(TCTG)- Là một trong những người được trao tặng giải A của Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh, chị Phan Thị Hải Hường – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hạ Long đã có những chia sẻ về quá trình làm bài dự thi.
Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” là một cuộc thi không có câu hỏi và đề cương trả lời nên việc nghiên cứu và lựa chọn các tài liệu để giúp cơ sở tham khảo các vấn đề là một việc làm hết sức khó khăn. Tôi đã dành nhiều thời gian để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời hoàn thành bài thi đúng tiến độ và yêu cầu của Thành phố.
Ban đầu khi nhận nhiệm vụ này tôi thấy rất băn khoăn vì mình là thế hệ thứ hai được sinh ra khi đất nước thống nhất, không được trực tiếp chứng kiến quá trình đấu tranh giải phóng hai nước Việt – Lào; cũng chưa một lần có cơ hội được đến thăm đất nước Lào xinh đẹp để hiểu thêm về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của xứ xở Triệu Voi với loài hoa Chăm pa nổi tiếng. Phải mất rất nhiều thời gian mà tôi vẫn chưa lựa chọn được vấn đề nào phù hợp với sự hiểu biết và tình cảm của mình để làm chủ đề cho bài viết. Hầu như ngày nào tôi cũng dành một khoảng thời gian nhất định để tra cứu trên mạng những thông tin về cuộc thi, những tài liệu phục vụ cho cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn; vào bảo tàng, thư viện để tìm đọc tài liệu; rồi tìm gặp một số cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu trên nước bạn Lào để hiểu thêm về tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt- Lào trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước để khơi nguồn cho bài viết.
Đứng trước cuộc thi mang tầm vóc quốc tế, cùng với dung lượng bài thi do Ban Tổ chức quy định không quá 4000 từ lại càng làm cho tôi trăn trở, phải viết làm sao, viết thế nào cho đúng với hiểu biết, tâm tư suy nghĩ và tình cảm chân thật nhất của chính mình trước mối quan hệ lịch sử đặc biệt của hai nước Việt – Lào, nhất là đối với thế hệ trẻ chúng tôi.
Chợt nhớ đến khi mình còn làm Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội Thành phố Hạ Long, tôi đã trực tiếp hướng dẫn cho những người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng Mỹ rải chất độc hóa học để làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ. Tôi nhớ đến bác Trịnh Thúy Cầm đã từng tâm sự bác là bạn của bố tôi đi vào chiến trường B phục phụ vụ bộ đội đường dây 559.
Từ ý tưởng đó, tôi đã quyết định lấy chủ đề cho bài viết dự thi của mình là: “Ký ức Trường Sơn- một thời để nhớ” vừa là ghi chép lại những kỷ niệm hết sức đáng quý của bố mình và những người đồng nghiệp của ông đã một thời phục vụ chiến đấu và vừa là để nhắc nhở lại bản thân phải hiểu quá khứ lịch sử để rồi trân trọng hiện tại và tương lai.
Chỉ còn 20 ngày nữa là kết thúc thời gian nộp bài thi về tỉnh, tôi mới tìm được chủ đề cho bài viết. Hồi đó, theo chủ trương của Bộ Văn hóa và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - lấy nghệ thuật trực tiếp phục vụ chiến đấu, chiến trường. Năm 1968, UBND tỉnh và Ty Văn hóa Quảng Ninh cử một đội xung kích gồm 16 nam, nữ diễn viên thuộc Đoàn Kịch nói tỉnh Quảng Ninh, biên chế qua Tổng cục Hậu cần đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ từ Binh trạm 31, 32, 34 và 41 thuộc đường dây 559 trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Hơn 40 năm trôi qua, có 7 người đã ra đi vì bệnh hiểm nghèo, 4 người sống ở địa bàn ngoài tỉnh, còn lại 5 người trong đội mà tôi may mắn tìm gặp được đầy đủ đã ở vào cái tuổi trên dưới 70, nhưng những ký ức về những năm tháng ấy vẫn còn nguyên vẹn đầy xúc động, tự hào và khi kể lại những kỷ niệm này họ đã phải dừng lại nhiều lần để thấm nước mắt. Chuyến đi biểu diễn dọc đường 9 Nam Lào vẫn còn in đậm sâu trong trí nhớ của họ đến nguyên cả những gian lao vất vả, cả sự đau thương, khốc liệt của chiến tranh đối với mọi người. Họ đã mang lời ca tiếng hát và cả tuổi trẻ của mình để phục vụ chiến trường; lên điểm chốt, dưới hầm sâu, lấy tiếng hát át tiếng bom để động viên cổ vũ cho tinh thần chiến đấu của bộ đội hai nước. Bố tôi và những người bạn của ông đã kể lại cho tôi nghe rất nhiều những kỷ niệm sâu sắc về sự giúp đỡ nghĩa tình của bà con các bộ tộc Lào khi họ phải di chuyển cả bản để bộ đội ta mở đường; rồi chăm sóc, che trở, thương yêu bộ đội ta như những người thân yêu ruột thịt.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, vì độc lập tự do của mỗi nước và của cả hai nước, trong những năm kháng chiến biết bao nhiêu máu xương của các thế hệ cha anh hai nước đã hoà quyện vào sông núi đất trời, để tô thắm thêm màu Cờ Tổ quốc. Vì cách mạng Việt Nam, đất nước Lào đã dành một phần lãnh thổ, đã hy sinh và chịu đựng hơn 3 triệu tấn bom để làm nên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Vì nhân dân Lào anh em, biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt sang giúp Cách mạng Lào. Các chuyên gia, bộ đội tình nguyện không quản ngày đêm, vượt Trường Sơn hùng vĩ sang công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Biết bao người đã nằm xuống và để lại máu xương trên đất bạn.
Đặc biệt khi tham gia cuộc thi này, tôi càng hiểu những cống hiến lớn lao của biết bao thế hệ cha anh người Việt, người Lào - những người đã không tiếc tuổi xuân của mình để con cháu muôn đời sau được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Vì vậy, với tôi, tìm hiểu về đất nước, con người, văn hoá Lào không chỉ bằng tấm lòng tri ân của tuổi trẻ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước, mà còn bằng cả niềm đam mê, sự nâng niu, trân trọng mối tình hữu nghị đặc biệt thuỷ chung trong sáng Việt - Lào. Đó cũng là cơ hội quý giá đối với lớp trẻ chúng tôi thêm một lần học lại lịch sử để thấm nhuần sâu sắc câu nói của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Sau khi hoàn thành bài viết dự thi của mình tôi còn tranh thủ sự tham gia, đóng góp ý kiến của một số nhà báo, giáo viên, cựu chiến binh đã từng chiến đấu, công tác và học tập trên đất nước Lào để kiểm nghiệm giúp mình những cảm xúc, những hiểu biết còn ít ỏi của bản thân về những thành quả trong quan hệ hợp tác, tình hữu nghị thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào đang dày công vun đắp.
Để thế hệ trẻ chúng tôi và các tầng lớp phụ nữ Hạ Long tiếp tục có thêm nhiều cơ hội hiểu biết và vun đắp tình hữu nghị thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào sẽ không chỉ dừng lại ở cuộc thi này, trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được tham gia nhiều chương trình hợp tác, giao lưu hữu nghị; các hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, hoạt động tình nguyện, hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…để qua đó chúng tôi sẽ có thêm cơ hội chia sẻ và làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm công tác./.
Phạm Tuấn (ghi)