng thuật ngữ tính đảng của từng nước, sợ rằng, một phạm trù mỹ học biến thành một thuật ngữ cưỡng chế như có thời kỳ ở nước ta, có người dù vô tình hay hữu ý coi tính đảng là đảng trị. Trong tình hình hiện nay việc sử dụng phạm trù tính đảng còn là vấn đề mở và tự nguyện.
Trở lên, chúng tôi có nói đến sự bóp méo câu chữ do cách hiểu hoặc do công việc dịch thuật mà nhiều định đề của chủ nghĩa Mác-Lênin bị nhận thức chưa đầy đủ. Ví dụ: Lâu nay, trong một số giáo trình chúng ta thường rao giảng quá ư giản lược công thức của Lênin: Chủ nghĩa xã hội = chính quyền xô viết + điện khí hoá. Thật ra, trong bản đề cương cho bài Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết, sau khi nói đến một nền sản xuất lớn cơ khí, một mạng lưới đường sắt, bưu điện viễn thông tương đối phát triển, một trình độ văn hoá, trình độ học vấn cần thiết, nâng cao năng suất lao động và phân phối sản phẩm xã hội, Người nêu định đề: "Dùng cả hai tay mà hứng lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ, ngành giáo dục quốc dân Mỹ v.v... và v.v... E = chủ nghĩa xã hội”(3). Điều đó thấy rõ trong thời kỳ tân kinh tế, Lênin đặt câu hỏi chúng ta thiếu cái gì? Trình độ văn hoá!!! Trình độ học vấn cần thiết và tài năng!
II. Phát huy những giá trị mỹ học và lý luận văn nghệ dân tộc
Nền mỹ học dân tộc ta có đủ những phạm trù cơ bản: Cái đẹp, cái bi, cái hài, cái hùng, cái cao cả, cái thấp hèn v.v... nhưng khi đi vào văn chương, nghệ thuật, nếu so với các dân tộc khác thì chúng có cái vừa tương đồng, vừa dị biệt, có mặt định thái vừa có mặt biến thái, vừa tĩnh vừa động. Khảo sát kỹ điều vừa nói, chúng tôi thấy có ba phạm trù nổi trội. Đó là cái hùng (chứ không phải cái thượng võ, cái hiếu chiến); cái bi dừng lại ở mực thước, cái cao cả (hay cái tuyệt vời) thể hiện tính hoà hiếu ở bản chất. Chúng được chuyển hoá, biểu hoá cho phù hợp với cốt cách, bản lĩnh, phong thái người Việt Nam. Nam Quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Phú Bạch Đằng (Trương Hán Siêu), Phò giá về kinh (Trần Quang Khải), Qua sông Bạch Đằng (Phạm Sứ Mạnh), thơ văn Nguyễn Trãi, chiếu, biểu, hịch của Quang Trung v.v... không mang chất thượng võ, hiếu chiến, răn đe. Những khẩu hiệu "sát thát" hay "gươm núi Sóc, cọc Bạch Đằng" chỉ là chuyện tình thế. Cái hùng mang âm hưởng lòng yêu nước, ý thức tự cường của người anh hùng có kích thước cao rộng, đầu óc mưu lược đã đánh bại kẻ thù. Cái bi mang tính bi hùng. Môtíp "giết nghịch tử” (trong tuồng Tam nữ đồ Vương), môtíp "sát thân" trong Ngoại tổ dâng đầu của Viên Hoà Ngạn để cứu hoàng tử, môtíp "bất tử" của Chương Linh Tá bị giặc chém đầu vẫn tự lắp đầu lại và hoá thành ngọn đuốc soi đường cho Đổng Kim Lân đưa ấu chúa vượt đèo về Sơn Hậu v.v... là những biểu tượng mẫu mực về thi pháp miêu tả cái bi. Đó là những cái chết vì nghĩa lớn, phản ánh triết lý nhân sinh dân gian: "Chết là thể phách, hồn là Tinh anh". Ngay cả môtíp "hoá đá" trong nhiều truyện nôm khuyết danh như Hòn Vọng phu, truyện Trầu Cau cũng là những biểu hiện cái bi "bất tử" trong cách xử lý nghệ thuật.
Bản chất hoà hiếu khu trú có hệ thống trong thơ văn Nguyễn Trãi. Trong phú Núi Chí Linh chúng ta đọc: Giữ hoà hiếu cho hai nước / Tắt muôn đời chiến tranh / Chỉ cần vẹn đất cốt sao an ninh. Với Bình Ngô đại cáo thì tư tưởng chủ đạo là sách lược "Lấy yếu chống mạnh", "lấy ít địch nhiều”, dùng chính sách tâm công để thắng địch, lấy đại nghĩa, trí nhân mà thắng hung tàn, cường bạo. Và mục tiêu cao nhất khi kẻ địch muốn "thực sự cầu hoà", khi ta cần "cho dân được nghỉ" là để mở "nền thái bình bền vững", "bốn biển lặng yên".
Cái cao cả trong nhiều tác phẩm của Quang Trung là cử chỉ ngoại giao song phương, hai bên đều có lợi, chứ không phải bên cầu xin, bên ban ơn. Mục tiêu cao nhất của hoà hiếu là giữ vững lãnh thổ, quốc thái dân an. Chiếu lên ngôi, Biểu đòi lại bảng châu xứ Hưng Hoá thể hiện tinh thần đó. Lời lẽ nhã nhặn, lịch thiệp nhưng nội dung thì không nhân nhượng, khi cõi Nam Bang được phân chia nhận làm phên dậu, bốn phía có ranh giới đã ghi trong sách quý.
Vốn giàu có trong kho tàng di sản cổ điển là lợi thế của lý luận văn nghệ đương đại. Đó là “tài sản vô giá gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để tạo ra những giá trị mới"(4), nhưng do cha ông ta không quen làm lý luận văn học, nghệ thuật học, không hay lập thuyết để lại cho đời sau; lại nữa, do sự huỷ hoại của thiên nhiên, sức tàn phá của những cơn binh lửa, nên di sản lý luận quá ít, ít đến bâng khuâng! Những gì còn lại chúng ta có thể kể đến một số giá trị như phương pháp hiện thực tả ý, phép biện chứng của thuyết âm dương ứng dụng vào nghệ thuật, những tố chất nhân văn, tân kỳ trong tản văn, truyện lịch sử, ký sự, những quan niệm về văn chương giúp đời của Ngô Thì Nhậm (1747-1803); về mối quan hệ giữa đạo và đời và coi việc giáo hoá là trước nhất của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), về lời khuyên "đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm trường" của Phan Huy Vịnh (1800-1870), về lời giáo huấn của nhà bác học Lê Quí Đôn (1726-1784) "... Phải viết có nội dung là đạo thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn; viết có nội dung thì văn chương thịnh, không như thế thì suy..." v.v... và v.v... đều là những giá trị bền vững, những bài học cho lý luận văn nghệ hiện đại, khi nền văn nghệ nước nhà đang vừa phải giữ vững bản lĩnh, bản sắc dân tộc, vừa kỳ vọng thâm nhập sâu vào thế giới của nhiều nền văn minh ./.
GS.TS. Hồ Sĩ Vịnh
-------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, Nxb CTQG, 1996, tr.46
(2) Mác và Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, t.4, tr.602
(3) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb TB, t.36, tr.684
(4) NQTW 5 (khoá VIII), 1998