(TCTG) - Tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI diễn ra chiều ngày 12-7-2007 tại Hà Nội có một nội dung được thảo luận khá rôm rả: câu chuyện xoay quanh 2 chữ "kính thưa". Trong buổi thảo luận đó có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều nhất trí cần phải “kính thưa” như thế nào cho đúng lúc, đúng chỗ. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Vấn đề cứ tưởng vụn vặn nhưng cũng quan trọng vì đây là vấn đề văn hóa".
Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2004/NĐ-CP ngày 9-8-2004, về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự của Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rất rõ về chuyện “kính thưa", việc tặng hoa, quà, chụp ảnh... Nội dung của Nghị định yêu cầu là chỉ “kính thưa” một đồng chí lãnh đạo cao nhất tại phiên họp, lễ kỷ niệm, mít tinh... Nhưng thực tiễn diễn ra cho đến nay, không chỉ ở nhiều hội nghị, nhiều lễ kỷ niệm, mít tinh của nhiều nơi mà ngay các cuộc họp, hội nghị ở trong nội bộ cơ quan, “kính thưa” vẫn cần phải được bàn luận.
Tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI diễn ra chiều ngày 12-7-2007 tại Hà Nội có một nội dung được thảo luận khá rôm rả: câu chuyện xoay quanh 2 chữ "kính thưa". Trong buổi thảo luận đó có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều nhất trí cần phải “kính thưa” như thế nào cho đúng lúc, đúng chỗ. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Vấn đề cứ tưởng vụn vặn nhưng cũng quan trọng vì đây là vấn đề văn hóa".
Điều tưởng như “vụn vặt” nhưng nhiều khi lại gây ra khá nhiều rắc rối, suy tư, lúng túng cho không chỉ những người phải “kính thưa” mà ngay cả những người được “kính thưa”. Ở một số hội nghị, hội thảo các vị lên phát biểu đều “kính thưa” quá dài, có người “kính thưa” dài hơn là nội dung phát biểu. Khi “kính thưa” mỗi vị lại đều gắn với cái đuôi chức vụ, học hàm, học vị... có người đến 4-5 chức vụ. Ví dụ có người đã kính thưa: Đồng chí Tiến sỹ Nguyễn Văn..., Bí Thư huyện ủy..., Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch hội..., Chủ tịch hội Cựu chiến binh.v.v. Nghĩa là có chức danh nào là “kính thưa” đầy đủ. Người sau cũng kính thưa như người trước. Thực tế đây là sự “bắt chước”! Vì tâm lý của người phát biểu sau sợ “kính thưa” không giống như người trước thì dễ bị các vị quan chức phật lòng.
Một lần, sau khi kết thúc hội nghị, tôi có thăm dò ý kiến về việc “kính thưa” với đồng chí được hội nghị “kính thưa” nhiều nhất (cũng là bạn thân của tôi) anh nói: “Hôm nay còn đỡ đấy, dù sao cũng còn chút đối ngoại, nhưng có lẽ chỉ “kính thưa” hoặc giới thiệu một lần là đủ, chứ hôm trước về xã, họ giới thiệu làm tôi cũng thấy ái ngại”. Và anh cho biết, đã nhiều lần đề nghị Ban tổ chức các hội nghị, cuộc họp, giới thiệu sao cho thực sự trân trọng, nhưng phải tạo ra sự gần gũi. Ví như khi xuống với bà con nông dân, thì chỉ cần giới thiệu là Chủ tịch huyện là được, không cần giới thiệu học hàm, học vị và các chức sắc khác làm gì. Vì điều đó là không cần thiết!
Đúng là sự giới thiệu, “kính thưa” khi phát biểu cần sự trang trọng, nhưng cũng phải đúng lúc, đúng chỗ. Trong các cuộc mít tinh, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế, thì việc giới thiệu cần đầy đủ, nhưng nên “kính thưa” một người cao nhất và một chức danh phù hợp nhất. Những người không được “kính thưa” riêng và đầy đủ các chức danh, không có nghĩa là không được tôn trọng. Có thể như Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn A, Bí thư tỉnh ủy, Thưa toàn thể các đồng chí dự hội nghị, là đủ, còn các chức danh khác không cần thiết mặc dù đồng chí còn nhiều chức danh khác.
Đối với những hội nghị, hội thảo, các cuộc họp trong nội bộ cơ quan thì việc giới thiệu và “kính thưa” cũng cần đơn giản hơn. Trong cuộc họp nội bộ ở một số cơ quan gồm những đồng chí lãnh đạo các đơn vị trong cơ quan, tôi thấy khi phát biểu ý kiến có nhiều người cũng phải “kính thưa” tên tuổi, học hàm, học vị kèm theo đầy đủ các chức danh của thủ trưởng cơ quan. Thiết nghĩ không có lẽ lãnh đạo các đơn vị trong cơ quan không biết thủ trưởng?
Để việc giới thiệu hoặc “kính thưa” có tính văn hóa, tránh sự ái ngại và hiểu lầm cho người “kính thưa” và về người được “kính thưa”, theo tôi, chúng ta nên thống nhất cách giới thiệu và kính thưa cho từng loại hội nghị, cuộc họp mang tính quốc gia, quốc tế, trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Thực hiện được những quy định cần cả hai phía, người giới thiệu, “kính thưa” và người được giới thiệu, “kính thưa” nhưng quan trọng nhất là ở người được “kính thưa”. Nếu người đứng đầu trong các hội nghị, hội thảo gương mẫu thực hiện thì người nghe sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe những “kính thưa” tràng giang đại hải, chỉ vì nhà tổ chức sợ mang tiếng "thất lễ".
Bài viết xin được kết thúc bằng lời phát biểu của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: “Trong lĩnh vực hành chính Nhà nước, theo tôi biết là cũng đã có hướng dẫn là chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất tại các cuộc họp, lễ kỷ niệm, mít tinh... Hiện nay, vẫn còn có những bài phát biểu mà thấy “kính thưa” mãi vẫn chưa kết thúc. Ngay tại Quốc hội, cũng có những phát biểu sau khi “kính thưa” xong, đến cuối bài lại có câu: cám ơn đã cho tôi phát biểu. Do đó cũng nên phải có cải tiến để tránh sự rườm rà"./.
Thanh Tùng