VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BHTN KHÔNG THIẾU
Tính đến hết năm 2018, sau 10 năm thực hiện BHTN, cả nước có gần 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy vượt so với dự kiến nhưng tỷ lệ này còn thấp. BHTN đã hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BHTN được ban hành kịp thời, đáp ứng được những vấn đề thực tế, nhất là về đối tượng, các chế độ BHTN, trình tự thủ tục, đơn vị thực hiện tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN. Cụ thể: Ngày 12-12-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006) về BHTN; Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21-11-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP và các nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Viên chức. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg ngày 3-10-2013 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16-11-2013 tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII, trong đó quy định chính sách BHTN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn việc mở rộng đối tượng NLĐ giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và doanh nghiệp, tổ chức sử dụng từ 1 NLĐ trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN; quy định cụ thể các điều kiện hưởng và các chế độ của BHTN, trong đó bỏ trợ cấp một lần, sửa đổi cách tính trợ cấp thất nghiệp cho phù hợp, bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ…
Với nhiều nỗ lực, sau 10 năm (2008-2018), BHTN được thực hiện đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn quỹ. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường hiệu quả. Việc triển khai thực hiện BHTN đảm bảo theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”. BHTN thực sự trở thành điểm tựa của NLĐ và người sử dụng lao động.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VẪN LÀ KHÂU YẾU
Bên cạnh những mặt đạt được, kết quả thực hiện BHTN cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, chính sách BHTN chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế, trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện BHTN, cụ thể như sau:
Một là, nhân sự thực hiện BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm chưa thống nhất, được chia làm 3 loại và được đảm bảo từ ba nguồn kinh phí khác nhau: Biên chế (viên chức) do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao, chi phí do ngân sách địa phương đảm bảo; định suất thực hiện BHTN do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao và chi phí do Quỹ BHTN đảm bảo và nhân sự thực hiện thông qua việc ký hợp đồng lao động từ nguồn tự đảm bảo của các trung tâm. Do đó, nhân sự thực hiện BHTN không được hưởng các chế độ đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước (đào tạo, bổ nhiệm, chênh lệch về mức lương…) nên nhân sự thực hiện BHTN tại các trung tâm không yên tâm công tác, thường xuyên có sự thay đổi.
Hai là, Quỹ BHTN chưa được sử dụng để hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHTN và việc triển khai thực hiện BHTN trong khi hầu hết hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm (từ thu thập thông tin thị trường lao động, dữ liệu việc làm trống đến hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp) đều phục vụ cho người thất nghiệp nhưng kinh phí từ Quỹ BHTN chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho các hoạt động này, dẫn tới công tác thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Ba là, nhận thức về BHTN của một số NLĐ và người sử dụng lao động còn chưa cao. Không ít NLĐ và người sử dụng lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về BHTN nói riêng còn hạn chế dẫn đến ảnh đến quyền và lợi ích của NLĐ.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Ngày 23-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó nêu lên 11 nội dung cải cách chính sách BHXH, trong đó BHTN được cải cách một cách toàn diện, triệt để. Ngày 8-10-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về chương trình hành động của Chính
phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN được xác định là mũi nhọn. Trong đó, tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% và năm 2031, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
|
Để thực hiện các mục tiêu cũng như để đạt hiệu quả việc thực hiện BHTN trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và NLĐ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN để BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Hai là, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN. Hệ thống thực hiện BHTN phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BHTN là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả BHTN trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...
Ba là, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện BHTN. Tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng nhân sự để xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân sự thực hiện BHTN, bao gồm nghiệp vụ BHTN và các kỹ năng cần thiết khác. Tiếp tục cải cách chế độ, chính sách sử dụng, thu hút, đãi ngộ, khen thưởng gắn với hiệu quả công việc nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch quyền lợi gắn với trách nhiệm và sự cống hiến, tạo động lực cho nhân sự thực hiện chính sách BHTN.
Bốn là, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHTN.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh để hoàn thiện chính sách, pháp luật; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN; hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN ở Trung ương, tiến tới điện tử hóa quá trình thu - chi BHTN theo chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN, thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan.
Bảy là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHTN; tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHTN, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện.
Tám là, tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHTN, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về mô hình tổ chức thực hiện BHTN, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực nhân sự thực hiện BHTN trên cơ sở thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn tại các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Phạm Quý Trọng