Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 13/4/2010 8:52'(GMT+7)

Điện ảnh bưng biền: Dấu son trong lịch sử Điện ảnh cách mạng VN

Nhà quay phim Khương Mễ và chiếc ghe phòng tối.

Nhà quay phim Khương Mễ và chiếc ghe phòng tối.

Có lẽ vụ việc này đã không đến mức gay gắt và kéo dài như thế nếu ngay từ đầu, đơn vị chức năng chịu thừa nhận những thiếu sót, sai lầm trong việc đánh giá một sự kiện có tính lịch sử. Nhưng không, đã hơn 20 năm trôi qua, bất kể những phản ứng khá gay gắt của những nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc, vai trò của điện ảnh bưng biền vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong tài liệu chính thức về lịch sử điện ảnh VN do Cục Điện ảnh thực hiện…

Vụ việc bắt đầu từ việc nhìn nhận và đánh giá sự ra đời cùng các hoạt động của điện ảnh bưng biền chỉ như là hoạt động lẻ tẻ, còn mang tính tự phát, địa phương, nghiệp dư trong cuốn “Sơ khảo Lịch sử Điện ảnh VN” năm 1983.

Khi ấy, đã có hàng loạt những kiến nghị, hội thảo nhằm minh chứng cho việc ra đời của điện ảnh bưng biền năm 1947, với quyết định thành lập do chính tướng Trần Văn Trà ký vào cuối năm 1947, những thành quả, những thước phim được đổi bằng máu và sự hy sinh của các nghệ sĩ, chiến sĩ đã khiến cho điện ảnh bưng biền xứng đáng là mốc son trong lịch sử điện ảnh VN.

Thậm chí, ngay cả khi người thực hiện bài nhận định thiếu chính xác về điện ảnh bưng biền, sau đó đã nhận ra sai sót của mình và đã lên tiếng cải chính trong một cuộc hội thảo diễn ra vào năm 1997, nhưng mọi sai lầm trong đánh giá vẫn không được chỉnh lý. Việc nhìn nhận này tiếp tục kéo dài suốt hàng chục năm cho đến mới đây nhất, trong cuốn “Lịch sử Điện ảnh Việt Nam” phát hành năm 2004, mọi việc vẫn y chang. Nghĩa là biết sai nhưng vẫn không sửa? 

Có lẽ trong phạm vi một bài viết, khó có thể liệt kê hết những hoạt động của điện ảnh bưng biền, những tác phẩm tiêu biểu, những khó khăn, hy sinh, mất mát của các nghệ sĩ nhằm chứng minh giá trị lịch sử mà điện ảnh bưng biền xứng đáng được thừa nhận. Tất cả những công trình đó, kèm theo những chứng cứ sống động về con người, hình ảnh, những thước phim tư liệu, những giải thưởng trong nước, quốc tế… đều đã được các nghệ sĩ Khu 8 cẩn thận lưu giữ và viết lại trong những tác phẩm đã ấn hành: “Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ (1945-1975)”, “Kỷ yếu điện ảnh bưng biền” (tập 1 và 2). Thậm chí, các bậc lão thành còn đang tiếp tục phục dựng một bộ phim về điện ảnh bưng biền bằng những thước phim lịch sử tiêu biểu lấy từ kho tư liệu mà các cụ còn lưu giữ.

Và không phải ngẫu nhiên mà cách đây 10 năm (ngày 7-9-2000), trong công văn số 946CV/TT-VH, Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM gửi đến Viện Huân chương Quốc gia đề nghị xem xét và khen thưởng cho tập thể Điện ảnh Nam bộ Huân chương Độc lập hạng Nhất, Ban TT-VH đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Điện ảnh Nam bộ như sau: “Điện ảnh Nam bộ ra đời sau một năm toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong hoàn cảnh vừa đánh giặc, vừa xây dựng sự nghiệp điện ảnh, trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ và thiếu thốn. Những người làm công tác điện ảnh Nam bộ đã khắc phục mọi khó khăn để xây dựng nên nền điện ảnh cách mạng, phục vụ chiến trường, phục vụ cho công tác tuyên truyền vận động toàn dân kháng chiến chống Pháp. Điện ảnh Nam bộ ra đời đã đánh dấu sự hiện diện của bộ môn nghệ thuật thứ bảy này đầu tiên trên lãnh thổ VN, khởi đầu cho nền Điện ảnh cách mạng VN. Điện ảnh Nam bộ thực sự đã có công lớn trong kháng chiến chống Pháp và là viên gạch đầu tiên đã xây dựng nền điện ảnh VN…”.

* Chủ tịch Hội Điện ảnh VN Trần Luân Kim: “Trong tài liệu chính thức “Lịch sử điện ảnh Việt Nam” của Cục Điện ảnh, sự đề cập về điện ảnh bưng biền chưa chính xác. Linh hồn của một tác phẩm mang tính lịch sử đó là những đánh giá về sự kiện, con người. Chúng ta cần nghe chính những chứng nhân lịch sử có tiếng nói chính xác để có những sửa chữa, đính chính trên các tư liệu chính thức, nhất là các tài liệu sử dụng trong các trường đào tạo điện ảnh. Hội là cơ quan tương đối độc lập, sẽ đại diện cho anh chị em nghệ sĩ điện ảnh kiến nghị giải quyết những việc bức xúc…

Cuốn “Lịch sử điện ảnh Việt Nam” của Cục ĐA gây phản ứng đã quá lâu mà không được giải quyết là không đúng. Đáng lý trước những phản ứng của anh em nghệ sĩ, Cục cần có phản hồi, nhưng Cục đã không làm điều đó. Hướng giải quyết trong thời gian tới của Hội là gửi báo cáo đến Cục ĐA, Bộ VHTT-DL để phản ảnh những ý kiến trên, để khi sửa chữa, tái bản, vai trò của điện ảnh bưng biền sẽ trở lại đúng với giá trị lịch sử vốn có…”.

* Nhà quay phim Nguyễn Đảnh: Chúng tôi mong muốn tìm lại công bằng, không chỉ cho điện ảnh bưng biền mà còn cho những người đã nằm xuống… Chúng tôi còn giữ đầy đủ chứng cứ về điện ảnh Khu 8 với những hoạt động có tổ chức, có quyết định thành lập để chứng minh rằng đây không phải là hoạt động tự phát, lẻ mẻ, địa phương và không chuyên.

Sau khi cuốn “Lịch sử điện ảnh Việt Nam” của Cục ĐA ra đời với những thông tin thiếu chính xác, chúng tôi đã tự bỏ tiền túi làm lại cuốn “Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam bộ (1945-1975)” để chứng minh lịch sử điện ảnh cách mạng VN (LSĐACMVN) bắt nguồn từ điện ảnh bưng biền…

Chúng tôi đề nghị nhà nước cần công nhận LSĐACMVN xuất phát từ Mộc Hóa, những thước phim đầu tiên được quay tại đây chúng tôi còn giữ, và bộ phim “Trận Mộc Hóa” được xem là bộ phim nổi bật…


Hà Giang-SGGP0

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất