Thứ Bảy, 14/12/2024
Xã hội
Thứ Năm, 10/10/2019 14:21'(GMT+7)

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tháng 10 lịch sử

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui. Với những người đã từng cầm súng bảo vệ Thủ đô thủa ấy, hay những người trong đại đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô và cả những người được đứng trong đoàn chào đón các chiến sĩ giải phóng, thời khắc lịch sử đó mãi là một ký ức không quên.

RA ĐI HẸN NGÀY VỀ

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống lại thực dân Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội đều nhất tề đứng lên chống giặc, cứu nước. Nhân dân Hà Nội cho phá đường, ngả cây, tất cả của cải, vật dụng như: Bàn ghế, sập gụ, tủ chè, giường phản, nồi niêu đều được mang ra đường phố lập chiến lũy, làm ụ chiến đấu để chống giặc. Họ đục tường nhà nọ sang nhà kia làm đường giao thông liên hoàn, bí mật lập thành trận đồ bát quái trong thành để đánh giặc. Từ người già, thanh niên nam nữ đến các em thiếu niên đều tham gia vào các đội tự vệ thành. Dù cuộc chiến không cân sức nhưng các tự vệ thành chiến đấu dũng cảm, lấy vũ khí thô sơ chống lại súng ống hiện đại của giặc Pháp, lấy lựu đạn và bom ba càng chống lại xe cơ giới.

Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Thủ đô được thành lập trong khói lửa, các chiến sĩ trong Trung đoàn Thủ đô đa phần là người con Hà Nội, các tự vệ thành trở thành các vệ quốc quân. 60 ngày đêm khói lửa mùa Đông 1946, các chiến sĩ của ta đã quả cảm chiến đấu cầm chân địch, bảo vệ Hà Nội.

Nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Phùng Đệ bồi hồi nhớ lại, sau Tết Đinh Hợi 1947, lực lượng của ta mất một số vị trí quan trọng, vòng vây của giặc Pháp đối với ta ngày càng thu hẹp. Khi đó, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội ra lệnh Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I vào đêm 17/2/1947 để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ. 1.200 chiến sĩ của Trung đoàn lặng lẽ vượt vòng vây một cách an toàn ra vùng tự do. Cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô khỏi Hà Nội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là cuộc lui quân thần kỳ. Trước khi rút khỏi Hà Nội, nhiều chiến sĩ đã gửi lòng mình bằng những dòng chữ viết lên tường nhà: “Ra đi hẹn ngày về”, “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”…

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh, thời bấy giờ là liên lạc của Trung đội trưởng Đội Tự vệ Hà Nội, nhớ lại ký ức một thời oanh liệt. Ông kể lại cuộc rút quân thần kỳ, vượt qua vòng vây địch trong đêm tối mịt mù mùa đông giá lạnh. Từng đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tập trung ở đình Phát Lộc (gần phố Hàng Đậu), theo liên lạc dẫn đường, vượt dưới gầm cầu Long Biên, ra bãi giữa đến bến phà Chèm. Trên cầu, địch gác, đi lại cùng đèn pha chiếu sáng nhưng không phát hiện. Đến bến Chèm đã có hàng trăm thuyền của đội du kích Hồng Hà thuộc Tứ Tổng chở đoàn quân vượt sông Hồng đến Phúc Yên, vùng tự do của ta. Sau đó, địch phát hiện, cho ca nô, xe tăng, bọc thép đuổi theo nhưng vô hiệu, Trung đoàn Thủ đô đã vượt khỏi vòng vây của địch một cách an toàn. Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh cũng chia sẻ, đoàn quân ra đi lòng bồi hồi, xúc động, ngoái nhìn đô thành nghi ngút cháy sau lưng, ước hẹn với Hà Nội ngày về chiến thắng. Sau đó, tất cả hành quân hàng tháng trời mới lên được chiến khu Việt Bắc.

NIỀM VUI NGÀY GIẢI PHÓNG

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an, người trực tiếp tham gia tiếp quản Thủ đô, bồi hồi khi nhắc đến những giờ phút thiêng liêng Ngày Giải phóng Thủ đô. Ông cho biết, một số cán bộ Bộ Công an đang đi công tác thì được lệnh gọi về, giao nhiệm vụ tham gia tiếp quản Thủ đô. Ông và đồng đội được sắp xếp là đội trật tự vào Thủ đô trước để tiếp quản Ty Cảnh binh thành phố, Cảnh sát quận Nhất (tức quận Hoàn Kiếm ngày nay) cùng Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể rằng, sáng sớm mùng 5/10/1954, đoàn của ông tập hợp hàng ngũ chỉnh tề đi từ làng Trung Giã (huyện Sóc Sơn) qua cầu Phù Lỗ. Đầu cầu phía Hà Nội có lô cốt Pháp nhưng đoàn tiếp quản ung dung đi qua hai hàng tiêu binh của Pháp, rồi bước lên 10 chiếc xe vận tải của quân đội ta xếp hàng chờ sẵn. Phía Pháp bố trí 4 xe thiết giáp, 2 xe dẫn đầu, 2 chiếc đi sau đoàn. Trên đường vào nội thành Hà Nội, rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón.

Ông vẫn còn nhớ, cả ba trụ sở cơ quan được giao nhận chỉ là những phòng trống rỗng, chỉ còn vài cái tủ, bàn ghế cũ, còn lại tất cả đều bị tháo dỡ mang đi hết. Chiều 9/10/1954, viên Thanh tra Cảnh sát Pháp ký bàn giao và tiếp nhận với lực lượng của ta. Cuối cùng, ông Nguyễn Quang Phòng và các chiến sĩ của ta cũng đòi Thanh tra Cảnh sát Pháp trả lại chiếc xe Citroen là tài sản của Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.

Sáng 10/10/1954, cảnh sát Pháp và quân đội Pháp quan sát việc rút quân của họ, có quy định cụ thể từng giờ quân đội Pháp rút đi từng khu vực, từng đường phố và bao giờ cũng có một đường phố đệm để ngăn cách sự có mặt của quân đội Pháp và quân đội Việt Nam.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đã trở thành thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc cho lớp lớp người Hà Nội.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kể rằng, 5 giờ sáng, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới - Ngày Giải phóng Thủ đô. 8 giờ sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 thuộc Trung đoàn Thủ đô quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về giữa một rừng cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Hà Nội.

Trung tướng Phạm Hồng Cư còn nhớ rất rõ, anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy, phố Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai, ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc, vào thành Hà Nội. Phía Nam, một đội hình bộ binh khác từ Việt Nam học xá lần lượt tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy. Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình xe cơ giới. Trên xe đầu tiên, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố giơ tay chào đồng bào. Tiếp đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn.

Thời khắc đó, Nhà sử học Lê Văn Lan còn là một thanh niên hòa trong dòng người đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ông chia sẻ rằng khi đó, nhìn lớp lớp đoàn quân hân hoan trên đường phố, người dân hai bên đường nô nức đón chào, một cảm xúc trào dâng trong ông. Không chỉ hưởng niềm vui chiến thắng, ông còn được đón người thân trở về, bởi trong đoàn quân đó có người anh thứ hai của ông. “Sự giải phóng ở đây là giải phóng dân tộc, giải phóng Hà Nội và người trong gia đình giải phóng cho nhau” - Nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ.

Buổi chiều 10/10/1954 diễn ra lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trên sân, các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối nghiêm chỉnh. Hàng đầu đội hình bộ binh là Trung đoàn Thủ đô. Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, toàn thành phố hướng về Cột Cờ thành Hà Nội. Mọi người trang nghiêm nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô ngày giải phóng. Mọi người rưng rưng xúc động, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc.

Đã 65 năm trôi qua, nhưng ký ức đẹp của những người được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng trong Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi. Dù sau này, chiến tranh tiếp diễn, Hà Nội cũng như cả nước gồng mình trong cuộc chiến bảo vệ, kiến thiết, phát triển đất nước, nhưng dấu ấn về những phút giây Hà Nội được giải phóng là không thể quên đối với nhiều nhân chứng lịch sử./.

Đinh Thuận (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất