Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 12/4/2010 16:20'(GMT+7)

Mấy ý kiến trao đổi về lễ hội đầu xuân

Cờ bạc vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một số lễ hội địa phương (Ảnh minh hoạ).

Cờ bạc vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một số lễ hội địa phương (Ảnh minh hoạ).

Lễ hội là nét đẹp trong đời sống văn hoá và có ý nghĩa tâm linh trong cộng đồng. Có những lễ hội lớn (như Hội Chùa Hương, Hội Yên Tử, Hội Đền Gióng...) được nhiều nguời biết đến, lại có những lễ hội thực chỉ mang tính chất địa phương... Năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các địa phương đều tổ chức lễ hội với quy mô hoành tráng ấn tượng. Đó là điều tốt, tuy nhiên cũng muốn có đôi điều bàn luận quanh các lễ hội đầu xuân.

Phải nói lễ hội ở địa phương nào mở ra cũng được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng: Người lớn thì nô nức phấn khởi vì đựơc thoả mãn nguyện vọng của đời sống tâm linh, cầu mong cho mọi sự an lành. Trẻ em thì được biết và ôn lại truyền thống cuả địa phương, biết ơn những người đã có công xây dựng, khai khẩn và dạy dỗ nhân dân trong vùng làm ăn. Thành hoàng làng từng nơi lại có những dấu ấn lịch sử khác nhau, có ngươì thì có công dẹp giặc cứu nước, có người lại là ông tổ truyền cho dân một nghề... Tựu trung lại, lễ hội nhiều vùng có sắc thái văn hoá khác nhau, vì vậy phần LỄ và phần HỘI cũng có những nét đặc trưng riêng.

Ấy vậy mà...

Dạo thăm một số lễ hội trong chuỗi lễ hội xuân 2010, người viết bài này thấy có nhiều điều cần bàn:

Thông thường, Lễ là phần có từ lâu đời được lưu truyền như một phong tục tập quán, mỗi lễ hội có đặc trưng riêng cuả từng vùng như: vật Cát Quế, Bơi Đăm, Rối nước Chùa Thày (ở xứ Đoài), chọi trâu ở Đồ Sơn, màn Rã La (Phần “tắt đèn” đặc sắc rã hội của 6 làng La thuộc Hà Đông - Hà Nội bây giờ), Giằng Bông (xã Sơn Đồng- Hòai Đức)... Đó là những địa phương có phần lễ rõ ràng, được lưu truyền từ bao đời nay. Chẳng thế mà nhân dân có câu:

Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thày
Vui thì vui vậy, chẳng tày Rã La

Hoặc:

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng 10 tháng 8 chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm bề
Mồng 10 tháng 8 thì về chọi trâu...

Những lễ hội này đã có tiếng tăm từ lâu, phần tổ chức rất quy mô hoành tráng và mang đậm dấu ấn đặc sắc của vùng miền quê.

Nhiều địa phương trên khắp đất nước có các lễ hội nhỏ, thực chất là hội làng, hội chùa theo thông lệ. Hàng năm mở hội để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã được tôn là thành hoàng làng là rất nên. Tuy nhiên từ trước đến nay, trong phần lễ của nhiều địa phương, ngoài màn tế chúc rượu thì không có gì đặc biệt. Nhưng năm nay, một số địa phương thấy lễ hội ở các nơi khác “hoành tráng” hơn nên “con gà tức nhau tiếng gáy”, bên cạnh những nghi lễ truyền thống đã cho thêm vào những phần một cách... tuỳ tiện. Có làng đã cho thiêu sống 2 con trâu và khiêng đến trước cửa đình để lễ thánh (hai con trâu bị trói rồi được chất rơm thiêu cho đến chết; có trường hợp dây trói đứt, trâu vùng chạy khiến có người suýt mất mạng). Chắc hẳn Thành hòang làng nơi ấy cũng chẳng sung sướng gì khi nhận lễ vật... khác thường này. Lại có nơi, thấy địa phương bạn tổ chức một số nghi thức cũng “mang về” bắt chước cho “hoành tráng” (ví như nghiềm quân là đặc trưng cuả lễ hội vùng Cát Quế, Yên Sở để tái hiện lại việc tập trận của tướng quân Lý Phục Man, ấy vậy mà có một số địa phương cũng tổ chức nghiềm quân mà chẳng hiểu một chút gì về cách thức cũng như ý nghĩa nghi thức ấy.

Phần hội cũng có nhiều điều đáng bàn. Hát quan họ là đặc trưng riêng của miền Kinh Bắc, thế nhưng ở một số địa phương, một vài người “biết hát” vài ba làn điệu cũng đứng ra thành lập “phường quan họ” (?!). Vì là tự phát nên kinh phí đều tự trang trải. Và để tự trang trải, họ đã đến lễ hội hát và... mời trầu (thực ra là... bán những miếng trầu - bởi người được mời trầu sẽ phải bỏ ra một “chút tuỳ tâm” vào mâm trầu ấy). Miếng trầu thì gọi là “cánh phượng” nhưng vì vụng têm nên trở thành... cánh gì không rõ nữa. Khách vãng lai mà được mời trầu, không cầm hoặc cầm mà không cho tiền thì bị trách, ngại với người xung quanh, mà “tuỳ tâm” thì mỗi miếng trầu ít nhất phải 10.000đ.

Hát giao duyên là lối hát rất đặc trưng của miền quan họ, nhưng chỉ áp dụng được khi tất cả mọi người dân đều biết hát, và quan họ đã ăn vào máu thịt của người dân vùng ấy, để ai cũng có thể giao duyên được, mới vui. Đằng này, những “phường quan họ” ấy cũng “bày đặt” ra lối hát trên thuyền (thuyền chỉ là một vài chiếc xuồng tự tạo). Các “liền anh liền chị” này thường ở tuổi 50-60 trở lên, tuy biết võ vẽ đôi ba làn điệu nhưng chất giọng ít được tập luyện nên phều phào đuối hơi. Hát trên nền nhạc thu sẵn, loa máy kém chất lượng nghe như tắc mũi. Đã vậy, lại chưa quen đứng trên thuyền tròng trành, vậy mới có cảnh dở khóc dở cừơi: Một “liền anh” đứng trên thuyền hát bị... ngã xuống ao, chỉ khổ cho ban tổ chức...

Hầu như các địa phương chỉ chú ý đến hình thức lúc lễ hội mà ít chú ý đến phần hậu lễ hội. Rác xả ra quá nhiều, người thu dọn không có, địa điểm tổ chức sau lễ hội như một “bãi chiến trường”, tan hoang, nhếch nhác. Đó là chưa kể đến những “xích mích” do “hơn thua” giữa các xóm, các cá nhân…

Người viết bài này có dịp đuợc tham dự lễ hội khu di tích Côn Sơn. So với trước, giờ đây đường đi lối lại đã sửa sang, nơi thờ tự cũng đã được xây dựng quy mô, bề thế hơn. Đặc biệt - một nét văn minh mà ít nơi danh lam thắng cảnh có được - đó là khu dịch vụ sinh hoạt ăn uống và mua bán đồ lưu niệm được tách riêng một nơi, không thấy “trương ra” trước nơi thờ tự, lấn chiếm hết lối đi như một số nơi thường gặp; hiện tượng ăn xin cũng ít… Tuy nhiên, vẫn còn những điều mà nếu ban tổ chức lưu tâm đến thì sẽ hoàn hảo hơn. Tuy lối đi từ bến xe lên đền thờ Nguyễn Trãi đều có trang bị các thùng rác rất văn minh lịch sự, nhưng khu vực bãi đỗ xe tuyệt nhiên không thấy một thùng rác công cộng nào. Đặc biệt dọc theo đường từ Đền thờ Nguyễn Trãi lên Thạch Bàn, đền thờ Trần Nguyên Đán có rất nhiều những chiếu nghỉ - là những tảng đá to, phẳng - có thể làm chỗ dừng chân cho du khách thì bị chiếm dụng để bán hàng, “chặt chém”. Từ nền nhà Nguyễn Trãi lên Am Bạch Vân tuyệt nhiên không có một thùng rác nào. Khách du lịch cứ mặc nhiên xả rác ra... núi. Mong rằng điều ấy chỉ là những hạt sạn trong một bát cơm vốn dĩ rất ngon...

Du xuân đầu năm là một nét đẹp văn hoá cuả người Việt, nhưng làm sao để những cuộc du xuân ấy thật sự mang lại sự nhẹ nhàng thoải mái cho du khách thì không phải nơi nào cũng làm được./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất