Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 20/6/2010 16:33'(GMT+7)

"Lá chắn" ma tuý tại cộng đồng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, thực tế chưa vui là tỷ lệ người tái nghiện ma túy ở các địa phương trong cả nước vẫn ở mức cao, số người nghiện mới phát sinh giảm chưa nhiều. Thực tế chứng minh, ngay cả các mô hình cai nghiện bài bản như "Công trường lao động 06" (tỉnh Tuyên Quang); cai nghiện tập trung 24 tháng, 36 tháng... của một số địa phương cũng không thể giúp người nghiện đoạn tuyệt hoàn toàn, bền vững khỏi tệ nạn ma túy, nếu không có sự giúp đỡ, không có vòng tay nhân ái, chở che của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Số liệu thống kê của ngành LĐ-TB-XH nhiều địa phương cho thấy, một tỷ lệ đáng kể số người sau cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng không có trong danh sách quản lý tại các quận, huyện, phường, xã... nơi họ sinh sống, cư trú; nhiều đối tượng sau cai lại lang thang, "vô công rồi nghề" và chẳng mấy chốc lại tái nghiện hoặc sa vào con đường phạm tội.

Tái hòa nhập cộng đồng là một tiến trình phức tạp, lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng "hai chiều". Người nghiện phải quyết tâm cao, kiên quyết đoạn tuyệt với ma túy; cộng đồng phải mở rộng cánh cửa, vòng tay nhân ái đón nhận, quản lý, giúp đỡ; tạo cho họ có một "lá chắn" vững chắc khỏi tệ nạn ma túy đang hằng ngày, hằng giờ rình rập, lôi kéo. Thực tế, người sau cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe, tinh thần, trình độ học vấn, tay nghề... và còn bị gia đình, hàng xóm nhìn với ánh mắt nghi ngờ, có thái độ xa lánh, kỳ thị. Không ít người khi đi cai nghiện được học nghề, có nghề, thể lực, sức khỏe đã phục hồi, nhưng khi trở về, đi "gõ cửa nhiều" nơi xin việc, vẫn chỉ nhận được những ánh mắt nghi ngại, những cái lắc đầu...

Để "kéo" người tái hòa nhập tránh xa ma túy, không mặc cảm với xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mô hình phong phú, hiệu quả như thành lập Cụm Công nghiệp Nhị Xuân để thu hút, tạo việc làm, với thu nhập tương đối ổn định cho người sau cai nghiện; các tổ chức, đoàn thể thành lập các CLB "Sức sống mới", "Bạn giúp bạn", "Lá chắn"; trợ vốn làm ăn, giúp tìm việc làm. Một số tổ chức, đoàn thể phân công cán bộ quan tâm, giúp đỡ từng đối tượng cụ thể sau cai nghiện... Nhiều địạ phương trong cả nước cũng có những cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả để quản lý tốt đối tượng sau cai, giảm thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.

Cùng với giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, việc ngăn chặn triệt để, làm sạch ma túy ở từng địa bàn, xóm, phố, khu dân cư... là hết sức quan trọng. Lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng...) chủ công "đánh" và "quét" ma túy, nhưng việc "chống và giữ", để ma túy không xâm nhập, không tiếp tục reo rắc "cái chết trắng" ở từng địa bàn, khu dân cư... phải có sự tham gia tích cực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng. Thực tế nhiều địa phương, cơ sở... cho thấy, xây dựng xã, phường, xóm thôn, khu phố... "sạch" về ma túy là một trong những giải pháp then chốt, quyết định hiệu quả cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng./.

(Theo: Quân Thủy/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất