Thứ Sáu, 22/11/2024

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - hệ quả của bản lĩnh chính trị không vững vàng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ PHẢI THỰC SỰ VỮNG VÀNG

Theo Đại Từ điển tiếng Việt, bản lĩnh là khả năng và ý chí kiên định của con người trước mọi hoàn cảnh. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị là tố chất không thể thiếu, mang tính quyết định tạo nên sự kiên định, khả năng độc lập, tự chủ trong hành động.

Bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên được cấu thành và chịu tác động bởi nhiều yếu tố, như: trình độ lý luận chính trị; quan điểm, lập trường chính trị; phẩm chất chính trị; năng lực chính trị; dũng khí chính trị… Bởi vậy, để bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, đạt đến trình độ cao, có khả năng tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của bản thân, người cán bộ, đảng viên phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu thường xuyên, kiên trì và bền bỉ.

Trước những bước ngoặt hay những tình huống nhạy cảm, phức tạp về chính trị, cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ không nao núng, không chao đảo, ngả nghiêng mà luôn giữ vững lập trường, làm chủ tư duy của bản thân, có những quyết định chính xác để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Thực tế đã chứng minh bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành bại của mỗi Đảng nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Ý thức rõ về điều đó nên trong nhiều văn kiện, đặc biệt Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trước bất kỳ tình huống nào”(1).

Thực tiễn đã khẳng định, trong suốt hành trình hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định đưa đất nước ta, nhân dân ta tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích lịch sử trong thế kỷ XX và 20 năm đầu thế kỷ XXI.  

Trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, về cơ bản toàn Đảng, toàn dân ta có sức “đề kháng” tốt, bản lĩnh chính trị luôn vững vàng, nhận thức đúng về bản chất cách mạng, khoa học và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất mọi bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” hòng chống phá cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta vấp phải không ít hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng… Trước những tác động tiêu cực, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã nao núng, chao đảo, ngả nghiêng, thậm chí thay đổi hẳn về quan điểm, tư tưởng lập trường. Do không làm chủ bản thân nên không ít cán bộ, đảng viên đã có những quyết định, hành động sai trái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Số ít cán bộ, đảng viên, trong đó có người từng giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, một thời được trọng dụng nay “trở cờ” quay lưng với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Điển hình phải nhắc tới là trường hợp Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống. Khi còn công tác vị giáo sư này luôn phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng và trở thành Nhà giáo Nhân dân, một chuyên gia đầu ngành đóng góp nhiều công sức cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng do bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng mà sau khi nghỉ hưu, thay vì đóng góp một phần nào công sức, trí tuệ vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo, là tấm gương sáng để con cháu noi theo, chỉ vì những ích kỷ cá nhân, lại thêm bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, ông đã lên mạng xã hội tuyên bố rời bỏ Đảng, sau nữa là liên tục viết bài tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước… Tương tự là trường hợp ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ. Sau khi nghỉ hưu, ông Chu Hảo chuyển sang công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với cương vị là Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức. Là một đảng viên lâu năm, gia đình có truyền thống cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước nhưng ông Chu Hảo đã có những vi phạm rất nghiêm trọng. Ngoài cho xuất bản 5 cuốn sách có nội dung sai phạm về chính trị tư tưởng, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, cơ quan chức năng đã thẩm định, kết luận và xử lý cấm phát hành, qua báo chí, mạng xã hội và thực tiễn ông Chu Hảo còn nói, viết và làm trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước.v.v.

Tuy tính chất, mức độ ở từng vụ việc, ở từng đối tượng khác nhau nhưng nguyên nhân cơ bản, chủ quan, lớn nhất khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do bản lĩnh chính trị không vững vàng. Bản thân từng đồng chí thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên đã dẫn đến nói, viết và làm trái quan điểm, đường lối của Đảng. Đứng trước các vấn đề, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong đời sống xã hội, họ đã thiếu kiên định, thiếu sáng suốt, lựa chọn sai đường hướng, phương pháp tư duy dẫn tới sai lầm trong hành động và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hay nói một cách khác, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu của bản lĩnh chính trị không vững vàng. Vấn đề này cũng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra là: “Do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài;…” .

PHẢI THƯỜNG XUYÊN NÊU CAO Ý THỨC RÈN LUYỆN, TU DƯỠNG

Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý là từ mặt trái của cơ chế thị trường, tác động xấu từ các quan điểm sai trái, từ sự kích động, lôi kéo, móc nối của các thế lực thù địch. Đúng như nhận định của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa”. Đồng thời, chúng còn “cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”. Đặc biệt, chúng tìm mọi phương kế tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gieo rắc vào cán bộ, đảng viên tư tưởng hoài nghi về mục tiêu lý tưởng, con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Bài học đắt giá rút ra từ thực trạng như đã nêu trên là mọi cán bộ, đảng viên dù đảm nhiệm công việc gì, trên cương vị nào, trọng trách gì cũng phải thường xuyên nêu cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng. Chỉ có thông qua tự rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên mới không ngừng bồi đắp nâng cao bản lĩnh chính trị, tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho bản thân trước mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Bản lĩnh chính trị vững vàng là một phẩm chấtquyết định sự sống còn và thành công của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của toàn Đảng.

Để không thoái hóa, biến chất, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị thật sự kiên định, vững vàng. Dưới góc nhìn chính trị tư tưởng, sự vững vàng về bản lĩnh, ý chí, niềm tin có vai trò rất quan trọng quyết định “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một phẩm chất quyết định sự sống còn và thành công của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của toàn Đảng. Bản lĩnh chính trị không phải tự nhiên mà có, không phải có được trong một sớm một chiều, mà đó là sản phẩm của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập, nghiên cứu, rèn luyện thường xuyên, kiên trì và bền bỉ. Những tác động xấu từ mặt trái của xã hội, từ các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng là không hề nhỏ. Hằng ngày, hằng giờ những tư tưởng, quan điểm sai trái, những yếu tố tiêu cực len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, tác động đến mọi đối tượng. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến bản lĩnh chính trị đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng ta phải có những giải pháp đồng bộ, thống nhất và quyết liệt. 

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu đó là phải coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm củng cố và tăng cường bản lĩnh chính trị trong Đảng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin khoa học, tạo sự thống nhất cao cả về ý chí và hành động trong toàn Đảng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn. Quan trọng là vậy nhưng trên thực tế thời gian qua không ít cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp nhận thức chưa đúng, chưa thống nhất, nên chưa thấy hết trách nhiệm của mình với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Do đó, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng thì trước tiên phải đổi mới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của công tác này. Trên cơ sở thống nhất nhận thức, mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên cần xác định đây là trách nhiệm chính trị của mình.

Mặt khác, việc tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, duy trì chế độ học tập, sinh hoạt chính trị ở không ít địa phương, cơ sở lâu nay vẫn nặng về hình thức. Vấn đề đặt ra đối với mỗi tổ chức Đảng hiện nay là phải đổi mới mạnh mẽ về phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phù hợp môi trường, điều kiện công tác của cán bộ, đảng viên, có chiều sâu, khoa học và hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền phải tập trung làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp hiểu rõ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta.

Hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng được thể hiện tập trung ở chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng phải tập trung cao độ vào xây dựng ý thức, niềm tin và cổ vũ, khích lệ ý chí, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế đó chính là thước đo bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn Đảng. Cơ sở nền tảng cho sự vững vàng bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự kết hợp giữa trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ với kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực tiễn. Để có bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, từng cán bộ, đảng viên vừa phải tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải lăn lộn vào phong trào hành động cách mạng để thử lửa, tôi luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Không chỉ có khả năng và “sức đề kháng” tốt, trên cơ sở bản lĩnh chính trị vững vàng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới./.

_________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.199.

Phùng Kim Lân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất