Người chép chuyện "Cái lý người vùng cao" được gặp các cán bộ văn hoá tỉnh vùng cao về dự Hội thảo về bảo tồn văn hoá truyền thống, bài trừ hủ tục ở vùng dân tộc thiểu số...và ghi lại những tâm sự của đồng bào.
Tại Hội thảo, các cán bộ văn hoá nhà mình được dịp trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống, loại bỏ những tục lệ lạc hậu không hợp với đời sống hiện tại. Hội thảo cũng là dịp để các cán bộ văn hoá giãi bày những băn khoăn, bức xúc để mong được chia sẻ, cảm thông... Có chuyện được nhiều cán bộ nhắc tới, xem như là cái khó khi tuyên truyền đồng bào làm theo quy ước đời sống mới, vì nó đụng vào cái lý của đồng bào, Người chép chuyện Cái lý người vùng cao chép lại, để mọi người cùng nghe và chia sẻ...
Chuyện là các cán bộ văn hoá đến các bản làng, vào từng nhà vận động đồng bào ta làm theo qui ước đời sống mới bỏ hủ tục ma chay cưới xin kéo dài ngày rườm rà, tốn kém. Cán bộ khuyên bà con khi không may có người chết đừng để dài ngày trong nhà vì không hợp vệ sinh, đừng tổ chức rượu chè, ăn uống vì tốn kém, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống. Cán bộ cũng khuyên bà con trong cưới xin hãy bỏ tục thách cưới, bỏ cái lệ ăn uống phải đủ "trâu 1, lợn 3, gà 7” rềnh rang, lãng phí, làm khổ các cặp vợ chồng trẻ...
Nghe cán bộ mình tuyên truyền vận động, đồng bào ta cứ gật đầu khen "cán bộ nói phải”, "cán bộ nói đúng”...nhưng rốt cuộc, đồng bào lại nói "mình không làm theo cán bộ nói được đâu”. Hỏi vì sao không làm được, đồng bào nói "cán bộ nói như thế, nhưng trên tivi vẫn chiếu đám ma người nhà cán bộ to làm lâu đến cả tuần, vòng hoa chất đầy mấy xe, tiền mua hoa đủ cho nhà mình ăn mấy năm...Đám cưới con cán bộ trên tỉnh, trên huyện mời cả trăm cả nghìn người, ăn mấy ngày liền, cũng bò, cũng lợn, lại toàn bia rượu đắt tiền, ai cũng thấy, sao cán bộ không đến vận động...Thôi, cán bộ về vận động cán bộ đi, cán bộ làm theo lời cán bộ đi, rồi đồng bào làm theo...
Ngọc Uông/Đại đoàn kết