Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Ba, 30/10/2012 8:34'(GMT+7)

Một Cuộc thi có ý nghĩa chính trị sâu sắc, sức lan tỏa rộng lớn

Văn nghệ tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: PQ

Văn nghệ tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: PQ

Chị Lê Thị Hợp – công nhân công ty tuyển than Cửa Ông: “Đọng mãi trong tôi hình ảnh quấn quýt, hòa quyện của hai dân tộc”.

Chị Lê Thị Hợp - Công ty tuyển than Cửa Ông.


Tôi đến với cuộc thi cũng hết sức tình cờ, qua xem ti vi thấy thông tin, tiếp đó Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Đảng ủy ngành than Quảng Ninh phát động Cuộc thi tại địa phương đã giúp tôi nắm bắt ý nghĩa Cuộc thi một cách nhanh chóng.

Tham gia Cuộc thi, băn khoăn lớn nhất của tôi là chọn chủ đề nào trong 11 chủ đề của Cuộc thi, viết bài làm sao để đảm bảo thông tin, lại có yếu tố mới lạ, hấp dẫn trong khi bản thân tôi chưa đến với nước Lào bao giờ. Câu hỏi này đã đeo bám tôi một thời gian dài trước khi chắp bút viết bài dự thi.

Nhờ người quen giới thiệu, tôi đã gặp bác Quách Bá Đạt, năm nay bác đã hơn 80 tuổi, bác Đạt từng sinh sống tại Lào từ năm 19 tuổi, với hơn 40 năm sinh sống tại Lào, kiến thức của bác về nước bạn hết sức phong phú. Những buổi nói chuyện với bác gợi mở cho tôi rất nhiều thông tin để viết bài. Từ đó tôi lựa chọn chủ đề cho bài dự thi của mình: những kỷ niệm sâu sắc về nước Lào.

Qua tiếp xúc với bác Đạt, tôi hiểu thêm nhiều điều về nước Lào hiền hậu. Không những thế, tôi còn được cơ quan tạo điều kiện để lên Hà Nội, đến bảo tàng Hồ Chí Minh để sưu tầm tư liệu liên quan đến bài dự thi. Tôi cũng tìm hiểu, xin các bạn đồng nghiệp hình ảnh, tư liệu về nước bạn  Lào để bổ sung bài viết tham dự của mình.


Bài viết của tôi đã được giải A của đảng ủy than Quảng Ninh và ở Cuộc thi cấp tỉnh bài của tôi cũng vinmh dự được nằm trong nhóm bài được trao tặng giấy khen, điều này cũng khiến tôi thêm ấm lòng. Qua cuộc thi này, với tôi giải thưởng chỉ là phụ, nhưng hiểu biết thêm về nước Lào – một đất nước hiền hậu, yêu đạo Phật, có mối quan hệ khăng khít với Việt Nam đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa hai dân tộc. Đặc biệt, qua cuộc thi này sẽ còn đọng mãi trong tôi hình ảnh sự hòa quyện, quấn quýt giữa hai loài hoa Chăm pa và hoa Sen, biểu tượng tâm hồn đẹp đẽ và khí phách bền bỉ, quật cường của hai dân tộc, biểu tượng cho tình anh em Việt Lào mãi mãi son sắt thủy chung và bền vững.

Chị Phạm Tuyết Nga – công nhân công ty than Cọc Sáu: “Yêu và thích thú con người, đất nước Lào”.

Chị Phạm Thị Tuyết Nga- Công ty than Cọc Sáu.


Khi nhận thông tin về cuộc thi, tôi đã đi tìm nhân chứng và tư liệu cho cuộc thi. Có những chuyến đi tôi phải tìm về tận Nam Định, Hà Nội và thành phố Hạ Long. Ở Nam Định, tôi đã tìm gặp một ông cụ năm nay đã 82 tuổi là cụ Nguyễn Văn Lấn. Cụ đã có 12 năm công tác ở bên Ban Thủy Lợi của Lào. Gặp thầy giáo Dương Minh Nhân dạy học ở trường phổ thông Bãi Cháy, thầy sinh ra và lớn lên ở nước Lào, đến khi về Việt Nam thầy theo học ngành khoa học xã hội và nhân văn rồi về dạy PTTH ở Bãi Cháy. Trong những cuộc gặp đó, cụ Lấn và thầy Nhân đã chỉ bảo, hướng dẫn cho tôi về văn hóa, con người và đất nước Lào tươi đẹp. Thầy Nhân đã cung cấp cho tôi toàn bộ tư liệu, hình ảnh về những thời kỳ kết hợp chiến đấu của bộ đội Lào với bộ đội Việt Nam. Tôi rất thích những câu thơ, các bài hát truyền miệng của các bộ tộc Lào, càng tìm hiểu tôi các thấy thích con người và đất nước Lào. Theo tôi, đây là cuộc thi có tính chính trị sâu sắc, vì nó giúp cho nhiều người dân Việt Nam biết và yêu nước bạn Lào nhiều hơn.

31 năm công tác tại ngành than, tôi thấy tựu chung ở công nhân ngành than tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, hăng say trong sản xuất. Điều đó càng phản ánh rõ hơn khi tham gia cuộc thi này, tôi đã được cơ quan tạo điều kiện cho cắt phép, hỗ trợ kinh phí để sưu tầm tư liệu, trang trí, in ấn bài dự thi. Tôi mong rằng, nếu bài dự thi của tôi được gửi đến Cuộc thi cấp trung ương, tôi sẽ có dịp đến thăm nước bạn Lào thân yêu nếu đoạt giải thưởng.

Ông Lê Ngọc Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh: “Quan hệ Việt Nam – Lào là điển hình mẫu mực về sự đoàn kết”.

Ông Lê Ngọc Dũng - Đảng ủy Than Quảng Ninh



Cán bộ, công nhân viên chức ngành than luôn nhận thức được lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, đây là điển hình mẫu mực, hiếm có về sự đoàn kết bền chặt, thủy chung trong sáng giữa hai dân tộc.

Đảng ủy than Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, phát động trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức hưởng ứng cuộc thi với hai hình thức thi viết và thi trắc nghiệm. Sau 4 tháng triển khai đã có hàng nghìn lượt người tham gia thi trắc nghiệm và 18.560 bài dự thi từ cấp cơ sở, Ban tổ chức cuộc thi ngành than đã lựa chọn 1467 bài có chất lượng nhất để chấm chung khảo.

Ban giám khảo của Đảng bộ than Quảng Ninh đã lựa chọn 20 bài để trao giải cấp đảng bộ. Kết quả có 5 đơn vị được trao giải tập thể, 6 cá nhân đoạt giải A, 6 cá nhân đoạt giải B và 8 cá nhân đoạt giải C. Qua cuộc thi tâm huyết này, cán bộ ngành than chúng tôi với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” mong muốn được góp phần nhỏ bé nhằm thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2012”; góp phần giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ hai nước tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam./.

Tuấn Phạm (ghi)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất