Thứ Ba, 15/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 4/9/2020 8:32'(GMT+7)

Lai Châu: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, dân số trên 460 nghìn người, với 8 huyện, thành phố; 523 tổ chức cơ sở đảng, 1.868 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 29.062 đảng viên. Toàn tỉnh có 6 thư viện huyện, thành phố, 158 thư viện, phòng đọc sách cấp xã; 246 trường phổ thông, 08 trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tỉnh đều có phòng đọc, thư viện.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Sau khi có Chỉ thị số 20-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chỉ thị phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các cuộc họp của cơ quan, chi bộ, tổ dân phố; hệ thống băn zôn, khẩu hiểu, thông tin lưu động, hệ thống đài truyền thanh không dây. Thông qua công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận chính trị đối với việc nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

 Tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo công tác biên soạn, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Trong 16 năm (từ năm 2004-2020), đã tổ chức biên soạn, phát hành 1.382 đầu sách, tài liệu. Cơ cấu, số lượng, chất lượng sách lý luận, chính trị của tỉnh tương đối đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh ấn phẩm lý luận, chính trị của tỉnh, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã mua, tiếp nhận hàng trăm đầu sách và hàng chục nghìn cuốn sách lý luận chính trị của các cơ quan Trung ương và các tỉnh. Đồng thời, hằng năm tỉnh tiếp nhận sách theo Đề án trang bị sách giáo dục lý luận, chính trị, pháp luật cho xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai, trong đó gồm nhiều loại sách trên các lĩnh vực Nhà nước và pháp luật; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Sách lý luận, chính trị của tỉnh biên soạn, phát hành, bảo đảm tính chiến đấu, tính định hướng, tính thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, ngành và bám sát thực tiễn cơ sở; cung cấp, phản ánh kịp thời những thành tích, kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, số sách hiện có trong hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 557.300 bản, trong đó có khoảng 10% sách lý luận, chính trị; thư viện Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố, Trường Cao đẳng cộng đồng, các trường trung cấp và hệ thống các trường phổ thông trên 14.000 bản phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ. Hằng năm, Thư viện tỉnh đã bổ sung 2.500 bản sách, trong đó sách lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 12-15%; thư viện huyện, thành phố dành khoảng 10% tổng kinh phí mua bổ sung sách hằng năm để mua sách lý luận, chính trị; tủ sách các xã, phường, thị trấn được trang bị, bổ sung sách thường xuyên theo Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn. Ngoài các loại sách của Đề án, các xã, phường, thị trấn được cung cấp các loại sách báo, tạp chí theo Quyết định số 1637/QĐ-TTg ngày 31/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Kết luận số 29-KL/TW ngày 25/8/2012 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Công tác quản lý, khai thác sử dụng mang lại hiệu quả tích cực, hều  hết các tổ chức cơ sở đảng của từng cơ quan, đơn vị đã đưa việc quản lý, khai thác và sử dụng sách đi vào nề nếp. Các chi ủy, đảng ủy quan tâm xây dựng tủ sách, lập sổ quản lý và tổ chức giới thiệu, khuyến khích cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu. Sách lý luận chính trị đã thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu trong công tác tư tưởng của Đảng; có ý nghĩa tích cực trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là ở cơ sở.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xuất bản, in phát hành; tiếp tục củng cố, hoàn thiện về biên chế, tổ chức bộ máy, tăng cường phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xuất bản và các quy định khác có liên quan trong giấy phép. Đồng thời, tỉnh cấp kinh phí trên 3 tỷ đồng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để mua bổ sung sách trang bị cho hệ thống thư viện các cấp, trong đó kinh phí dành cho mua sách lý luận chính trị trên 600 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 44 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu vẫn còn những hạn chế, bất cập, thể hiện trên một số nội dung, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị của một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa thật sự quan tâm đến việc tự đọc, tự nghiên cứu sách lý luận chính trị; các hoạt động giới thiệu sách, nhất là sách lý luận chính trị còn chưa nhiều, chưa khuyến khích được người đọc; số lượng, tỷ lệ đầu sách sách lý luận chính trị trong thư viện tỉnh, huyện tỷ lệ còn thấp so với đầu sách khác; còn tồn tại tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu sách lý luận chính trị, nhất là thiếu sách chính trị phổ thông dành cho nhân dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; hệ thống in ấn, xuất bản, mạng lưới phát hành trên địa bàn tỉnh còn mỏng; hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở thiếu đồng bộ, hoạt động ít thường xuyên, các điểm bưu điện văn hóa xã chưa thực sự thu hút độc giả.

BÁM SÁT NHỮNG MỤC TIÊU ĐỀ RA

Trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tiếp tục kiên trì thực hiện và đổi mới sáng tạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị; tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm mang tính báo chí và website của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh. Tích cực giới thiệu những cách làm hay trong quản lý, khai thác và sử dụng sách hiệu quả để nhân rộng; khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc, bưu điện các cấp, đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, lưu trữ, phục vụ nhu cầu của độc giả. Quan tâm xây dựng, tu bổ các nhà văn hóa, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn để lưu giữ, bảo quản sách; tiếp tục đầu tư, trang bị các đầu sách phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, kịp thời cung cấp các loại sách, báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành; hỗ trợ việc mua sách lý luận, chính trị; cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở. Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính Đảng, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, từng bước đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong tình hình mới, nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà máy in Lai Châu, các cơ sở in, xuất bản được cấp phép hoạt động, các đơn vị tư nhân làm công tác phát hành sách trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

Năm là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua sách lý luận, chính trị; đẩy mạnhcông tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc xuất bản, phát hành sách không đúng quy định. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động in, xuất bản, phát hành sách nói chung và sách lý luận chính trị nói riêng trong toàn tỉnh./.

Đỗ Thị Kim Nhung

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất