Sáng12/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền Thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng. Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, nhờ sự chỉ đạo, định hướng thường xuyên của cơ quan chủ quản, năm 2021, hầu hết các nhà xuất bản (NXB) đã khắc phục khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19; sáng tạo, tập trung xây dựng kế hoạch xuất bản được nhiều bộ sách, đầu sách phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương. Nhiều cơ quan chủ quản thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ NXB kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh, liên kết; tập trung làm tốt việc xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo NXB, chú trọng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo hằng năm và từng giai đoạn; chỉ đạo thực hiện công tác thi đua khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ để động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ, viên chức, người làm công tác xuất bản vượt qua khó khăn, thử thách, thêm quyết tâm, nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19, ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm báo cáo công tác chủ quản xuất bản năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. (Ảnh: HMT)
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm lưu ý trong năm 2022, đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển đơn vị xuất bản chủ lực, thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản, khuyến khích các nhà xuất bản chuyên ngành, chuyên sâu. Đối với cơ quan chủ quản, cần quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Đối với cơ quan xuất bản, cần xây dựng kế hoạch, đề tài trung và dài hạn, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), tận dụng số hóa, chuyển đổi số kịp thời để tạo ra các sản phẩm xuất bản điện tử chất lượng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa đạng của độc giả, tạo những tiện ích tốt nhất trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm, chú trọng công tác truyền thông để thúc đẩy văn hóa đọc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, cả nước hiện có 57 NXB, trong đó có 15 NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong năm 2021, các NXB thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu: 29.274 cuốn với 350 triệu bản sách in, 2.300 xuất bản phẩm điện tử với 25 triệu lượt truy cập, 1.374 xuất bản phẩm với 25,6 triệu bản (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch…).
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn báo cáo hoạt động xuất bản và công tác chủ quản năm 2021. (Ảnh: HMT)
Trong năm qua, các NXB đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là cho ra đời các xuất bản phẩm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các NXB tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh xuất bản các mảng sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; kỹ năng, dạy nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp; cung cập hệ thống kiến thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng...
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động xuất bản, cùng với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành xuất bản, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị cơ quan chủ quản lưu ý quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho NXB đáp ứng được tiêu chuẩn và thực tiễn công việc, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là đối với biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận. Các cơ quan chủ quản quan tâm, đầu tư cho NXB trong việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, đóng góp vào việc đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại; có kế hoạch trung và dài hạn để giúp NXB tháo gỡ khó khăn, hoạt động ổn định trong tình hình dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan quản lý trong việc định hướng NXB triển khai hiệu quả một số chương trình, đề án thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước, kết hợp với chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa.
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn An Tiêm báo cáo tổng kết công tác năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Hội Xuất bản Việt Nam. (Ảnh: HMT)
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn An Tiêm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong các Chỉ thị, Nghị quyết và nội dung Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng, Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới. Việc thể chế hóa này sẽ giúp 31 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn, trước mắt, để việc sửa đổi, bổ sung, Điều lệ Hội Xuất bản Việt Nam trong kỳ Đại hội V nhiệm kỳ 2022-2027 được thuận lợi và khả thi hơn.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG “KHOÁN TRẮNG”, “ĐỨNG NGOÀI CUỘC” ĐỂ NXB TỰ HOẠT ĐỘNG
Bên cạnh những thành tích, kết quả, kinh nghiệm được nêu lên, Hội nghị cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập cụ thể, liên quan đến công tác chủ quản và tính đặc thù trong mỗi lĩnh vực xuất bản, mỗi NXB, trong đó có những hạn chế cơ bản như:
Một số cơ quan chủ quản NXB chưa thật sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động hoạt động của NXB; còn hiện tượng một số cơ quan chủ quản “khoán trắng” hay “đứng ngoài cuộc” phó mặc cho NXB tự hoạt động. Chưa quan tâm nhiều tới công tác kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng; chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong tham mưu, đề xuất tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình NXB phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước; chưa nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về công tác xuất bản để thực hiện công tác cán bộ, đề xuất mô hình hoạt động cho phù hợp với chủ quản và hoạt động chung của ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm của các NXB trực thuộc có nơi bị xem nhẹ, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để nội dung xuất bản phẩm sai phạm kéo dài…
Cơ quan chủ quản chưa thực sự chú trọng tới công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho NXB, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo chủ chốt; tình trạng kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo hay thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên môn khiến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn yếu về chất lượng.
Việc đầu tư vốn, cơ sở vật chất ở nhiều NXB chưa được cơ quan chủ quản quan tâm đầu tư thích đáng; có những NXB chưa được cơ quan chủ quản quan tâm, tạo điều kiện cấp vốn và hỗ trợ kinh phí; không ít NXB phải thuê trụ sở trong khi điều kiện hoạt động theo kiểu “ăn đong”. Tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu vốn, thiếu sự đầu tư về khoa học - công nghệ đã hạn chế năng lực phát triển của NXB trong khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh chóng...
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội. (Ảnh: HMT)
ĐỐI PHÓ KỊP THỜI VỚI TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản NXB năm 2021 tiếp tục khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam trong việc quyết tâm triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản NXB đã chủ động, trách nhiệm, phối hợp cùng các cơ quan liên quan có nhiều giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ hoạt động xuất bản và đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý NXB thực hiện nhiệm vụ chính trị được triển khai thường xuyên. Các NXB đã xuất bản được nhiều bộ sách, đầu sách giá trị về lý luận, văn hóa, văn học, khoa học, lịch sử, sách tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; sách có nội dung phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch, sách về thành tựu phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới..., phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Cung cấp kịp thời có hệ thống những nội dung quan trọng, cốt lõi trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ với các hình thức thể hiện sinh động, sáng tạo.
Thứ hai, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ tiếp tục được một số cơ quan chủ quản NXB, các NXB thực hiện hiệu quả. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm công tác xuất bản; quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 và Kết luận 01 của Bộ Chính trị; một số cơ quan chủ quản và NXB tập trung làm tốt việc xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo NXB, chú trọng rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm và từng giai đoạn, góp phần từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật cán bộ trong các NXB được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Thứ ba, cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo nâng cao năng lực hoạt động của NXB thông qua đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật và chính sách đặt hàng. Triển khai giải pháp hỗ trợ NXB nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, hỗ trợ tài chính, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, hỗ trợ đặt hàng của chính cơ quan chủ quản, giúp nhà xuất bản giữ vững nhịp độ tăng trưởng.
Đã có những phương án đối phó kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nổi bật là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản; đẩy mạnh chuyển đổi số, xuất bản điện tử và lựa chọn phương thức phát hành trực tuyến giúp bạn đọc tăng cơ hội tiếp cận sách, đồng thời mở ra một hướng đi mới, đột phá trong phát triển thị trường, giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số.
|
Thứ tư, công tác giao ban chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản tiếp tục được đổi mới. Thể hiện rất rõ trong việc tổ chức tốt các hội nghị giao ban công tác xuất bản định kỳ tại địa phương, cơ quan; kịp thời định hướng chỉ đạo, thông tin các chủ trương, đường lối của Đảng; cập nhật các văn bản quản lý nhà nước mới, những vấn đề đang được xã hội và dư luận quan tâm; tránh được những sai sót về nội dung ấn phẩm, giúp các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch, lựa chọn đề tài phù hợp.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: HMT)
KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH, LOẠI BỎ CÁC SẢN PHẨM THÔNG TIN ĐỘC HẠI, XUYÊN TẠC, PHẢN ĐỘNG
Cùng với nêu lên những bất cập, hạn chế, tồn tại trong trong công tác chủ quản xuất bản cần được quan tâm, giải quyết thời gian tới, đồng thời, để thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành xuất bản Việt Nam (10/10/1952 -10/10/2022), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan chủ quản xuất bản và các các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần quan tâm, tập trung triển khai một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cơ quan chủ quản đối với hoạt động xuất bản. Chỉ đạo NXB xây dựng kế hoạch xuất bản trung và dài hạn, lựa chọn, ưu tiên các đề tài thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ lớn trong năm, nhất là việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai các mảng đề tài đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, thù địch; tăng cường thông tin đối ngoại đưa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế... Thông qua các ấn phẩm xuất bản, tuyên truyền, truyền bá tri thức; phải nêu được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phải “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
|
Hai là, cơ quan lãnh đạo, quản lý cần tích cực, chủ động, sớm tiến hành việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước để đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản không còn phù hợp trong công tác chỉ đạo hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, cơ quan chủ quản, NXB cần phối hợp, sớm triển khai đánh giá Quy hoạch ngành xuất bản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có căn cứ rà soát, tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước quy hoạch ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; xây dựng mô hình nhà xuất bản phù hợp với hoạt động thực tiễn và các quy định của pháp luật; xây dựng một số NXB trọng điểm, chiến lược đủ sức dẫn dắt hoạt động chung của ngành theo tinh thần “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”.
Ba là, cơ quan chủ quản cũng cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các NXB theo tinh thần nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển các đơn vị làm công tác xuất bản. Đề cao trách nhiệm của biên tập viên, người làm công tác xuất bản, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản, nhất là đội ngũ biên tập viên các NXB; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in và phát hành. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị cho các biên tập viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý NXB, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản và tích cực chủ động hội nhập quốc tế; tăng cường hợp tác, trao đổi bản quyền, chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ với các nước có nền xuất bản, in và phát hành phát triển trong khu vực và thế giới.
Năm là, cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với hoạt động của các NXB. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng các giải pháp linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị, bảo đảm để đơn vị có thể hoạt động và phát triển.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của NXB theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để chỉ đạo xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động của NXB./.
Thế Hoàng