(TG) - Thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu thường xuyên, chủ động đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trong tình hình mới, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, tạo nền tảng để Lai Châu thực sự trở thành phên giậu vững chắc của Tổ quốc.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” đẩy mạnh các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Núp bóng hoạt động tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, như: tuyên truyền, lôi kéo, củng cố tổ chức, kích động di cư tự do…
Tất cả các tôn giáo đều có những giáo lý, giáo luật khuyên dạy con người làm những điều hay, lẽ phải, xây dựng hạnh phúc gia đình, bản thân và người có ích cho xã hội bằng những việc làm cụ thể như: không uống rượu say, không hủ hóa, không mắc tệ nạn xã hội, không đánh đập vợ con… Tuy nhiên, khi đã tạo được niềm tin với người đồng bào các dân tộc thiểu số, thì các thế lực thù địch lợi dụng vào chính sự “nhẹ dạ cả tin” ấy để tuyên truyền, kích động làm những điều đi ngược lại với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó những truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dòng họ, tộc người đang ngày càng có nguy cơ mai một, thất truyền bởi những yếu tố văn hóa ngoại lai có hại đang từng ngày du nhập, thẩm thấu vào đời sống dân cư. Trình độ dân trí ở một số nơi còn hạn chế, đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, khó khăn… Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã tiến hành tuyên truyền, lôi kéo dưới nhiều hình thức khác khác nhau, ở mọi lúc, mọi nơi đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước những thực trạng nói trên, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu thường xuyên, chủ động đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
Về công tác tuyên truyền, trên báo Lai Châu thường xuyên duy trì các chuyên mục như: “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", “Vấn đề kỳ này”, “Hiến pháp và pháp luật”. Các bài viết về đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống diễn biến hòa bình… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, báo Lai Châu đã xuất bản, phát hành được 103 số báo, trong đó 66 số báo thường kỳ, 21 số báo cuối tuần và 16 số báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao; in ấn, phát hành 287.164 tờ báo.
Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh ngoài việc xây dựng các tin, bài bằng tiếng phổ thông, còn phiên dịch ra 4 tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì) qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lò Ngọc Minh cho biết: “Không chỉ ở xã Phúc Than (Than Uyên) này mà gần như các địa bàn đều tuyên truyền bằng hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc địa phương. Tuy vậy, việc tuyên truyền bằng hai thứ tiếng phải được tiến hành ở những địa bàn có đông đồng bào cùng một dân tộc sinh sống, thì hiệu quả tuyên truyền sẽ tốt hơn. Cùng với việc truyền đạt bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau thì các Tuyên truyền viên còn nắm bắt, thu thập thông tin về những vấn đề nóng, phát sinh tại cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định…”.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh đã tổ chức 327 buổi đưa tuyên truyền về cơ sở, tổ chức 29 cuộc triển lãm tranh, ảnh, sách phục vụ khoảng 15.000 lượt người xem; tổ chức được 50 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các thư viện trên toàn tỉnh đã phục vụ khoảng 12.800 lượt bạn đọc, luân chuyển trên 5.000 bản sách về 15 tủ sách đồn biên phòng, Trường Dân tộc nội trú tỉnh và cơ sở; tổ chức 420 buổi chiếu phim lưu động, thu hút hơn 40.000 lượt người xem...
Cùng với việc đẩy mạnh các hình thức, phương pháp tuyên truyền thì các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên chú trọng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả tới từng thôn, xóm, bản... Trong đó tiêu biểu phải kể đến Mô hình “Thực hiện nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên”.
Sau 1 năm triển khai thực hiện với “5 việc phải làm, 5 việc không nên làm” đã thu hút sự tham gia và ký cam kết thực hiện của 1.369 hộ, 22 bản, thuộc 8 xã có đồng bào dân tộc Mông. Sau một năm tham gia ký cam kết bà con tự giác nộp 9 khẩu súng kíp, 98% người dân đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm; vận động 44 đám cưới được tổ chức theo đúng cam kết, nhiều thủ tục thách cưới được loại bỏ tiết kiệm hơn…
“Từ khi ký cam kết không có hộ phát sinh theo đạo, không có người buôn bán sử dụng trái phép các chất ma túy; 100% các hộ dân đồng tình và chấp hành tuyệt đối nội dung cam kết, nhiều bản sắc văn hóa được bảo tồn phát huy; 2/12 hộ từng theo tôn giáo trái phép đã tự nguyện từ bỏ và lập lại bàn thờ tổ tiên... từ đó góp phần làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND xã Phúc Than (Than Uyên) Nguyễn Trọng Hiệp thông tin.
Phát huy tốt những kết quả đã đạt được, thời gian tới các cơ quan chính quyền của tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới. Từ đó góp phần xây dựng Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung ngày càng giầu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: Nhật Minh