(TG) - Luật
Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào
năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và
Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua
BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
NHỮNG KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Sau
gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, việc tổ chức thực
hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Tỷ
lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT
tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019
tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham
gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như:
nhóm người lao động (NLĐ) đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí,
mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm
được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh
viên (HSSV) đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình
thức hộ gia đình.
Việt
Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời
hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của
Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH,
BHYT giai đoạn 2012-2020.
|
Theo
thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu
BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm. Do đó, mục tiêu đến
năm 2025, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW
ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII
về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân
trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Để
đạt được kết quả khả quan như vậy là do sự nỗ lực của Ngành BHXH và sự
phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. BHXH Việt Nam đã chủ động
đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương;
Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các
tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết
liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người
dân tham gia BHYT thuận lợi nhất; Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT
đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức
kinh tế. Tính đến quý IV/2019, toàn quốc có 12,48 nghìn đại lý thu với
37,35 nghìn điểm thu và 52,18 nghìn nhân viên đại lý thu; Đẩy mạnh việc
ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tích cực cải cách thủ tục hành
chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
BHYT
là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ
thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội,
bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở
rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù
hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền
vững.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng
đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân
số, mô hình bệnh tật thay đổi,... và đặc biệt là chi KCB BHYT không
ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt
quá thu trong năm. Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết
20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và
để phát triển BHYT bền vững, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các
giải pháp sau:
Thứ nhất,
phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững. Số người dân chưa tham gia
BHYT hiện nay tuy còn ít, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là
những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do,
thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ
rủi ro của chính sách BHYT.
Hướng
giải quyết đặt ra là ngành BHXH cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất
những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng
này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời có những
giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham
gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng
đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc
bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ
công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí
và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân
khi tham gia BHYT.
Thứ hai,
quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền
lợi của người tham gia BHYT. Cần sớm thực hiện và hoàn thiện các quy
trình thực hiện của các giải pháp sau:
- Phối hợp chặt chẽ với ngành
Y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính
sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa
vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí
hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và
thanh toán chi phí KCB BHYT.
- Thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với KCB ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán DRG đối với KCB nội trú.
- Kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở KCB.
- Đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh phố và các cơ sở
KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT
cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối
đa.
Với
việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chúng ta sẽ đạt được
mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo phát triển BHYT bền vững./.
Mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” đặt ra là hoàn toàn khả thi.
|
Phạm Lương Sơn
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam