Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 20/6/2010 16:31'(GMT+7)

Lắng nghe báo chí

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sinh thời, dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh -người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam vẫn dành thời gian để đọc báo, nghe đài. Qua đài, báo, Người biết được cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân nào làm tốt để khen thưởng, động viên; đồng thời có ý kiến phê bình, nhắc nhở những việc làm chưa tốt. Đây là một cách để Bác lắng nghe, lấy thông tin từ báo chí phục vụ công việc, bởi hơn ai hết, Nhà báo Hồ Chí Minh hiểu rất rõ những giá trị thực tiễn và sức mạnh từ thông tin trên báo chí. 

Học tập phong cách Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí, lắng nghe dư luận để kịp thời chỉ đạo, định hướng, xử lý những sự việc theo phản ánh của báo chí.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định không tổ chức bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa Tết Đinh Hợi để dành số tiền 1,5 tỉ đồng ủng hộ người nghèo của thành phố ăn tết. Ngay lập tức, báo chí phản ánh ý kiến của dư luận một cách trung thực với 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến ủng hộ quyết định của UBND thành phố. Ý kiến khác cho rằng, lâu nay việc bắn pháo hoa vào lúc giao thừa được người dân mong đợi bởi vào giờ phút thiêng liêng, trang trọng của năm mới, được ngắm pháo hoa sẽ tạo cảm hứng và sự phấn chấn. Trong giây phút ấy, mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc mà không hề phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, tuổi tác...

Lắng nghe và cân nhắc thông tin trên báo chí, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi ý kiến ban đầu, đi đến quyết định bắn pháo hoa cho toàn dân thành phố cùng thưởng thức vào thời khắc giao thừa năm Đinh Hợi. Quyết định đó đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người dân và khách du lịch nước ngoài đến thành phố, trong đó báo chí đóng vai trò làm cầu nối thông tin quan trọng.

Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm tuổi với biết bao kế hoạch, bao dự định bộn bề mà không thể lường hết được những vướng mắc nảy  sinh từ mỗi công việc. Chính vì vậy lãnh đạo thành phố rất coi trọng thông tin trên báo chí. Thời gian qua, hàng ngàn tác phẩm báo chí không chỉ tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội, mà còn phản ánh, góp ý về những tồn tại, những việc chưa làm được với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Sau khi cân nhắc ý kiến phản ánh của nhân dân thông qua báo chí, UBND thành phố đã quyết định ngừng một số dự án xây dựng chưa cần thiết hoặc chuyển vị trí xây dựng, như: Trung tâm thương mại 19/12; khách sạn Novoten trong công viên Thống Nhất; dự án lát đá xanh vỉa hè hồ Gươm và công trình Nhà điều hành Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm. Nhiều vấn đề bức xúc về đào đường, cắt điện liên tục, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép…phản ánh trên báo chí đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Thế nhưng, trên thực tế không phải cán bộ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng lắng nghe báo chí với tinh thần cầu thị. Có trường hợp khi báo chí nêu sự việc không tốt ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, thì lãnh đạo đơn vị đó đã tìm cách im lặng, hoặc trả lời theo kiểu né tránh. Thậm chí có cán bộ không thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí, nên khi có sự việc tiêu cực ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình bị báo chí phanh phui mà không hề biết. Đó là phong cách làm việc quan liêu, thiếu sâu sát của những người có trách nhiệm, do chỉ nghe báo cáo một chiều.

Với những người làm báo, có niềm vui nào hơn khi những thông tin do mình phát hiện gây được sự chú ý của dư luận và phản hồi của cơ quan, đơn vị với tinh thần cầu thị! Nhưng để có được nhiều niềm vui ấy, thì chính các nhà báo phải lắng nghe nhiều hơn, phải tỉ mỉ, sâu sát thực tiễn hơn và trước hết phải trung thực với chính mình. Còn với những người có trách nhiệm, việc lắng nghe, tham khảo thông tin báo chí với tinh thần cầu thị, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả công việc cao hơn. Tiếp thu thông tin và trả lời báo chí vừa thể hiện trách nhiệm với công việc được giao, vừa thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về báo chí. Nói cách khác, đó là một yếu tố cần thiết của văn hóa lãnh đạo. 

Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Viết cái gì? là những câu hỏi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam trả lời trước khi viết. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu suốt đời, là sự trăn trở của mỗi người cầm bút chân chính./.

(Theo: Nguyễn Ngọc Năm/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất